Người viết sử Đà Lạt bằng... đất

17/02/2015 05:55 GMT+7

(TS Xuân) Lần đầu tiên ở nước ta có một tổ hợp công trình điêu khắc đồ sộ kể lại lịch sử hình thành một thành phố. Đó là Đường hầm điêu khắc dài đến 1.200 m do Trịnh Bá Dũng thực hiện tại TP Đà Lạt...

(TS Xuân) Lần đầu tiên ở nước ta có một tổ hợp công trình điêu khắc đồ sộ kể lại lịch sử hình thành một thành phố. Đó là Đường hầm điêu khắc dài đến 1.200 m do Trịnh Bá Dũng thực hiện tại TP Đà Lạt...

Người viết sử Đà Lạt bằng... đất 1
Trịnh Bá Dũng được nhiều người biết đến khi xây dựng 2 căn nhà song song hoàn toàn bằng đất không nung có diện tích 100 m2 (các vật dụng trong nhà: bàn ghế, giường ngủ, phòng tắm, lò sưởi... đều bằng đất và có thể sử dụng được). Không dừng lại ở đó, từ 2 ngôi nhà này, Trịnh Bá Dũng đã khoét đất tạo thành một đường hầm với chuỗi điêu khắc liền mạch kể về sự hình thành và phát triển của TP.Đà Lạt.
Chàng kỹ sư kinh tế, sinh năm 1972, quê Thanh Hóa kể lại rằng: “Tôi có dịp đi nhiều nơi trên thế giới để tìm hiểu cách làm du lịch của họ. Khi tôi đến vườn hoa Keukenhofe của Hà Lan, vườn hoa chỉ tổ chức trong vài tháng nhưng đã đón hàng triệu khách khắp nơi trên thế giới. Vì sao họ làm được kỳ tích như vậy? Chìa khóa là người Hà Lan đã sử dụng thành công sản phẩm địa phương, đồng thời kết hợp nguồn nhân lực tại chỗ. Khi trở về Đà Lạt, tôi thấy màu đất đỏ hiện diện khắp nơi, và nghĩ đất đỏ cũng là một sản phẩm đặc trưng của thành phố này. Tôi bắt tay vào nghiên cứu làm cứng đất từ năm 2010. Khi làm đất cứng được rồi, tôi lại nhớ tới công viên thế giới thu nhỏ ở Thẩm Quyến (Trung Quốc), ở đó người ta thu nhỏ từ tháp Eiffel đến Nhà Trắng... Tôi suy nghĩ tại sao mình không tôn vinh chính thành phố mình sinh sống và làm việc - TP.Đà Lạt. Trên thế giới có quá nhiều công viên tượng, và các khu điêu khắc bằng cát, bằng băng tuyết rất lớn, tất cả đều ở trên mặt đất. Tôi chọn cách làm khác”.
Người viết sử Đà Lạt bằng... đất 2
Với bí quyết làm cứng đất không nung (pha trộn thêm những phụ gia tạo độ kết dính và bền vững) cũng như sản xuất sơn từ bột đất (khoảng 10 màu) cùng với sự trợ giúp của hàng trăm họa sĩ, nghệ nhân, một con đường hầm dài 1.200 m (tượng trưng cho 120 năm hình thành Đà Lạt) uốn lượn theo thế đất đồi núi, hầm rộng từ 5 đến 8 m, sâu từ 4 đến 10 m hình thành. Xuyên suốt con đường là hình tượng một con rồng vươn mình mạnh mẽ. Đi từ đuôi rồng đến đầu rồng là các mảng chủ đề: vùng cao nguyên Lang Biang từ thuở hồng hoang với chim muông cầm thú, những nếp nhà sàn, nhà rông của các sắc dân bản địa (K’ho, Chu Ru, Lạch...) qua những sinh hoạt hái lượm, săn bắn, giã gạo, cồng chiêng, uống rượu cần... và từ giai đoạn bác sĩ Yersin khám phá ra Đà Lạt với những công trình kiến trúc tiêu biểu: nhà thờ Con Gà, Trường Lycée Yersin, ga xe lửa, dinh Bảo Đại, Viện Sinh học Tây nguyên, chùa Linh Sơn, Viện Pasteur, khách sạn Palace, Trung tâm nguyên tử lực, chợ Hòa Bình, biệt thự cổ...
