Chưa có mô hình, cơ chế hoạt động cho Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng

26/06/2015 10:26 GMT+7

Bệnh viện (BV) Ung thư Đà Nẵng được đầu tư phần lớn từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, quản lý thực sự lại là Công ty TNHH một thành viên BV Ung thư Đà Nẵng, hoạt động theo luật Doanh nghiệp do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng làm chủ đầu tư...

Bệnh viện (BV) Ung thư Đà Nẵng được đầu tư phần lớn từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, quản lý thực sự lại là Công ty TNHH một thành viên BV Ung thư Đà Nẵng, hoạt động theo luật Doanh nghiệp do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Tuy mục đích của bệnh viện là rất nhân văn nhưng cơ chế hoạt động “không giống ai” khiến nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Chưa có mô hình, cơ chế hoạt động cho Bệnh viện Ung thư Đà NẵngMột khối u được BS Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng mổ để cứu sống bệnh nhân - Ảnh: H.Vân
Đầu tư 90% từ ngân sách
Từ khi đưa vào hoạt động đến nay đã qua 3 năm, BV đã thực hiện miễn giảm viện phí với số tiền hơn 4,7 tỉ đồng. “Bệnh nhân thuộc hộ nghèo được miễn phí hoàn toàn chi phí điều trị sau khi trừ phần được BHYT thanh toán, kể cả tiền thuốc không có trong danh mục thanh toán của BHYT. Ngoài ra, chúng tôi còn miễn phí tất cả chi phí ăn, ở cho bệnh nhân và người nhà thuộc diện hộ nghèo có BHYT. Còn với những bệnh nhân khi đến điều trị mà không có thẻ BHYT và không thuộc diện nghèo, chúng tôi sẽ căn cứ theo mức trần điều trị ở các bệnh viện có khoa ung thư khác để thu viện phí mức bằng hoặc thấp hơn”, ông Trịnh Lương Trân, Giám đốc BV nói.

