Cần cân nhắc sản xuất lúa vụ 3

31/12/2012 09:16 GMT+7

Việc sản xuất lúa thu đông (lúa vụ 3) cần phải được đánh giá lại một cách nghiêm túc và cân nhắc cẩn thận vì nó liên quan đến việc kiểm soát lũ, bài toán chi phí, lợi ích kinh tế, vấn đề môi trường, xã hội đối với ĐBSCL. Đó là nội dung chính được đề cập tại hội thảo “Lợi ích và chi phí canh tác lúa vụ 3 ở ĐBSCL”, do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa tổ chức tại TP.Cần Thơ.

Chi phí cao, hậu quả lâu dài

Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết diện tích lúa vụ 3 phát triển mạnh trong 2 năm gần đây. Năm 2011, tỉnh Kiên Giang có  trên 55.700 ha, đạt gần 155% kế hoạch; năm 2012, gần 72.800 ha, đạt trên 118% kế hoạch. Năng suất lúa đạt 4,25 - 4,81 tấn/ha, thấp hơn so với vụ hè thu (5,35 tấn/ha). Chi phí sản xuất lúa vụ 3 là 3.975 đồng/kg, cũng cao hơn so với vụ hè thu (3.650 đồng/kg). Tương tự diện tích lúa vụ 3 ở Đồng Tháp và An Giang cũng tăng mạnh. Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp nói: Diện tích tăng từ 60.201 ha năm 2010 lên 98.875 ha năm 2011, năm 2012 giảm chút đỉnh vì nông dân sợ có lũ lớn như năm trước. Còn ở An Giang, diện tích lúa vụ 3 đã tăng đến 150.000 ha so với khoảng 80.000 ha trong những năm trước, đại diện ngành nông nghiệp tỉnh này cho biết. Theo ông Quốc, năng suất lúa vụ 3 thấp nhất trong 3 vụ nhưng giá thành lại cao hơn 2 vụ kia, nên nông dân vẫn muốn làm. Song, sản xuất lúa vụ 3 phải đối mặt với một số vấn đề như: độ phì nhiêu giảm sau 2 vụ lúa liên tiếp, sâu bệnh tăng, ngộ độc chất hữu cơ, thu hoạch trong mùa mưa, thất thoát sau thu hoạch lớn…

 Lúa vụ 3 trước áp lực lũ lớn năm 2011
Lúa vụ 3 trước áp lực lũ lớn năm 2011. Lúa đã chiếm mất nhiều không gian dành cho nước - Ảnh: Nguyễn Hữu Thiện

Dẫn một số nghiên cứu về lúa vụ 3 trong nước và thế giới, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho biết sản xuất lúa vụ 3, sâu bệnh phát triển nhiều hơn, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn nên sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, ảnh hưởng đến tính an toàn của sản phẩm và sức khoẻ của người sản xuất, đất không còn nhận phù sa... Theo một nghiên cứu tại xã Mỹ An (H.Tháp Mười, Đồng Tháp), sau 8 - 10 năm canh tác 3 vụ, độ dày tầng đất lúa 3 vụ trong đê bao khép kín là 14,5 - 14,7 cm, trong khi đất lúa 2 vụ là 17,2 cm. Còn nghiên cứu của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), họ trồng lúa vụ 3 liên tục từ năm 1963 - 1999, là nghiên cứu lúa dài nhất thế giới. Họ thu hoạch được 100 vụ lúa, mỗi năm năng suất lúa giảm từ 1,6 - 2% và tính năng suất giảm tích lũy liên tục trong 24 năm từ 38 - 58%. Theo các nhà khoa học, nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc sản xuất lúa liên tục sẽ làm cho đất nghèo đi, chi phí sản xuất cao mà hiệu quả kinh tế thấp.

