Cửa ngõ phát triển thương mại Đông Dương

23/12/2013 09:56 GMT+7

Tây Ninh có 240 km đường biên giới giáp với Campuchia qua 2 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ, là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng phía Tây Nam tổ quốc. Với vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, Tây Ninh được xem là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch quan trọng của các nước tiểu vùng sông Mekong. Một trong những lợi thế lớn nhất là các tuyến đường nối từ Tây Ninh đi qua tỉnh Kampong Cham, Kratie, Stung Treng (Campuchia) đến tỉnh Champasak (Lào).

  Một góc cửa khẩu quốc tế Xa Mát
Một góc cửa khẩu quốc tế Xa Mát (H.Tân Biên, Tây Ninh) - Ảnh: G.P

Tây Ninh còn là cầu nối giữa TP.HCM - vùng phát triển kinh tế năng động của VN với thủ đô Phnom Penh (Campuchia) qua các tuyến đường thủy, đường bộ thuận lợi cho việc giao lưu, mua bán hàng hóa. Ngoài 2 con sông lớn là sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông uốn lượn từ Bắc xuống Nam, Tây Ninh còn có quốc lộ 22A nối TP.HCM qua H.Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu ra cửa khẩu quốc tế Mộc Bài; quốc lộ 22B nối H.Gò Dầu, Hòa Thành, Châu Thành, TX.Tây Ninh, Tân Biên ra cửa khẩu quốc tế Xa Mát sang tỉnh KampongCham (Campuchia); tuyến đường từ Trảng Bàng (giáp Củ Chi , TP.HCM) qua các tỉnh lộ 784, 793 đến cửa khẩu Chàng Riệc (H.Tân Biên) đối diện là cửa khẩu Đa (H.Mê Mốt, Campuchia – có chợ thí điểm VN – Campuchia).

Ngoài ra, Tây Ninh còn có 7 KCN, 20 cụm công nghiệp (gần 5.000 ha); 3 nhà máy đường công suất 12.500 tấn mía/ngày, 150.000 tấn đường/năm); 70 nhà máy khoai mì (5.000 tấn bột/ngày, 850.000 tấn bột/năm); 20 nhà máy cao su (550 tấn/ngày, 135.000 tấn/năm). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Tây Ninh qua Campuchia và Lào gồm: sản phẩm bằng cao su, plastic, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dệt, mỡ và dầu động vật, thực vật, mì ăn liền, sản phẩm nhựa, bột giặt, pin, mỹ phẩm…

Ông Trần Hữu Hậu, Chủ tịch UBND TX.Tây Ninh cho biết: Tây Ninh còn có nhiều lợi thế về tiềm năng du lịch  mang bản sắc văn hóa độc đáo. Trong đó có di tích Trung ương Cục miền Nam, là thủ phủ lãnh đạo thời kỳ kháng chiến; hồ Dầu Tiếng rộng hơn 27.000 ha vừa tưới tiêu vừa có tiềm năng du lịch sinh thái; núi Bà Đen cao nhất Đông Nam bộ, là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh; Tòa thánh Cao Đài, vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát cùng các đặc sản văn hóa ẩm thực nổi tiếng như muối tôm, bánh tráng Trảng Bàng…

Tại hội thảo quốc tế “Tây Ninh – cửa ngõ phát triển thương mại biên giới VN – Campuchia – Lào” do Bộ Công thương VN, Bộ Thương mại Campuchia, Bộ Công thương Lào và UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia đề xuất các nước cần nhanh chóng phối hợp để thực hiện “bản ghi nhớ vận tải đường bộ” xuyên Đông Dương, trong đó có các tuyến đường đi qua cửa ngõ Tây Ninh. Đồng thời đề xuất Chính phủ các nước cần nghiên cứu cơ chế phối hợp đa phương giữa các nước trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà tại các cửa khẩu, trong đó có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát của Tây Ninh.

Ông Lê Thành Công, Phó giám đốc Sở Công thương Tây Ninh cho biết việc thí điểm “một cửa một điểm dừng” tại cửa khẩu Mộc Bài để đơn giản hóa các thủ tục hành chính đang được nhiều doanh nghiệp chờ đợi và kỳ vọng như là điểm đột phá góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu song phương và đa phương giữa các nước Đông Dương.

Giang Phương

>> Khánh thành cửa khẩu phụ biên giới Việt - Lào
>> Cửa khẩu Mộc Bài chờ chính sách
>> Siết chặt giám sát tại các cửa khẩu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.