Chết khô vì thiếu nước ngọt

19/03/2013 09:44 GMT+7

Trước sự cạn kiệt của nguồn nước ở hồ Tân Lập, Chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) phải chỉ đạo “bỏ” thanh long, để dành nước sinh hoạt cho người dân

“Bỏ” thanh long

Chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) vừa phát đi yêu cầu thành lập Tổ kiểm tra bảo vệ nguồn nước hồ Tân Lập. Theo yêu cầu này, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi làm Tổ trưởng; Công an huyện làm tổ phó, cùng Phòng TNMT, Phòng NN-PTNT, UBND thị trấn Thuận Nam, UBND xã Tân Lập phải lập biên bản và thu giữ tất cả các phương tiện lấy nước từ hồ Tân Lập cho việc tưới thanh long.

Phó chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Nam Trần Ngọc Diệp cho biết: “Nếu không ra sức ngăn chặn tình trạng lấy nước từ hồ Tân Lập tưới cây thanh long thì khoảng 1.100 hộ dân ở thị trấn Thuận Nam (xã Tân Lập) sẽ hết nước sinh hoạt trong vài ngày nữa”

Cùng với việc hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt thì khoảng 160 ha cây thanh long “sống theo” hồ nước này đang có nguy cơ chết khô. Vì vậy bà con nông dân tìm  mọi cách đã lấy “trộm” nước hồ để “cứu” cây thanh long. “Nhưng nếu cứ để bà con lấy nước tưới thanh long thì hàng nghìn hộ dân sẽ hết nước sinh hoạt, vì nhà máy nước Hàm Thuận Nam không còn nguồn nước bơm”- ông Diệp nói.

Cũng theo ông Diệp: “Nếu “cầm cự” tốt lắm thì cũng chỉ mươi, mười lăm ngày nữa là dân không còn nước sinh hoạt. Lúc đó huyện phải tính chuyện đi chở nước từ nơi khác về phục vụ dân”.

Chết khô vì thiếu nước ngọt
Hồ Sông Móng còn 21 triệu m3 nước, nhưng ở hạ lưu thì chết khát do thiếu kênh dẫn - Ảnh: Q.H

Chưa “thông” với hồ nước khổng lồ

Theo Phòng NN-PTNT H.Hàm Thuận Nam, cứ năm nào mùa mưa chấm dứt sớm là tình trạng hạn hán trên địa bàn xuất hiện. “Nguyên nhân là diện tích cây thanh long xung quanh các hồ chứa nước phát triển quá nhanh, đến nỗi huyện không kiểm soát được. Nên một khối lượng nước rất lớn đã bị bà con lấy phục vụ cho sản xuất thanh long. Bên cạnh đó, hiện nay các hồ chứa nước ở Hàm Thuận Nam chưa “nối mạng” được với nhau”, một cán bộ Phòng NN-PTNT phân tích.

 Theo cán bộ này, cách thị trấn Thuận Nam khoảng 18km về phía Tây có hồ chứa Sông Móng hiện vẫn còn khoảng 21 triệu m3 nước vẫn chưa dùng đến. Tại sao lại có chuyện mâu thuẫn như vậy?. Ông Trần Ngọc Diệp- Phó chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Nam lý giải: “Dù hồ Sông Móng (có dung tích đến 37 triệu m3) hiện vẫn còn 21 triệu m3 trên thượng nguồn, nhưng lại không có một con kênh dẫn nước xuống hạ lưu. Cho nên có tình trạng hồ chứa nước khổng lồ ở phía trên mà dân phía dưới thì vẫn chết khát là vậy”.

Trong khi đó, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, việc thi công hệ thống kênh mương chuyển nước từ hồ Sông Móng xuống hồ Tân Lập và các hồ hạ lưu là việc làm bức thiết để phục vụ dân. “Hiện chúng tôi đang chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại nguồn vốn, hồ sơ thiết kế, việc đền bù để sớm thi công công trình này”.

“Vườn thanh long của dân ngay sát hồ nước nhưng không được bơm tưới, dẫn đến thiệt hại rất lớn cho chúng tôi. Cứ năm nào dứt mưa sớm thì năm đó mỗi ha thanh long của chúng tôi thất thu hàng trăm triệu đồng. Nếu tình hàng trăm ha thanh long thì con số thiệt hại là bao nhiêu. Trong khi đó có những hồ chứa trong huyện có sức chứa hàng chục triệu mét khối nước thi công mấy năm nay xong rồi bỏ đó. Chúng tôi rất bức xúc và kiến nghị nhiều lần lên huyện nhưng không có kết quả”- anh Nguyễn Hoàng Tư, PK1 thị trấn Thuận Nam, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận nói.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.