Cần rà soát lại

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ nói: ĐBSCL có 2 túi nước tự nhiên là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Vai trò của nó trong tự nhiên giống là tích nước trong mùa lũ làm giảm áp lực nước và tốc độ nước lũ. Vùng Tứ giác Long Xuyên có diện tích tự nhiên 480.000 ha, tuy nhiên ngày nay đã canh tác lúa vụ 3 khoảng 250.000 ha. Còn vùng Đồng Tháp Mười có diện tích 680.000 ha thì đã canh tác lúa vụ 3 khoảng 320.000 ha. Việc đắp đê bao tràn lan làm không gian chứa nước ngày càng giảm, vùng hạ lưu bị ngập nhiều hơn. Cụ thể, nếu so với năm 2000 thì đỉnh lũ năm 2011 thấp hơn (tại Tân Châu thấp hơn 36 cm, Châu Đốc thấp hơn 87 cm). Khoảng 12 tỉ m3 trong mùa lũ năm rồi không có chỗ chứa, đã tràn xuống gây ngập ở các tỉnh, thành vùng hạ lưu như: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Thiệt hại hoa màu, ngập lụt ở đô thị, ảnh hưởng giao thông nông thôn... cũng là một phần chi phí xã hội mà sản xuất lúa vụ 3 cần phải tính đến. Bên cạnh đó, việc mất vai trò điều tiết nước tự nhiên, xâm nhập mặn sẽ ngày càng lấn sâu hơn. Đó là những vấn đền cần phải nhìn nhận trong việc sản xuất lúa vụ 3.

 Cứu được đê bao ở Ô Long Vĩ
Năm 2011, lũ đã gây thiệt hại hàng chục ngàn ha lúa vụ 3. Trong ảnh, cứu được đê bao ở Ô Long Vĩ (An Giang) nhưng lúa vẫn bị ngập trắng đồng - Ảnh: Chí Nhân

Không đi sâu vào chi tiết kỹ  thuật, TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ đưa ra dẫn chứng: những núi đá vôi ở Kiên Giang có giá trị khoa học và văn hóa rất cao vì nó mang tính tiêu biểu của cả vùng, nhưng người ta đã lựa chọn cách sử dụng chỉ để... làm xi măng. Hay như trường hợp của các vùng ven biển, người ta đào lên để nuôi tôm. Nhưng bây giờ nuôi tôm không được nữa thì ngay cả những lão nông tri điền cũng không biết làm gì sau đó. “Chúng ta có nhiều cách ứng xử với tự nhiên, nhưng tôi có cảm giác như bây giờ chúng ta đang lựa chọn cách cuối cùng để rồi không còn đường lùi. Với trường hợp đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ 3 hiện nay cũng vậy”, TS Ni ray rức.

Theo ông Củi, năm 2011 lũ nhỏ hơn năm 2000 nhưng tại nhiều nơi, nước lại ngập cao hơn 50 - 70 cm. Ảnh hưởng của lũ đến nội đồng tăng. Do đó, cần phải quản lý lũ một cách thống nhất trên bình diện của cả đồng bằng làm sao cho nước chia điều trên cả diện tích đồng bằng. Bên cạnh đó nên rà soát lại lúa vụ 3 xem bao nhiêu là vừa, nhất là 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp. “Vừa ở đây là sự hợp lý theo tự nhiên chứ không phải vừa theo ý muốn chủ quan của con người”, ông Củi kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Minh Nhị, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tính tự phát được phát huy tối đa trong quá trình phát triển ở ĐBSCL những năm qua. Ngay cả các cấp lãnh đạo của tỉnh cũng toàn đi đến đâu nghĩ đến đó mà không có khoa học dẫn đường. Như vậy thì không thể phát triển bền vững được. “Tôi thấy người ta háo hức về ngôi vị số 1, số 2 trong xuất khẩu gạo, nhưng tôi thì rầu muốn chết. Đất nước mình không thiếu gạo ăn, xuất khẩu thì không được giá, nông dân không được lợi, vậy thì mình tăng sản lượng để làm gì? Theo tôi nếu có giảm được thì càng tốt. Cần hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm”, ông Nhị bức xúc.

Chí Nhân

>> Sớm công bố giá thành sản xuất lúa vụ hè thu
>> Lại tự ý chuyển đổi mục đích đất trồng lúa
>> Kiến nghị giảm thuế, phí cho người trồng lúa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.