Người quản tù hàng binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

07/05/2014 08:25 GMT+7

(TNO) Mặc dù 60 năm đã trôi qua nhưng kỷ niệm về những ngày quản tù hàng binh Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cụ Võ Dược (87 tuổi, quê huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), hiện sống tại TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng.

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:
Cụ Võ Dược, người quản tù năm xưa kể chuyện 60 năm trước

Năm 1946 cụ Võ Dược gia nhập quân đội với cấp bậc Trung đội trưởng, tham gia phong trào toàn quốc kháng chiến và chiến đấu ở Huế, sau đó chiến đấu ở Quảng Bình trước khi chuyển về Cục Địch vận thuộc Tổng cục Chính trị, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với chức danh là Tiểu đoàn trưởng, Trại trưởng Trại tù hàng binh Điện Biên Phủ.

Nhận nhiệm vụ trên đường hành quân

Người quản tù năm xưa nhớ lại: Khoảng tháng 3.1954, khi được lệnh điều vào chiến trường, trên đường đi tôi gặp dân công, bộ đội nối thành từng đoàn dài rầm rập suốt đêm ngày, cứ hướng về Tây Bắc mà đi…

Cụ Dược cho biết: Đoàn quân đi rất hăm hở, nhưng lúc đó vì công tác tuyệt mật nên anh em vẫn biết sắp có chiến dịch lớn nhưng chưa biết là chiến dịch gì, vì năm nào Thu - Đông cũng mở chiến dịch cả. Khi hành quân, thấy bộ đội của các sư đoàn 308, 304, 312, 316, 320… đây là nhưng sư đoàn trước nay chỉ tác chiến ở đồng bằng, nhưng nay lại hành quân cùng hướng nên chúng tôi biết sẽ có trận đánh lớn. Cùng thời điểm nhận được tin quân Pháp đã nhảy dù lần thứ hai với 8.000 quân. 

Cụ Dược nhớ lại, khi hành quân đến ngã ba Tuần Giáo rồi rẽ về hướng trái thì lúc đó biết chắc là đi Điện Biên rồi. Từ Tuần Giáo đi Điện Biên khoảng hơn 100 km nữa, khi đi được 30 km thì dừng lại. Tại đây tôi được Cục phó tiết lộ sẽ mở chiến dịch đánh Điện Biên và tôi được giao nhiệm vụ làm Trại trưởng Trại tù hàng binh, anh Trần Quang Cơ phụ trách trại phó (sau này làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), anh Kỳ Thu thông dịch và mấy anh nữa phụ trách hậu cần. Sau đó bổ sung một đại đội bảo vệ nữa.

Khi giao nhiệm vụ xong, cấp trên cho biết sẽ có khoảng một vạn tù binh, cụ Dược và các đồng đội phát hoảng vì trong tay không có gì hết, lại phải đảm bảo lương thực, thực phẩm cho tù bình. Từ trước đến nay chiến đấu quen rồi giờ quay về làm nhiệm vụ này nên cụ rất bỡ ngỡ. Trưởng trại tù hàng binh nhớ lại, đầu tiên phải huy động lực lượng làm lán trại cho anh em ở, sau đó vào làng mượn nồi niêu, xoong chảo để nấu ăn.

Trong cái khó ló cái khôn, nhằm hạn chế việc đi lại, bỏ trốn của tù binh, cụ Dược “lệnh” cho cấp dưới tịch thu tất cả giày dép của hàng binh Pháp khi họ về đến lán trại tập trung để hạn chế việc chúng trốn trại. Số tù binh ngày càng đông, để đáp ứng các bữa ăn, cụ Dược chỉ đạo cấp dưới đi tìm những thùng phuy để nấu cơm mới đủ cho tù binh ăn.

 

Sau khi giải phóng miền Bắc, cụ Dược được đi học 5 năm ở Học viện Quân chính Lênin (Liên Xô). Năm 1963 cụ về nước và làm Chính ủy một trung đoàn của Sư đoàn 324. Năm 1967, đơn vị này  tham gia đánh ở chiến dịch Junction City. Đây là một chiến dịch kéo dài 53 ngày của Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhắm vào các căn cứ của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Chiến khu C (phía Việt Nam Cộng Hòa gọi là Vùng 3 chiến thuật). Sau chiến dịch này, cụ  tham gia chiến đấu cho đến ngày thống nhất đất nước.

Năm 1979, quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, cụ Võ Dược phụ trách một sư đoàn chiến đấu ở biên giới Lạng Sơn, sư đoàn đã đánh thắng và được mệnh danh là “cánh cửa thép Lạng Sơn”.

