Chuyện ở bản 'mới say'!

08/07/2015 09:51 GMT+7

“Tân” có nghĩa là mới, hẳn rồi, còn “Pun” theo tiếng đồng bào có nghĩa là say. Nên khi dịch một cách máy móc cái tên Tân Pun (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) sẽ cho ra kết quả nghe ngồ ngộ, làng mới say.

“Tân” có nghĩa là mới, hẳn rồi, còn “Pun” theo tiếng đồng bào có nghĩa là say. Nên khi dịch một cách máy móc cái tên Tân Pun (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) sẽ cho ra kết quả nghe ngồ ngộ, làng mới say.

Chuyện ở bản 'mới say'!Phạm Hồng Phong (36 tuổi), chủ trang trại trẻ tuổi với những suy nghĩ rất lạ - Ảnh: Nguyễn Phúc
1. Hướng Hóa, vùng đất đến bây giờ vẫn còn chi chít những vết thương chiến tranh. Có lẽ nếu không có Đoàn kinh tế quốc phòng 337 và Huyện đoàn Hướng Hóa thì Tân Pun sẽ mãi lẩn khuất đâu đó trong những tán cây thâm u, giữa lớp lớp rừng ma.
Bởi đã có thời, chính những người con của núi rừng này vì những nỗi lo sợ vô hình mà chẳng bao giờ dám đặt chân đến vùng đất ma mị, huống hồ... đến ở. Còn đối với con dân đồng bằng, ngày đầu lên đây, nếu không “chết ngất” với những câu chuyện ghê rợn về những con ma rừng thì cũng bị hàng tá thứ bệnh tật kỳ lạ ở chốn rừng thiêng, nước độc này quật ngã...
Có người bảo nếu không có bộ đội đi trước (ý chỉ Đoàn kinh tế quốc phòng 337) thì có cho vàng cũng không vào Tân Pun. Còn thực tế thì mỗi hộ dân tham gia vào dự án di giãn dân vùng biên giới thời đó (năm 2004) chỉ nhận được ngót nghét 20 triệu đồng để làm nhà, khoan giếng, khai hoang.
Cũng chính trong buổi đầu gian khó, “bộ đội” Thiện (trung tá Nguyễn Lương Thiện, Đội trưởng đội sản xuất số 6, Đoàn kinh tế quốc phòng 337) lại nổi lên như một...hiện tượng. Câu chuyện anh cùng đồng đội đã khai phá cho cả trăm ha đất hoang chốn này thành những ruộng, nương xanh tốt với sắn, cà phê...được bà con bây giờ vẫn nhắc. Người ta còn phong cho anh cái chức “già làng” bởi mọi chuyện lớn nhỏ ở vùng đất mới này, đều có cái tay anh đụng vào, có cái miệng anh góp ý.
2. Sau hơn chục năm hình thành, phát triển, Tân Pun có nét hao hao với những làng quê ở đồng bằng. Khi con đường đất kéo từ đầu đến cuối làng, đủ để chiêm ngưỡng hết những ngôi nhà ngói đỏ, những hàng rào chè tàu... và xa xa là những rẫy cà phê xanh ngút ngàn.
Chúng tôi tạt vào một khu đất giữa bản, nơi có rất nhiều người đang làm việc. Hỏi ra mới biết, gia chủ tên Quý hôm nay mở móng nhà. Còn những gã trai kia đều là thành viên của bản Tân Pun này. Chỉ có điều nhìn cái cách họ hùng hục xúc cát, trộn vữa, dựng gạch... giữa nắng non, chẳng ai ngờ rằng họ đều làm việc... không công.
“Điều này giống như luật bất thành văn ở Tân Pun rồi. Ai dựng nhà chỉ cần hú một tiếng, lập tức sáng hôm sau trai tráng có mặt đông đủ. Gia chủ chẳng cần trả một xu, ngoài những ly nước chè loãng, mát lạnh”, anh Phạm Duy Phong, trưởng bản Tân Pun nói, giọng không giấu sự tự hào.
Cũng phải nhắc lại rằng, các hộ dân lên định cư ở Tân Pun là dân tứ xứ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong... đều có cả.
