Cha làm thuê nuôi con đậu thủ khoa

19/08/2014 14:50 GMT+7

Em Nguyễn Tường Vy, học sinh lớp 12C Trường THPT Kon Tum (TP.Kon Tum) đã đậu thủ khoa khối C Trường ĐHSP Đà Nẵng với 26,5 điểm (địa lý 8,5 điểm, sử 9,25 điểm và văn 8,5 điểm - chưa kể ưu tiên khu vực 1,5 điểm).

Tường Vy và cha - Ảnh: Phạm Anh

Niềm vui ở xóm nhỏ B15, đường Nguyễn Văn Linh, P.Nguyễn Trãi, TP.Kon Tum chưa trọn đã xen bao tiếng thở dài: Cha nó làm thuê trên lò gạch thủ công, biết lấy gì nuôi nó vào đại học?

Tiếp xúc với chúng tôi, Tường Vy  cho hay, em bắt đầu chọn học khối C vào đầu năm lớp 10 và ước mơ cháy bỏng sau này được đứng lên bục giảng. Suốt những năm học THPT, cô học trò nghèo này chưa từng biết đến mùi đi… học thêm là gì. Thầy cô trong trường thương cho gia cảnh nghèo khó nên giảm cho em ½ tiền học phí. Còn trong việc học, do không đủ sách giáo khoa và vở để học, Tường Vy xoay cách: tận dụng lại sách cũ của chị để lại. Sách nào không thể thiếu cho việc ôn luyện, nâng cao kiến thức, Tường Vy xin tiền cha đi mua ở các điểm bán sách cũ cho đỡ tiền; hoặc như năm học 12, em đến mượn sách của cô giáo chủ nhiệm là Phạm Như Dạ Thảo để đọc.

Hỏi điểm cao trong kỳ thi đại học có phải “trúng tủ” không, Tường Vy cho biết: xưa nay em chưa hề học tủ, mà học theo kiểu tích dần kiến thức, học tất chứ không chừa phần nào. Và, điểm thi đại học vừa qua là món quà Tường Vy báo hiếu cho người cha tần tảo quanh năm với nghề làm thuê trên lò gạch thủ công.

Cha của cô học trò thủ khoa, ông Nguyễn Công Tiền, dù 56 tuổi nhưng thoạt nhìn như ngoài 60, thật thà: “Biết tin con đậu thủ khoa, nhưng thiệt tình tui chưa biết nhắm vào khoản tiền nào để cháu nó vào trường”. Vợ chồng ông Tiền quê ở H.Tây Sơn, tỉnh Bình Định lên đất Kon Tum lập nghiệp gần 20 năm nay. Vợ chồng ông Tiền sinh 5 đứa con và tất cả đều lớn lên bằng đôi bàn tay chai sạn bằng việc làm thuê cho lò gạch thủ công.

“Nhà tui hổng có đất, ruộng gì hết nên làm thuê kiếm sống. Mấy năm nay vợ tui bị bệnh rồi nên nghỉ, còn một mình tui làm thôi”, ông Tiến nói, buồn rười rượi. Làm thuê được 8 tháng trong năm, với 150.000 đồng/ngày công. Mấy tháng mùa mưa, ai kêu gì làm nấy. Thế rồi, cả 5 đứa con đều đi học, giờ 2 đứa học trung cấp ra trường chưa có việc làm, 1 đứa đang học đại học chuẩn bị vào năm cuối, sắp tới Tường Vy học đại học nữa, tất cả đều đè lên đôi vai gầy của ông Tiễn. “Tui cứ mượn ăn trước hoài. Có khi bí quá đi bốc nóng để trả tiền học phí cho con. Nói thiệt, cứ xoay hết năm này qua năm khác, chưa bao giờ tui hết nợ chất chồng lên người, nhưng miễn sao cho con cái học hành đàng hoàng là liều thuốc bổ cho tui rồi”, ông Tiến nói.

Hỏi ông chuẩn bị cho Tường Vy tiền vào đại học chưa, ông Tiến nín lặng một hồi: “Tới đâu hay tới đó thôi, chú em ơi!”. Tường Vy thì buồn buồn nhìn ra cửa, nén tiếng thở dài…

Phạm Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.