BV Ung thư Đà Nẵng được khánh thành vào tháng 1.2013 quy mô 500 giường bệnh, nguồn thu chính được xác định từ dịch vụ khám chữa bệnh và các dịch vụ hợp pháp khác... Theo đó, nguồn vốn xây dựng BV được huy động từ nhiều nguồn, gồm: ngân sách, trái phiếu chính phủ, nguồn thu từ xổ số kiến thiết, các nhà hảo tâm đóng góp... Theo báo cáo của Sở Tài chính TP.Đà Nẵng vào ngày 2.7.2014 thì tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình và mua sắm thiết bị cho BV hơn 1.305 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, con số này rút xuống chỉ còn 1.104 tỉ đồng. Và cho đến nay, thực chất số số vốn đầu tư cho công trình này là bao nhiêu thì UBND TP.Đà Nẵng vẫn chưa thống kê hết vì chủ đầu tư là Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng. Theo số liệu, đến thời điểm này, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và địa phương đầu tư vào BV đã lên đến con số trên ngàn tỉ đồng. Chưa kể, trong năm 2014, thành phố còn chi hỗ trợ (chi thường xuyên) cho bệnh viện 20 tỉ đồng để duy trì hoạt động của bộ máy. Và dự kiến năm 2015, nguồn ngân sách thành phố phải bỏ ra là trên 20 tỉ đồng nữa chi hỗ trợ thường xuyên để BV hoạt động. Chưa kể, với 15ha đất cấp không thu tiền để xây dựng BV và các công trình phụ trợ thì tính ra ngân sách đã mất khoảng 450 tỉ đồng.
Điều bất cập là ở chỗ, sử dụng nguồn vốn công, vốn từ ngân sách để xây dựng là chủ yếu nhưng người quản lý, đại diện BV lại là... tư nhân, đó là cách làm “không giống ai”.
Dùng tiền ngân sách trả lương
Trong báo cáo về “Tình hình hoạt động của BV và những đề xuất về cơ chế hoạt động bệnh viện” của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng gửi lãnh đạo thành phố ngày 1.6.2015 thì doanh thu năm 2014 của BV là 110.154.973.837 đồng. Còn chi phí trong năm của BV là 130.154.973.837 đồng, thiếu hụt đúng 20 tỉ đồng mà thành phố đã phải trích ngân sách để hỗ trợ. Tuy nhiên, trong một báo cáo khác, thì doanh thu của BV năm 2014 là 113.886.105.688 đồng (từ nguồn BHYT và thu viện phí).
Theo báo cáo ngày 21.5.2015 “Về tình hình hoạt động của Hội, các đơn vị trực thuộc Hội và một số kiến nghị” gửi lãnh đạo thành phố thì từ khi thành lập đến nay (12 năm), Hội đã vận động được hơn 279 tỉ đồng quỹ hội. Thế nhưng, cũng trong báo cáo ngày 1.6.2015 của Hội gửi lãnh đạo thành phố thì vốn do Hội vận động tài trợ (cả tiền và hiện vật) cho BV là 504,6 tỉ đồng. Như vậy, chỉ riêng số tiền huy động cho BV đã gần gấp đôi số tiền quỹ hội vận động được trong 12 năm qua (?).
Năm 2014, BV có 400 giường bệnh và mức thành phố đầu tư cho một giường bệnh là 70 triệu đồng/giường, cao hơn hẳn con số 56 triệu đồng/giường mà ngân sách thành phố đầu tư cho Bệnh viện Đà Nẵng (bệnh viện công tuyến 1 trực thuộc thành phố)... Ông Trịnh Lương Trân, Giám đốc BV cho biết: “20 tỉ từ ngân sách Nhà nước chỉ đủ trả lương cho cán bộ công nhân viên. Hiện có 2 máy dự trù phải duy tu tốn khoảng 1,2 tỉ đồng nhưng tiền lấy đâu ra để thực hiện”. Như vậy, số tiền 20 tỉ đồng thành phố hỗ trợ BV trong năm 2014 để đặt hàng cho bệnh viện tính trên số giường bệnh thực chất hiện nay không phải chi cho người bệnh mà để trả tiền lương, tiền công và một phần chi phí đào tạo, vận hành thiết bị, máy móc của bệnh viện.
Vẫn chưa tìm được mô hình
Báo Thanh Niên ngày 10.7.2014 đã đăng bài: “Lấy tiền công xây bệnh viện... tư” phản ánh ý kiến của nhiều đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng về mô hình hoạt động của BV này. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đề nghị “chuyển đổi mô hình sang BV công lập để dễ đầu tư, quản lý”. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đăng Hải, Phó chủ tịch MTTQ TP.Đà Nẵng lưu ý “toàn bộ số tiền thanh toán cho BV 1.104 tỉ đồng đều từ ngân sách” và cho biết “ngành y tế cũng đề nghị chuyển đổi mô hình quản lý thành BV công”. Đầu tháng 6.2015 Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng báo cáo lên Thành ủy Đà Nẵng về tình hình hoạt động của BV và đề xuất cơ chế hoạt động. Theo bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng (đơn vị chủ quản BV Ung thư), đây là cơ sở y tế ngoài công lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và mang tính nhân đạo phi lợi nhuận. Vì thế, bà cho rằng, “BV Ung thư không thể trở thành BV công lập”, vì, “nếu như vậy ngân sách Nhà nước sẽ phải bao cấp hoàn toàn chứ không phải là 20 tỉ đồng/năm như hiện tại, vả lại mô hình đó cũng không phù hợp với xu thế xã hội hóa”.
Trước tình hình này, vào giữa tháng 5.2015 này TP.Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các ngành liên quan để tìm ra cơ chế cho BV hoạt động, thế nhưng, các cuộc họp bàn vẫn chưa đi đến kết luận. Trao đổi với Thanh Niên, một số cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn trong ngành y tế có cùng ý kiến là nên đưa bệnh viện sang mô hình quản lý là bệnh viện công, còn “phi lợi nhuận” đến mức độ nào thì nên tính tiếp; làm sao bảo đảm hoạt động cho bệnh viện mà vẫn kêu gọi được sự hợp tác của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.