Người kể khan ở Cư M’gar

10/03/2011 11:30 GMT+7

Kể khan là nghi lễ của tình đoàn kết, quần tụ khi lòng yêu quý nhau đã xích lại gần. Và có một chàng trai đã dành trọn đam mê sưu tầm hàng ngàn bài kể khan cho đồng bào mình.

Buôn Trĩa (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những địa phương còn lưu giữ nhiều nét văn hóa của người Êđê, M’Nông, trong đó ấn tượng và nổi tiếng nhất là những đêm kể khan.
 
Theo thời gian, nghệ thuật này đã mai một đi nhiều. Đáng buồn nữa là lớp trẻ không còn nhiều người mặn mà với những đêm kể khan.
 
Sợ những giá trị này mất đi, hơn 20 năm nay, Y Wang Hwing đi khắp nơi để sưu tầm và lưu giữ những điệu kể khan. Với anh, kể khan như chính hơi thở cuộc sống của mình. 


Y Wang Hwing tâm sự về việc sưu tầm và kể khan của mình suốt hơn 20 năm qua

Mê kể khan hơn cả… mê người đẹp
 
Từ năm 2009 đến nay, nhắc đến những điệu kể khan có sức truyền cảm da diết ở Cư M’gar, người ta thường nhớ đến hai người: già làng Y Nguôi và Y Wang Hwing.
 
Nhưng già Y Nguôi đã vĩnh viễn ra đi đầu năm 2010 rồi. Ở tuổi 36, Y Wang Hwing (SN 1975) trở thành một nghệ nhân kể khan trẻ tuổi nhất Đắk Lắk.
 
“Không biết có phải do duyên nợ không mà năm 14 tuổi, một lần nghe cháu của một vua săn voi trong huyện Buôn kể 5 bài khan, tôi đã thấy mê mẩn. Cũng từ đó, cứ rảnh lúc nào tôi lại tranh thủ đến nhà các già làng trong huyện để học kể khan và còn về ghi chép lại những điệu hay”- Hwing tâm sự.
 
Cho đến bây giờ, kể khan trở thành niềm đam mê của anh. Hầu như ngày nào anh cũng dành ít nhất 3 giờ để học kể khan.
 
Khi chúng tôi yêu cầu kể một đoạn trong sử thi Mdrông Dăm, nụ cười Y Wang Hwing chợt bừng sáng. Anh cất giọng, lúc trầm hùng, khi tha thiết theo từng bước chân Mdrông Dăm đi cứu vợ trở về: “Mtao Kwăt là một người xấu, kẻ đã cướp vợ của chàng  Mdrông Dăm là nàng Hbia Êsun. Sau khi bị cướp vợ, Mdrông Dăm tìm đến Mtao Kwăt ném khúc gỗ bay lên cao 3 thước, giơ khiên múa đao và hét to: “Tình yêu là vĩnh cửu, kẻ cướp tình yêu không phải nam nhi”.
 
Dứt lời, Mdrông Dăm giơ đao lia dưới cằm Mtao Kwăt, máu vọt ra. Hỡi nam nhi, phải chinh phục tình yêu bằng sự tài hoa và lãng mạn của người con Êđê. Lọc lừa là thói xấu. Nói đoạn, Mdrông Dăm thu đao trở về…”. 
 

Sưu tầm hơn 2.000 bài kể khan 

Khan chính là một hình thức khác của sử thi. Nó là nghệ thuật dân gian độc đáo của cộng đồng nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Người Kinh gọi là trường ca, người Êđê gọi là kể khan, người M’Nông gọi là Ot N’Trông, người Gia Rai gọi là Hri, người Xơ Đăng gọi là Hơmoan, người Ba Na gọi là H’Amon, người Chăm gọi là Akhan, người Ra Glai gọi là Akhar Jur Car...
 