3. Đã gần đứng bóng nhưng anh Hồ Văn Quý, Bí thư xã đoàn Hướng Phùng quyết rủ tôi đi tìm một người mà theo anh người này... “rất đáng được lên báo”.
Có đi mới biết câu “gần lắm” của vị Bí thư xã đoàn vùng cao này là gần chục cây số, với nhiều đoạn dốc trồi trụt và những con suối lởm chởm đá cuội. Khổ thân chiếc xe Uoat 2 cầu củ kỹ, gầm rú không thôi. Và như một lẽ tất yếu được mất của cuộc sống, khi trờ lên được đỉnh dốc cao nhất, chúng tôi đã được “khoản đãi” bằng một góc nhìn tuyệt vời. Thu vào tầm mắt là một trang trại giữa bốn bề núi non, có những ao cá to, những chú bò đang thủng thẳng gặm cỏ, những chú dê đang mon men trèo lên các bậc đá...
Gia chủ, tên Phạm Hồng Phong (36 tuổi) đón chúng tôi bằng một cái bắt tay rất chặt tưởng như thay cho lời chia sẻ với nỗi cực nhọc của đám người miền xuôi lên với trang trại của mình. Anh còn làm cho tôi hết sức bất ngờ khi cho biết, mình là cử nhân khoa truyền thông đa phương tiện (Trường CĐ mỹ thuật trang trí Đồng Nai).
“Vậy thì nó có liên quan gì đến việc anh chui vào tận chốn này?”, tôi buột miệng hỏi.
Anh Phong phì cười, bảo cả 10/10 người khi lần đầu gặp anh đều bắt đầu bằng câu hỏi hóc búa như trên.
“Ra trường, tôi đã có 7 năm làm việc trong một công ty chuyên tạo game, có uy tín ở TP.HCM trước khi bỏ ngang về quê vì hoàn cảnh gia đình. Và nói thật tôi đã chán cuộc sống ở chốn phồn hoa đô hội. Nên khoảnh đất nhỏ của gia đình ở Tân Pun này thật tuyệt vời đối với những dự định đời thường của tôi”, anh Phong nói.
Và “dự định đời thường” của anh Phong là đầu tư tròm trèm 300 triệu để khai hoang, làm nhà, đào ao... và kéo vào Tân Pun một lô một lốc: bò, dê, cá, vịt, gà.
“Làm kinh tế ai chẳng nghĩ đến chuyện lời lãi. Nhưng nếu anh lên đây sống cùng tôi khoảng 1 tuần, trải nghiệm núi non, trời xanh, mây biếc; câu cá, bắt gà làm mồi nhấm; nâng chén ngang mày... Anh sẽ biết tôi không hề lỗ”, anh Phong nói, giọng điệu hệt kẻ sĩ đang lãng quên đời.
Tưởng chuyện chơi, nhưng từ dạo anh Phong đi trước, đã có không ít thanh niên học theo, cũng vào Tân Pun làm... kẻ sĩ, mở trang trại như Hồ Xuân Sinh, Cao Văn Giang và Nguyễn Thành Trung. Chưa biết hoạch toán kinh tế thế nào nhưng chỉ biết tình yêu của họ dành cho vùng núi rừng này ngày mỗi lớn lên.
4. Nói Tân Pun bây giờ khang trang, những người dân Tân Pun đều giàu có cả thì e còn... ngượng mồm lắm. Nhưng nếu so với hơn chục năm về trước, Tân Pun của bây giờ hẳn là một giấc mơ kỳ diệu.
Vậy nên, chuyến thăm thú Tân Pun đã cho tôi biết một điều tưởng như sặc mùi lý thuyết rằng không nơi nào sẽ không thắm thịt, thay da nếu như có bàn tay con người chăm bẵm và thực sự yêu thương.
Bấc giác, tôi lại nhớ đến ngữ nghĩa của của cái tên làng Tân Pun - làng mới say như đã viết ở đầu bài.
Đúng là tôi đã chuếnh choáng thật nhưng không phải là cái say tầm thường mà men rượu bia mang đến mà là say đất, say trời, say lòng người Tân Pun...!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.