Dân thủ đô vẫn phải dùng nước ao

13/05/2013 08:33 GMT+7

Hơn 2 năm nay, 1,1 vạn dân xã Ngọc Mỹ (H.Quốc Oai, TP.Hà Nội) đã không được dùng nước hợp vệ sinh.

“Chú hỏi về ao Sen hử? Chú cứ đi thẳng, rồi rẽ trái, khi nào tới cái ao to nhất làng có chi chít những đường ống nhựa dẫn nước vào nhà dân thì đó là Ao Sen”, một cụ bà bỏm bẻm nhai trầu chỉ cho tôi đường tới ao Sen, nơi mà hơn 2 năm nay người dân thôn Ngọc Than vẫn hút nước để dùng cho sinh hoạt thường ngày.

Khi tới nơi, cảnh tượng đầu tiên đập vào tôi, đó là những chị đồng nát đem những bọc nylon, bao tải dứa vừa thu lượm được xuống ao cọ rửa. Cách đó vài bước chân, một bậc thềm xi măng được xây bên bờ ao Sen để tiện cho việc giặt giũ, cọ rửa sau buổi đồng áng cũng khá đông người… Sau ít phút dùng tay đếm, tôi cũng nhẩm được có cả trăm đường ống dẫn nước từ sao Sen tới các hộ dân.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân trong thôn Ngọc Than cho biết: “Hơn 2 năm qua, tôi đã nhiều lần thuê người về khoan giếng. Hiện giếng đã khoan tới độ sâu 40 mét rồi, tốn kém nhiều nhưng vẫn không thấy nước nên đành chịu thôi, phải chấp nhận dùng nước từ ao Sen tù chứ biết sao được”.

Nước ao Sen sau khi được hút lên sẽ được gia đình anh Hùng xử lý qua bể lọc bằng cát, sỏi thông thường, trước khi sử dụng trong cho sinh hoạt. Nhà anh Hùng gần ao, tiền bỏ ra mua đường ống nước cũng chỉ tốn vài trăm nghìn. Nhưng cũng không ít gia đình, nhà tận đầu thôn, đường xa nên phải chi phí mất tới gần 4 triệu đồng tiền ống, dây diện để dẫn được nước ở ao Sen về dùng.

Theo tìm hiểu, thôn Ngọc Than có gần 1.000 hộ với 7.000 khẩu, nhưng chỉ khoảng 10% trong số này có nước giếng khoan để dùng. Tuy nhiên lượng nước trong giếng khoan bơm được cũng rất hạn chế và thường xuyên có mùi tanh và nổi váng màu vàng.

Không chỉ có thôn Ngọc Than, người dân thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ có hai thôn Ngọc Than và Phú Mỹ) cũng phải dùng nước không hợp vệ sinh.

Thôn Phú Mỹ có hơn 4.000 khẩu, thì chiếm tới hơn 90% số dân phải dùng nước giếng khoan, giếng làng rất mất vệ sinh.

Chỉ tay xuống chiếc giếng làng phủ kín bèo, ông Thái cho biết: “Nhiều bèo cũng đồng nghĩa với việc nước bẩn. Nhưng biết làm sao được, không hút nước ở đây thì lấy đâu nước mà dùng. Hiện cả xã này chỉ có 3 nguồn nước, một là từ các ao tù, giếng khoan và giếng làng. Giếng khoan thì đỡ ô nhiễm hơn hẳn, song họa hoằn lắm mới có nhà khoan trúng mạch nước ngầm thôi”.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nhung, Phó trạm trưởng Y tế xã Ngọc Mỹ, cho hay: trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản của chị em, qua thăm khám cho 200 trường hợp, đã phát hiện được 115 ca mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Như vậy tỷ lệ phụ nữ Ngọc Mỹ mắc các bệnh phụ khoa lên tới gần 70%.

Lý do được chị Nhung đưa ra là do phải thường xuyên tiếp xúc, sử dụng nước không hợp vệ sinh.

“Đáng lo ngại hơn, do phải thường xuyên dùng nước ao hồ tù đọng để vệ sinh cá nhân, gần đây, qua khảo sát, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều trường hợp các cháu nhỏ bị đau mắt đỏ, viêm kết mạc. Như vậy rất dễ bùng phát dịch”, chị Nhung cho biết.

Làm việc với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ, khẳng định việc người dân trong xã thiếu nước sạch cho sinh hoạt từ hơn 2 năm nay là có thật. Trong số này có nhiều hộ gia đình phải dẫn nước ao tù, sau đó xử lý qua bể lọc. Chỉ có số ít hộ khá giả là có điều kiện mua nước sạch từ các xã lân cận với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/m3 về dùng.

“Hiện vấn đề nóng và nổi cộm nhất ở trong xã chúng tôi là làm sao có nước sạch cho người dân. Hơn 2 năm nay, đã có rất nhiều đoàn về rồi lại đi, hồ sơ thiết kế xếp thành từng chồng cao ngất mà mãi dân vẫn chưa có nước sạch. Tôi đọc báo thấy nhiều xã có trạm cấp nước sạch được xây dựng với kinh phí hàng tỉ đồng mà nay vẫn bỏ không. Ước gì ở xã tôi cũng có một trạm cấp nước như thế cho bà con bớt khổ”, ông Trường giọng bức xúc.

Ông Trường cho biết, đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, thành phố nhưng chưa thấy hồi âm. Hiện xã đang lên kế hoạch phối hợp cùng một công ty tư nhân để đầu tư một trạm xử lý, cung cấp nước sạch với tổng kinh phí lên tới 20 tỉ đồng. Khi đi vào hoạt động, trạm cấp nước sạch này đủ cung cấp cho hơn 1,1 vạn dân trong xã Ngọc Mỹ. Giá thành của 1 khối nước sạch sẽ vào khoảng 3.800 đồng.

Hà An

>> Triền miên thiếu nước sạch
>> Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
>> Hàng ngàn hộ dân thiếu nước vì thủy điện
>> Phải dùng nước bẩn đến bao giờ?
>> Sống ở chung cư nước bẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.