Đến thời điểm này, Y Wang Hwing đã sưu tầm và ghi chép được hơn 2.000 bài kể khan, chuyển hóa 25 bộ sử thi sang dạng kể khan. Đặc biệt, bộ sử thi Đam San luôn được Y Wang Hwing trân trọng xem như một tài sản quý. 

Mê những dấu tích, đắm chìm trong huyền sử của sử thi đã chuyển hóa thành những điệu khan nên nhiều khi trong cuộc sống thường ngày, Y Wang Hwing cũng bay bổng theo nó.
 
“Nhớ hồi còn chưa lấy nhau, đang yêu mà có lần Nuê (chồng, theo tiếng người êđê) bỏ cả mình để theo một già làng học khan” - H’Man, vợ Y Wang Hwing, “kể tội” chồng mà mắt cứ lúng liếng nhìn Y Wang Hwing.
 
Cư M’gar là huyện duy nhất ở khu vực Tây Nguyên còn lại những ngọn núi lửa mang dấu tích cổ xưa nhất khi dung nham tuôn trào hàng triệu năm trước. Những người già trong huyện biết kể khan ngày một ít đi.
 
Nỗi lo người lưu giữ các điệu kể khan vẫn là bài toán khó không chỉ ở buôn Trĩa mà đối với tất cả buôn làng khác ở Tây Nguyên nên những người như Y Wang Hwing là một tài sản quý.
 
Ước mơ kể khan vào trường học
 
Theo Y Wang Hwing, để lưu giữ nghệ thuật kể khan tốt nhất, cần đưa nó vào các trường học ở Tây Nguyên, có thể là các buổi ngoại khóa.
 
Y Wang Hwing cho rằng không gian thiêng liêng nhất để kể khan là lúc bếp lửa bập bùng cháy, là khi ché rượu cần sắp nhạt, khi con người có cảm giác lâng lâng, khi lòng yêu mến nhau, quý nhau đã xích lại gần.
 
Mỗi buổi kể khan như là nghi lễ của tình đoàn kết, quần tụ. Người kể khan ấn tượng nhất phải tập luyện để giọng điệu đạt đến mức uyển chuyển, lúc oai hùng, lúc trầm lắng… Trong các buổi kể khan còn ôn lại  truyền thống cha ông của mình, về công trạng, phong tục, tập quán của dân tộc mình.
 
Bình thường, một bài hát kể khoảng chừng 30 - 40 phút. Với đồng bào dân tộc, kể khan không phải là nghề kiếm sống, nó không mang lại lợi ích vật chất nào cho người biết, người kể, người gìn giữ.
 
Bởi vậy, Y Wang Hwing không bao giờ đòi hỏi gì, ngược lại, mỗi lần nhận lời đi kể khan cho làng hay cho gia đình ai là một lần anh phải tốn kém vì phải làm lễ tạ ơn Yàng (trời) theo lệ tục Êđê.
 
 Lễ vật cho mỗi đêm kể khan thường là một con gà, một ché rượu. Hwing tự mình cúng lễ. Anh gọi to tên những người dạy anh kể khan đã qua đời giống như một lời cảm ơn. Anh xin họ phù hộ cho mình và dân làng mạnh khỏe, cho những điệu khan hùng hồn và da diết hơn.
 
Mỗi đêm kể khan của Hwing thật sự là một đêm hội làng. Nhà anh nghèo, vợ chồng quanh năm vất vả mà vẫn thiếu ăn nhưng anh luôn ý thức cho con mình học đến nơi đến chốn. Cứ mỗi lần thấy bà con kéo đến nghe say sưa mình kể khan là anh như quên hết mọi nhọc nhằn, lo toan thường nhật.
 
Cũng chính từ những đêm kể khan da diết của Y Wang Hwing mà buôn Trĩa không có người quậy phá, thanh niên không còn gây sự đánh nhau, trộm cắp, ai cũng chăm chỉ làm ăn, biết giữ gìn những gì ông bà để lại. 

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.