Cuối cùng là Đà Lạt hiện tại và tương lai: sân bay Liên Khương với chiếc máy bay Airbus dài 3 m vươn cánh trên nóc nhà ga, rồi đường cao tốc, những đàn cá tầm, cá hồi, những bông hoa a ti sô, những trái dâu thơm nức lòng người... Điểm kết thúc là “phiên bản” tòa nhà khu hành chính của tỉnh Lâm Đồng. Không chỉ là những hình tượng về kiến trúc mà còn có “văn hóa Đà Lạt” với những cỗ xe ngựa, xe Vespa cổ, có cả bản nhạc bất hủ Ai lên xứ hoa đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên được chạm khắc từng nốt nhạc và ca từ. Có bức phù điêu về câu chuyện ngụ ngôn “Cá ăn kiến, kiến ăn cá”, hoặc hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ của các sắc dân thiểu số: rùa cha dẫn đàn rùa con trốn chạy trong khi rùa mẹ trụ lại chiến đấu với loài rắn khổng lồ...
Trịnh Bá Dũng cho biết tất cả các quy trình để làm nên đường hầm điêu khắc này đều “made in Vietnam”: vẽ phác thảo từng phần rồi dùng xe cơ giới (xe đào) thực hiện phần điêu khắc thô (điêu khắc công nghiệp), sau đó mới điêu khắc thủ công phần chi tiết.
Điểm thuận lợi nhất là anh được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và sự hỗ trợ của các ban ngành. Điều trở ngại chính là thời tiết. Đà Lạt mưa nhiều và dai dẳng khiến việc thi công rất khó khăn, những nghệ nhân, công nhân đến từ nhiều vùng miền, không thích ứng với cái lạnh của Đà Lạt nên năng suất lao động chưa đạt yêu cầu khiến chi phí tăng gấp nhiều lần so với dự toán. Việc áp dụng điêu khắc công nghệ cũng còn quá mới với nghệ nhân, phải mất nhiều thời gian hướng dẫn. Anh Dũng kể: “Làm tượng trên mặt đất đã khó, làm tượng dưới lòng đất còn khó hơn nhiều”. Các xe cơ giới, công nhân đã đào và di dời hàng chục ngàn mét khối đất. Những đêm mưa ngập lụt đường hầm, phải tìm cách cứu hộ những chiếc xe cơ giới ngập trong bùn đất ở độ sâu 8 m hoặc nhiều khi suýt đạp những con rắn độc dưới đường hầm. Nhưng rồi mọi việc đã qua.
Người viết sử Đà Lạt bằng... đất 3
Người viết sử Đà Lạt bằng... đất 4Ảnh: Gia Bình - NVCC
Công trình nằm giữa không gian thơ mộng của thắng cảnh hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), đã được Tổ chức Kỷ lục VN (Vietkings) trao 2 bằng kỷ lục (tháng 9.2013): Ngôi nhà bằng đất đỏ không nung đầu tiên và có phong cách độc đáo nhất; Ngôi nhà bằng đất đỏ không nung có mái đắp nổi hình bản đồ VN đầu tiên và có diện tích lớn nhất.

Công trình được Hội Kiến trúc sư VN trao giải Kiến trúc xanh. Và trước thềm năm mới 2015, Trịnh Bá Dũng lại đón nhận thêm kỷ lục Người đầu tiên thực hiện tác phẩm điêu khắc dưới mặt đất dài nhất do Vietkings trao tặng. Vietkings cũng đang xúc tiến những thủ tục cần thiết để công nhận công trình này là Tác phẩm điêu khắc dưới mặt đất dài nhất thế giới.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.