Làm giàu từ mô hình đa canh

07/01/2013 10:01 GMT+7

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm sú ở Cà Mau không còn thời kỳ hoàng kim, do vậy nhiều nông dân đã tìm tòi, thay đổi cách sản xuất. Nhờ đó, không ít hộ nghèo khó đã vươn lên khá giàu từ việc áp dụng thành công mô hình sản xuất đa canh.

Đa canh hiệu quả

Ông Trương Chí Trung (ngụ xã Tạ An Khương Đông, H.Đầm Dơi) là một trong những gương điển hình về cách ứng dụng hiệu quả mô hình sản xuất đa canh. Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà vừa mới xây xong, trị giá trên 300 triệu đồng, ông Trung tâm sự: Năm 1982, vợ chồng ông về lập nghiệp ở vùng đất này. Vì nghèo, ông cùng vợ làm đủ việc, từ nấu rượu, nuôi heo, ấp gà, đến bán tạp hóa… Hễ việc gì kiếm ra tiền là vợ chồng ông không ngại. Dành dụm được ít vốn, ông bàn với vợ vay ngân hàng hơn 30 triệu đồng để mua 48.000 m2 đất, dự định cải tạo xong là thả tôm sú vào ruộng nuôi. Khổ nỗi nhà lại không có tiền. Vợ chồng ông quyết liều, đem con heo 80 kg đang nuôi đổi ngang lấy 40.000 con tôm sú. Chắc nhờ trời đất thương, vợ chồng ông thả nuôi 40.000 con tôm sú mà bắt lại được khoảng 37.000 con. Cứ mỗi đêm theo con nước, vợ chồng ông xổ được từ 100 - 200 kg tôm. Ở cái xứ Tạ An Khương thời đó, ông Trung trở thành người nuôi tôm đầu tiên và được phong danh hiệu “vua” tôm sú. “Chỉ khoảng 6 năm, tôi đã sắm được… 80 cây vàng từ việc nuôi tôm sú, số vàng mà trước đó, có nằm mơ vợ chồng tôi cũng nghĩ không bao giờ có được”, ông Trung tự hào nói.

Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi tôm bắt đầu giảm sút, ông Trung chuyển qua học nuôi cá sấu. Đầu tiên ông chỉ nuôi thử 3 con, giá mỗi con trên 1 triệu đồng. Thấy khả quan, ông tiếp tục thả nuôi với số lượng nhiều hơn. Hiện tại, chuồng cá sấu của ông có trên 120 con. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong vuông tôm, nên ông cũng không tốn kém nhiều. Mỗi năm ông bán không dưới 50 con cá sấu, thu lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2010, ông đào thêm 2 ao với diện tích khoảng 300 m2, nuôi thử nghiệm 250 con cá bống tượng. Ông Trung cho biết, nhờ sản xuất theo mô hình đa canh, mỗi năm ông thu lãi trên 250 triệu đồng.

Làm giàu từ mô hình đa canh
Nhờ tận dụng thức ăn sẵn có trong vuông tôm, mỗi năm ông Trung bán 50 con cá sấu, thu lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng

Thành công nhờ nuôi tôm công nghiệp

Với 6,3 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp nằm dọc theo kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, nhiều năm qua, mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Lê Văn Bol (ấp Xóm Lung, xã Định Bình, TP.Cà Mau) được người nuôi tôm trong khu vực xem là mô hình điểm, đáng để học hỏi.

Năm 2004, thấy mô hình nuôi tôm quảng canh chưa đạt hiệu quả cao, ông Bol mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Ông đầu tư 4 ao nuôi với diện tích khoảng 1,5 ha. Nhờ  áp dụng quy trình sản xuất đúng kỹ thuật, năm đó, ông trúng mùa, thu lãi trên 100 triệu đồng. Cứ thế, ông tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi qua từng năm. Ông Bol còn tận dụng diện tích đất vườn và đất biền lá dọc theo tuyến sông để đào thêm ao. Đến năm 2007, ông có tổng cộng 10 ao nuôi với diện tích mặt nước khoảng 3 ha và 2 ao lắng. Ông Bol cho biết tuy năm 2008 - 2009, giá tôm nguyên liệu không cao, nhưng ông vẫn kiên trì thả nuôi hết diện tích. Con tôm đã không phụ sức người, gia đình ông thu lãi trên 420 triệu đồng. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục duy trì mô hình nuôi này. Năm 2012, nguồn lãi thu được cũng ước đạt khoảng 300 triệu đồng.

Một điều vô cùng quan trọng là hiện nay, nông dân Cà Mau đã có sự thay đổi cơ bản trong tư duy sản xuất, biết đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời họ còn biết cách học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về con giống, kỹ thuật nuôi trồng… Từ đó, không ít hộ đã làm giàu bằng mô hình sản xuất đa canh ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.