Bộ đôi truyền nhân kèn Saranai ở Mỹ Sơn

02/01/2013 10:23 GMT+7

Tiếng kèn Saranai đầy mê hoặc của người Chăm vẫn vang lên nơi Thánh địa Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) dù Nghệ nhân dân gian Việt Nam (NNDG) Trượng Tốn đã đi xa cách đây 2 năm. Đó là nhờ bộ đôi truyền nhân của ông vẫn ngày đêm miệt mài đem tiếng kèn truyền thống đến với du khách...

Tiếp bước thầy

Trước ngày Trượng Tốn (người nghệ sỹ Chăm đầu tiên được phong tặng danh hiệu NNDG Việt Nam) mất, tiếng kèn Saranai hàng ngày vẫn vang trên đất thánh làm bao du khách xao xuyến dù chỉ một lần đến thăm. Ông qua đời để lại bao nỗi tiếc thương vô hạn cho người yêu nhạc dân tộc Chăm cũng như để lại lo lắng, rồi đây tiếng kèn Saranai sẽ không còn vang tại khu di tích Mỹ Sơn. Thế nhưng, trước khi về với cõi vĩnh hằng, NNDG Trượng Tốn đã kịp đào tạo môn nghệ thuật này cho hai học trò để “âm thiêng” mãi vang trên thánh địa.

Anh Thiên Thành Vũ  
Anh Thiên Thành Vũ luôn thổi Saranai với một niềm đam mê mãnh liệt - Ảnh: Hoàng Sơn

Anh Nguyễn Văn Thành
Anh Nguyễn Văn Thành, một người Kinh đam mê nhạc Chăm - Ảnh: Hoàng Sơn

Hai anh Thiên Thành Vũ (24 tuổi) và Nguyễn Văn Thành (36 tuổi), một người Chăm và một người Kinh là hai học trò ưu tú của NNDG Trượng Tốn. Khi NNDG Trượng Tốn mất, không ai bảo ai, hai anh tự mang trên mình “sứ mệnh” quảng bá tiếng kèn Saranai đến với du khách. Đến với kèn Saranai, anh Vũ là một tay chơi trống ghi-năng điêu luyện nhờ học được từ cha mình tại quê nhà (xã Phước Hữu, H.Ninh Phước, Ninh Thuận). Ba năm học đánh trống, đến năm 17 tuổi, cái tên Thiên Thành Vũ không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn lan sang những tỉnh thành khác. Ấy thế mà khi học kèn Saranai, Vũ đã không ít lần bỏ ngang vì cách lấy hơi quá khó. Anh cho biết: “Học kèn Saranai phụ thuộc vào năng khiếu của mỗi người. Có người học 3 năm không bằng một người học vài tháng. Cách lấy hơi rất khó diễn đạt, đại loại là khi thổi Saranai làm sao phải đẩy một luồng hơi ra, đồng thời phải hút vào một luồng hơi khác!”. Nhưng Vũ quyết tâm học. Gặp được NNDG Trượng Tốn, anh theo chân thầy học thêm kỹ thuật bài bản hơn. Trong 2 năm, Trượng Tốn đã truyền dạy hết 72 điệu nhạc dân tộc Chăm cho anh và trở thành truyền nhân đầu tiên của ông.

Đệ tử người Kinh

Không có nhiều điều kiện học thổi Saranai cũng như không sẵn “máu” nghệ sỹ Chăm trong người như Vũ, anh Thành đến với kèn Saranai là đến với một môn nhạc phải bắt đầu từ những nấc “vỡ lòng”. Nhiều cách ngăn nhưng anh Thành quyết học vì quá đam mê và kính nể Trượng Tốn. Anh kể: “Năm 2001, tỉnh Quảng Nam thành lập Đội Văn nghệ dân gian Chăm – Mỹ Sơn, tôi tham gia biểu diễn tại khu di tích với vai trò là diễn viên múa Chăm truyền thống. Trong khi đó, thầy là người thổi kèn, đánh trống cho tôi nhảy. Khi còn sống, mỗi lần thấy thầy thổi Saranai, tôi thường lại gần để tìm hiểu. Biết tôi đam mê nên năm 2009, thầy bắt đầu truyền dạy cho tôi”.

Dù là diễn viên múa nhưng vốn trong mình có năng khiếu về âm nhạc nên anh Thành có khả năng chơi đàn bầu và thổi sáo rất hay. Nhưng khi học thổi kèn của người Chăm, anh Thành cũng vấp phải khó khăn trong việc tập lấy hơi giống Thiên Thành Vũ. Anh Thành trải lòng: “Trước khi học thổi kèn, tôi cũng đã nghe nhiều người nói về điểm khó trong cách lấy hơi. Một bài độc tấu thường kéo dài 5 phút và người chơi Saranai phải liên tục tạo ra âm, không ngắt quãng quả là điều không dễ. Lắm lúc muốn buông xuôi vì quá khó nhưng nghĩ lại thương thầy Tốn bỏ công truyền dạy nên tôi cố gắng…”.

Bí quyết thành công của chàng trai người Kinh trong cách thổi kèn của người Chăm chính là sự kiên trì, đeo bám bằng được. Vì kiên trì học nên hiện mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Thành có thể biểu diễn 3 suất thổi Saranai phục vụ khách du lịch chẳng kém gì Thiên Thành Vũ. Trên sân khấu, khi trống ghi-năng do Vũ đánh và kèn Saranai do Thành thổi cùng vang lên, du khách cả Tây lẫn ta đều phải thán phục sự hòa tấu tuyệt diệu.

Theo anh Thành, để đánh giá đẳng cấp của một người thổi Saranai thường căn cứ vào hai yếu tố, đó là: cách lấy hơi đều và ngón nghề trong cách tống hơi, luyến láy. Còn Thiên Thành Vũ cho biết thêm, người thực sự am tường âm nhạc Chăm phải thuộc hết 72 điệu cổ nhạc, được chia thành 4 nhóm: lễ tôn kính, lễ cầu khấn, lễ đầu năm và trong giao lưu văn nghệ. “Do vừa khó vừa phức tạp nên ở quê tôi, người trẻ giờ rất hiếm người học thổi Saranai. Chính do vậy, được thổi Saranai ở Mỹ Sơn, tôi luôn tâm niệm phải chơi hết mình để tiếng kèn của mình được khách du lịch mang đi khắp bốn phương…”, Anh Vũ tâm sự.

Hoàng Sơn

>> Phát hiện đầu ngói chạm hình kala ở Mỹ Sơn
>> Ấn Độ tài trợ 3 triệu USD để bảo tồn và tu bổ Mỹ Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.