'Chạm' vào lịch sử

02/09/2015 16:11 GMT+7

Một triển lãm có chủ đề Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tuyên ngôn độc lập , được tổ chức từ giữa tháng 8 năm nay ở Thủ đô Hà Nội, đã mở ra một không gian sống động, khiến những người có mặt ở đây như được 'chạm' vào lịch sử.

Một triển lãm có chủ đề Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tuyên ngôn độc lập, được tổ chức từ giữa tháng 8 năm nay ở Thủ đô Hà Nội, đã mở ra một không gian sống động, khiến những người có mặt ở đây như được 'chạm' vào lịch sử.

 Du khách đến thăm quan ngôi nhà số 48 Hàng Ngang- Ảnh: Ngọc Thắng
Du khách đến thăm quan ngôi nhà số 48 Hàng Ngang- Ảnh: Ngọc Thắng
Triển lãm đã trưng bày các hình ảnh, tư liệu và hiện vật lịch sử của Người tại tầng 1 ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Bộ quần áo ka ki giản dị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9, chiếc máy đánh chữ mà Người đã dùng để soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập, chiếc va - ly mây Người vẫn hay dùng, được đặt trưng bày trong tủ kính nhỏ. Những hình ảnh của 70 năm về trước hiện hữu trong khắp gian phòng, trên tường màn hình ti - vi chiếu lại những thước phim tư liệu. Tầng 2 của ngôi nhà vẫn được giữ nguyên như suốt những năm qua. Vẫn còn đó chiếc giường Bác hay nằm nghỉ, căn phòng và chiếc bàn nơi Bác khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, hay chiếc ghế Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nằm nghỉ lại, khi không kịp về cơ sở…
Chăm chú xem từng bức ảnh và hiện vật được trưng bày, Robert, một du khách đến từ Manchester (Anh) chia sẻ: “Tôi đã thấy được sự giản dị của một vị Chủ tịch đất nước. Một trải nghiệm rất tuyệt vời!”. “Khi đến Hà Nội, tôi mong muốn được tới thăm Lăng Bác và ngôi nhà này. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy nơi Bác đã viết bản Tuyên ngôn độc lập. Tất cả vẫn còn được giữ nguyên, làm tôi thấy rất xúc động, cảm giác như Bác mới ở đây ngày hôm qua”, bà Thu Hoa, một người dân đến từ Tp. Hồ Chí Minh, bày tỏ.
Trong suốt 2 năm làm việc tại di tích, chị Quách Thị Hương Trà (nhân viên của Ban Quản lý di tích, Sở VH-TT-DL Hà Nội) vẫn nhớ những du khách đặc biệt ghé thăm ngôi nhà. “Một người đàn ông lớn tuổi ở Úc đã tới đây rất nhiều lần. Tôi nhớ vào ngày sinh nhật Bác năm nay, ông ấy mặc một chiếc áo có cờ đỏ sao vàng, đến xem đi xem lại những đoạn băng tư liệu rồi rơm rớm nước mắt”, chị Hương Trà kể lại.
Cần được biết đến nhiều hơn
Dịp lễ, số lượng du khách ghé thăm ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đông hơn hẳn so với những ngày bình thường. Tuy vậy, cũng có lúc, di tích này nằm trong cảnh hiu hắt khách tham quan.
“Chúng tôi đã suýt bỏ qua di tích này vì khi đi ngang qua ngôi nhà không có gì đặc biệt, trông nó đơn giản quá!”, Gao (sinh viên đến từ Thái Lan) nói. Gao và nhóm bạn tìm đến đây vì quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là về những cuộc chiến tranh. “Tôi chưa hiểu nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì thế tôi muốn tìm đến đây để có thêm thông tin. Tôi thấy hơi tiếc vì một ngôi nhà có ý nghĩa đặc biệt như thế này, nhưng lại được giới thiệu khá đơn giản. Nếu không có 2 người bạn Việt Nam đi cùng trò chuyện, giải thích thì chúng tôi rất khó hiểu được hết về ý nghĩa của ngôi nhà này”, Gao nói.
Trước đó, một đoàn du khách Nhật đã ghé thăm ngôi nhà, nhờ sự gợi ý của nhân viên lái xe điện. “Có 3 điểm mà chúng tôi hay dừng lại là: nhà cổ ở Mã Mây, chợ Đồng Xuân và ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Số lượng du khách chọn ghé nhà cổ nhiều hơn, do kiến trúc nhà cổ đặc biệt, dễ gây chú ý. Trong khi, nhiều du khách đi qua đây không ghé vào, vì nhìn bên ngoài trông đơn giản quá, mà họ lại chưa hiểu về di tích này”, anh nhân viên lái xe điện khu vực phố cổ Hà Nội cho hay.
“Đây thực sự là một di tích thú vị, nhưng tôi đã khá vất vả để khám phá ra. Các bạn cần quảng bá di tích nhiều hơn nữa tới khách du lịch”, Liesa, một du khách Đức, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.