Ao nuôi cá tra tiếp tục bị “treo”

14/07/2011 09:03 GMT+7

Do sự bất ổn về giá cá nguyên liệu nên sau khi thu hoạch, nhiều người nuôi cá tra ở ĐBSCL quyết định “treo” ao, không dám đầu tư nuôi tiếp.

Mặc dù Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra mức giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu cho nông dân từ 26.000 đồng/kg, song thực tế nông dân luôn bị ép giá, bán thấp hơn từ 1.000-3.000 đồng/kg.

 

Sau vụ thu hoạch này, hầu hết các ao nuôi cá tra ở ĐBSCL sẽ bị “treo” vì nông dân không dám tái đầu tư nuôi mới - Ảnh: Bảo Vân

Giá sàn thấp hơn giá thành

VASEP cũng đưa ra giá sàn xuất khẩu cá tra (fille) áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2011 với cá thịt trắng là 3,3 USD/kg và 2,3 USD/kg đối với cá thịt đỏ. Bên cạnh đó, VASEP còn áp giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu ở mức 26.000 đồng/kg đối với cá có trọng lượng 850 g/con đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (XK). Song việc áp 2 biểu giá sàn như trên đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các địa phương và người nuôi cá tra ở ĐBSCL. Theo Hội nghề nuôi và chế biển thủy sản (NN&CBTS) các tỉnh ĐBSCL, việc VASEP liên tục giảm giá sàn XK thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến uy tín và sự cạnh tranh của mặt hàng cá tra XK. “Có thời điểm giá cá tra XK lên đến 3,41 USD/kg mà các doanh nghiệp (DN) vẫn đều đều nhận được đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài, đến nỗi sản xuất không kịp để giao. Điều này cho thấy, cá tra Việt Nam vẫn còn cơ hội nâng giá bán để nâng cao uy tín và tính cạnh tranh. Còn với giá 3,3 USD như hiện nay, các DNXK cầm chắc lỗ”, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hội NN&CBTS An Giang, nhận định.

Cũng theo lời ông Bình, do chất lượng con giống giảm nên tỉ lệ hao hụt hiện lên đến 30%, tức bình quân khoảng 2.400đ tiền giống trên 1kg cá thịt. “Cộng với tiền thức ăn 20.900đ; thuốc thú y 900đ; chi phí hút bùn 500đ; nhân công, quản lý 200đ; chi phí thu hoạch 110đ; khấu hao tài sản 400đ; lãi ngân hàng 1.100đ…tính ra giá thành cá nguyên liệu lên đến 26.610đ/kg, cao hơn giá sàn 610đ/kg. Mà một khi giá thành sản xuất cao hơn giá bán, ai dám đầu tư nuôi tiếp?”, ông Bình nói.

 

Ao nuôi cá lại bị “treo”

Ông Nguyễn Ngọc Hải (HTX Thới An, Q. Ô Môn, TP Cần Thơ),  cho biết mặc dù giá sàn VASEP đưa ra thấp hơn cả giá thành sản xuất, nhưng  thực tế các DN không hề mua đến mức giá này. “Cá tra thịt trắng đạt tiêu chuẩn XK hiện chỉ có giá 25.000 đồng/kg, còn cá size lớn thì chỉ 23.000 đồng/kg”, ông Hải khẳng định.

TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng cần có chế tài để bắt buộc các DN thực hiện đúng quy định về giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu của VASEP, bởi thực tế, các DN luôn tìm mọi cách để ép giá nông dân. “Họ không chỉ ép giá cá quá lứa (cá trên 1kg/con) mà cả cá nhỏ, cá đúng size 850g/con cũng bị ép giá”,  ông Quốc nói. Còn ông Lê Chí Bình thì cho rằng hiện nay ở An Giang chỉ còn khoảng 1.000ha tra, nhưng chủ yếu là cá nhỏ, cá tới lứa còn không tới 10.000 tấn. “Lượng cá trên chỉ “chạy” vài ngày là hết vì mỗi ngày, các nhà máy chế biến cá tra XK  ở ĐBSCL cần ít nhất 4.000 tấn cá nguyên liệu”, ông Bình nói.

Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao nhất 29.000 đồng/kg vào khoảng giữa tháng 5, nhưng chỉ cầm cự được 1 tuần. Sau đó, giá cá cứ giảm liên tục cho đến nay khiến hầu hết người nuôi cá ở An Giang sau khi thu hoạch đều “treo ao”, không dám thả nuôi vụ mới. “Đầu tư một vụ nuôi đòi hỏi chi phí rất lớn nhưng bán chẳng có lời nên nông dân ngán lắm, thu hoạch xong ao nào là bỏ hoang ao đó. Không kể những ao đã san lấp hoặc chuyển sang nuôi cá khác, số ao “treo” ở An Giang hiện đã lên đến hơn 30%”, ông Bình cho hay.  

Bảo Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.