Giúp ngư dân bám biển

22/03/2014 09:36 GMT+7

Thời gian qua, các cấp, ngành ở TP.Đồng Hới (Quảng Bình) đã có nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ để ngư dân ra khơi.

Giúp ngư dân bám biển
Được hỗ trợ, ngư dân Quảng Bình yên tâm bám biển - Ảnh: T.Q.N

Đồng Hới hiện có trên 500 tàu cá các loại, trong đó khoảng một nửa là tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Năm 2013, sản lượng đánh bắt thủy sản được 9.580 tấn. Có thể nói, nghề biển mang lại hiệu quả kinh tế cao, mũi nhọn của địa phương nhưng thực tế hầu hết ngư dân vẫn bám biển bằng kinh nghiệm, chưa được đào tạo kiến thức cơ bản về khai thác, đánh bắt, sửa chữa tàu thuyền... Anh Nguyễn Văn Đung (ở xã Bảo Ninh) sở hữu tàu chuyên đánh bắt xa bờ tâm sự: “Chúng tôi ra khơi đều dựa vào kinh nghiệm của những người đi trước chứ chưa được đào tạo bài bản về các kỹ năng khai thác, đánh bắt. Bởi vậy khi ứng dụng một số phương tiện kỹ thuật hiện đại vào khai thác thủy sản thì gặp không ít khó khăn, một thời gian dài sau đó mới bắt đầu thích ứng”. Để tháo gỡ vấn đề này, 2 năm trở lại đây, các cấp, các ngành đã mở nhiều lớp đào tạo nghề miễn phí cho ngư dân như thuyền trưởng, máy trưởng và thợ sửa chữa máy tàu biển. Ông Nguyễn Xuân Thuật, thuyền trưởng tàu cá số hiệu QB 1120 TS tâm sự: “Mặc dù chỉ học trong thời gian ngắn nhưng đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích, giúp chúng tôi hiểu biết hơn, vững vàng hơn khi ra biển”.

Ngoài việc trang bị kiến thức cho ngư dân, các cấp ngành còn tìm phương hướng giúp ngư dân đoàn kết, hỗ trợ cho nhau trên biển để tăng hiệu quả đánh bắt, hạn chế rủi ro. Trong đó việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) đóng vai trò quan trọng. Đầu năm 2012, Liên đoàn lao động thành phố khảo sát, nắm bắt số lượng tàu thuyền, ngư dân tham gia khai thác hải sản ở 3 địa bàn có số lượng tàu thuyền lớn là: xã Bảo Ninh, Quang Phú và P.Hải Thành để xúc tiến thành lập NĐNC. Các đoàn viên khi tham gia nghiệp đoàn được hướng dẫn làm hợp đồng lao động với chủ tàu theo quy định của pháp luật; được cung cấp các tài liệu về quy định khi hành nghề trên biển; tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ nghề nghiệp; các NĐNC cũng được hỗ trợ kinh phí ban đầu để hoạt động.

Tham gia NĐNC, ngư dân không còn đơn độc trên biển, cảm thấy phấn khởi, có niềm tin và động lực đánh bắt hơn. Đó là chia sẻ của các đoàn viên nghiệp đoàn với chúng tôi. Anh Nguyễn Văn Minh (ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh) tâm sự: “Ngư dân chúng tôi mong có nhiều hỗ trợ hơn nữa để quyết tâm, thực sự bám biển. Dù có những chuyến thua lỗ nhưng không bỏ biển; kinh tế chủ yếu nhưng còn là hình ảnh quê hương, biển mình mà không có tàu thuyền mình thì kỳ lắm”.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.