Trước lúc nghỉ hưu, cụ Võ Dược mang quân hàm đại tá, Chính ủy Sư đoàn 347.

Khi mới đến Trại tù hàng binh, tù binh Pháp còn khoác lác, nhưng khi đồi Him Lam bị tiêu diệt thì tinh thần của chúng xìu xuống, và khi quân ta đánh chiếm xong đồi A1 cũng đồng nghĩa với kết thúc trận chiến.

Cụ Dược kể: “Mình được cấp trên chỉ đạo phải đối xử tốt với hàng binh, nó là kẻ thù nhưng sau bị bị bắt rồi thì mình phải thể hiện được cái nhân đạo để sau này trả nó về nó còn tạo ảnh hưởng cho mình. Đặc biệt với những người lính gốc châu Phi mình chăm sóc và tuyên truyền nhiều nhất, mình gây tinh thần dân tộc cho họ".

Những kỷ niệm khó quên

Cụ Dược nhớ lại: “Thời điểm gần kết thúc chiến dịch, tù binh bệnh nhiều lắm, chúng nằm la liệt khắp cánh rừng, ta phải cứu chữa. Lúc này, ở bên kia Hội nghị Genève diễn ra, cấp trên yêu cầu phải lấy chữ ký của một vạn tù binh để làm áp lực ký kết, công việc này rất nhiều áp lực vì tù binh quá đông nhưng bên ta lại thiếu người”.

Mình thảo văn bản để cho tù binh ký, tuy nhiên, trong số tù binh, hàng binh, ngoài binh lính còn có nhiều sĩ quan cao cấp trung tá, đại tá, do đó muốn khai thác phải “đấu trí” rất căng thẳng, phải có nghệ thuật.

Cụ Dược cho biết: Quan điểm của các tù binh, hàng binh Pháp là không bao giờ làm chính trị, chỉ là lính phục tùng chỉ huy, chính vì vậy mà mình phải lập luận, đưa ra bằng chứng cụ thể hành động cầm súng bắn vào người khác là vô nhân đạo, là phi nghĩa. Lúc đó các tù binh, hàng binh mới chấp nhận và cho mình biết nhiều thông tin. Sau đó mình gửi sang cho đồng chí Phạm Văn Đồng bên hội nghị rất kịp thời và đáp ứng hiệu quả cho việc ký kết hiệp định.

Nhiệm vụ chính là quản lý tù binh, nhưng đơn vị của cụ Dược còn được giao nhiệm vụ khai thác, nắm thông tin của phía địch để phục vụ cho Bộ chỉ huy chiến dịch.

Tháng 8.1954, ta trao trả tù binh đợt 1 cho Pháp tại Tuyên Quang, mỗi ngày ta thông báo cho Pháp ở Hà Nội là sẽ trao trả bao nhiêu, nhưng dường như phía Pháp chỉ quan tâm khi nào tướng Đờ Cát được thả, lúc đó chúng tôi chỉ trả lời “Hiện giờ tướng của các ông còn ở xa lắm, khi nào có kế hoạch, chúng tôi sẽ thông báo”, cụ Dược kể.

Cụ Dược hóm hỉnh kể tiếp: Một chiều thứ bảy, tại Đồn Vàng (Phú Thọ), ta bất ngờ thông báo trao trả tướng Đờ Cát, điều này làm cho người Pháp ở Hà Nội ngơ ngác vì là ngày nghỉ, họ không kịp trở tay chuẩn bị gì cho “lễ đón”. Vậy là ngày trở về của Đờ Cát diễn ra trong lặng lẽ không kèn, không trống.

Người quản tù còn nhớ một kỷ niệm khó quên là khi ta phóng thích một nữ y tá của quân đội Pháp, cô ta mừng quá hét toáng lên và cho biết tên là Đơ Gala, cho địa chỉ và mong được gặp lại những người bạn Việt Nam giữa Paris hoa lệ.

Bài, ảnh: Lâm Viên

>> Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử
>> Bí mật chiến thắng Điện Biên Phủ - Kỳ 2: ‘Tai, mắt’ tướng Giáp phủ trận địa
>> Bí mật chiến thắng Điện Biên Phủ - Kỳ 1: Chuyện ‘bếp núc’ tiếp sức chiến thắng
>> Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 2: Những cuộc trùng phùng
>> Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 1: 56 ngày đêm 'khoét núi, ngủ hầm, máu trộn bùn non

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.