Khởi sắc làng Chăm

17/04/2013 10:15 GMT+7

Được sự quan tâm của chính quyền, gần 100 hộ đồng bào dân tộc Chăm (hơn 400 nhân khẩu) sống tập trung ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, H. Dầu Tiếng (Bình Dương) có nhiều đổi thay rõ nét

“Trước đây, hộ gia đình Chăm có thu nhập trên 50 triệu/năm trong làng không có, nay số hộ đạt trên 100 triệu đồng/ năm rất nhiều. Đối với những hộ còn nằm trong diện nghèo, hàng năm chúng tôi hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững về nước sạch, vệ sinh môi trường, cho vay vốn hộ…”, ông Trương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa mở đầu câu chuyện.

Cũng theo ông Hương, năm 1998, phần lớn đồng bào dân tộc (ĐBDT) Chăm  sống theo kiểu du canh cư. Nhưng đến nay, 100% đã định canh, định cư tại chỗ nên các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xóa đói giảm nghèo của Nhà nước đã đến được với người Chăm và phát huy hiệu quả rõ rệt. “Ngoài ra, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh Bình Dương, người Chăm đã chuyển đổi cây trồng từ cây ăn trái, cây điều cho thu nhập thấp sang cây cao su giá trị cao. Với diện tích tự nhiên trong làng 200 ha, diện tích sử dụng 95 ha, trong đó 90 ha cao su và đã đưa vào khai thác. Nhờ đó, đời sống ĐBDT Chăm đã có nhiều khởi sắc”, ông Hương cho biết.

 

“Có điện, người trong làng nắm bắt các thông tin, thời sự trong và học được nhiều cách làm giàu dễ dàng. Ngoài ra, có điện, người Chăm đã biết mua những vật dụng có giá trị”, ông Kho Sanh, Phó giáo cả trong Làng nói.

Năm 2005, hệ thống điện được kéo đến từng hộ gia đình. Làng Chăm “bừng sức sống”, nhu cầu vui chơi, hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên. Ngoài ra, hệ thống nước sạch cũng đã đến tận nhà dân (98 % hộ dân trong làng dùng nước sạch). Đặc biệt, năm 2012, con đường chính vào làng đã được bê tông hóa, với chiều dài 9 km. Điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhiều căn nhà khang trang được cất lên với đầy đủ tiện nghi. “Có điện, người trong làng nắm bắt các thông tin, thời sự trong và học được nhiều cách làm giàu dễ dàng. Ngoài ra, có điện, người Chăm đã biết mua những vật dụng có giá trị”, ông Kho Sanh, Phó giáo cả trong Làng nói.

Giáo dục đào tạo cũng được người dân chú trọng. Bằng chứng hầu hết các gia đình có con trong độ tuổi đi học đều cho con đến trường. Nhiều gia đình còn cho con học đại học, cao đẳng. Điển hình như gia đình ông Kho Sanh có 4 người con thì một đứa đã tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Bình Dương, một đứa tốt nghiệp Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương và hiện đang làm việc tại Malaysia...

Song song với phát triển kinh tế, người Chăm tại Minh Hòa còn chú trọng đến phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tại đây đã xây dựng một Thánh đường và một nhà học giáo lý khá khang trang phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong làng (100% theo đạo Hồi). Thánh đường là nơi các chức sắc, cùng toàn thể bà con xa tề tựu để học những điều hay, lẽ phải. Từ đó, người dân ý thức xây dựng đời sống văn hóa, không để xảy ra tệ nạn xã hội. Kết quả, ấp Hòa Lộc (Minh Hòa) 11 năm liền giữ vững danh hiệu Ấp văn hóa.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa Trương Thanh Hương: “Cuộc sống của những hộ người Chăm tại xã Minh Hòa đã có những thay đổi rõ rệt. Rất nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước, phải nói rằng sự phát triển đáng kể của làng Chăm hôm nay có sự phấn đấu của từng hộ gia đình người Chăm…”

Khởi sắc làng Chăm

Điệu múa Mangtara của người Chăm tại Liên hoan ca - múa - nhạc Dân tộc tỉnh Bình Dương

Khởi sắc làng Chăm

Lãnh đạo địa phương quan tâm đến đời sống người ĐBDT Chăm

Khởi sắc làng Chăm 3

Cuộc sống người ĐBDT Chăm có nhiều khởi sắc, những căn nhà lá đã được thay bằng nhà xây kiên cố

Khởi sắc làng Chăm 4
 Người Chăm đã chú trọng việc học tập cho con em

Tuệ Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.