Bảo tàng bất lực nhìn hiện vật mục nát

17/08/2015 09:53 GMT+7

Hàng chục tấm gỗ lớn khai quật từ những ngôi mộ cổ hơn nghìn năm trưng bày ở Bảo tàng Hải Dương đang bị mục nát vì không có kinh phí bảo tồn.

Hàng chục tấm gỗ lớn khai quật từ những ngôi mộ cổ hơn nghìn năm trưng bày ở Bảo tàng Hải Dương đang bị mục nát vì không có kinh phí bảo tồn.

Những tấm gỗ từ mộ cổ nghìn năm bị mủn mục từng ngày - Ảnh: VNK
Những tấm gỗ từ mộ cổ nghìn năm bị mủn mục từng ngày - Ảnh: VNK
Những tấm gỗ lớn đen sì được lấy từ ngôi mộ quách, mộ cũi, mộ thuyền… có tuổi thọ cả nghìn năm tuổi giờ chỉ còn là thớ gỗ quắt queo, mục nát.
Được phát hiện từ năm 1983, 15 tấm gỗ cỡ lớn của 2 ngôi mộ quách ở vùng Đống Bưởi và Đống Lốc (xã Gia Lương, H.Gia Lộc), niên đại thế kỷ 2-3 bị mối xông mục ruỗng, phải đặt những hộp thuốc chống mối. Còn mộ thuyền Kiệt Thượng phát hiện ở xã Văn An, TX.Chí Linh thuộc văn hóa Đông Sơn muộn vào khoảng những thế kỷ đầu công nguyên, hiện cũng đã bị mủn mục từng mảng.
Tương tự, dù được đặt trong tủ kính nhưng mộ thuyền Đông Quan phát hiện ở xã Tân Hưng, TP.Hải Dương vào năm 1997 cũng đã nát như tương, mái chèo là đồ tùy táng còn sót lại dài hơn 1 m cũng vỡ từng đoạn.
Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng trưng bày - Bảo tàng Hải Dương cho biết, do thiếu kinh phí, kỹ thuật, hóa chất nên việc bảo tồn các hình mộ táng đang trưng bày chỉ bằng phương pháp thủ công. Hiện nay, mộ thuyền Kiệt Thượng 1 được đặt trong bể nước từ năm 2001 thì vẫn giữ được, trong khi đó mộ thuyền Kiệt Thượng 2 được phát hiện sau đã mục nát khi để ở bể cạn kế bên.
“Nhìn những tấm gỗ cả nghìn tuổi chứa đựng lịch sử bị hỏng dần như thế, chúng tôi rất xót xa nhưng lực bất tòng tâm. Hiện vật này đưa về cho nhân dân thăm quan được lúc nào thì quý lúc đó thôi”, bà Liên nói.
Dù đã bị mục nát như vậy nhưng các hiện vật này không được trưng bày cẩn thận, chỉ xếp dọc căn nhà lợp mái tôn ở góc bảo tàng dãi dầu mưa nắng nên càng nhanh bị phá hủy, mục ruỗng. Không có biển giới thiệu nên khách tham quan đến không hiểu hết giá trị của hiện vật mà nghĩ là chỗ để củi mục.
Anh Nguyễn Quốc Thanh (28 tuổi, trú ở P.Trần Hưng Đạo, TP.Hải Dương) cho biết: “Một lần dẫn bạn từ Đà Nẵng tới thăm bảo tàng, bạn tôi hỏi sao lại để những tấm gỗ mục ở đây làm gì. Chỉ đến khi được người hướng dẫn giới thiệu rằng đây là những ngôi mộ cổ thì mới ồ lên tiếc nuối, không ngờ lại là cả 1 kho báu lịch sử, chứa đựng tín ngưỡng, tập quán và phong tục của người Việt cổ”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông An Văn Mậu, Phó giám đốc Bảo tàng Hải Dương than vãn: “Giá trị nghiên cứu của những hiện vật này quý lắm nhưng điều kiện kinh tế, kỹ thuật của chúng ta thì còn xa vời vợi, khó lắm”.
Theo ông Mậu, việc bảo quản các ngôi mộ cổ đòi hỏi phải có kỹ thuật chuyên môn, các loại hóa chất đặc biệt, với khả năng của Bảo tàng Hải Dương hiện không thể đáp ứng nổi. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước.
Do đó, ông Mậu cho rằng: "Sau khi phát hiện khảo cổ học, chụp ảnh, đo vẽ xong chôn trở lại là tốt nhất vì đưa về mà không bảo quản được thì có tội với tiền nhân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.