Ngày mùng 1 Tết đi lễ chùa làng

10/02/2013 16:20 GMT+7

(TNO) “Đi lễ mùng 1 Tết sẽ thấy chùa làng Hà Nội vắng và ấm áp hơn ở chùa lớn”, theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa.

Sáng nay mùng 1 Tết (10.2), cụ ông Ngô Trọng Thanh (73 tuổi) cùng con cháu ra đình, chùa làng Hoàng Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) từ lúc chưa tới 8 giờ sáng. Dù còn khá sớm, gia đình ông không phải người đầu tiên tới đây.

Khi ông Thanh tới nơi, khoảng chục cụ cao niên trong làng đã mặc áo the, khăn xếp để đọc bài khấn cầu xin an lành cho làng nước. “Chiêng nghe vang quá”, tiếng một cụ ông nói vọng từ gian ngoài vào trong - nơi những tiếng chiêng đầu tiên đang được thỉnh. Năm nay, làng mới đúc Đại Hồng Chung và cũng có thêm chiêng mới.


Chùa làng Hoàng Mai ấm cúng, vắng người sáng mùng 1 Tết - Ảnh: Trinh Nguyễn

Cạnh đình Hoàng Mai là chùa Hoàng Mai, còn có tên khác là Nga Mi - vốn được nhiều nhà buôn “tín”. Ngày rằm, mùng 1 hằng tháng, dân buôn kéo đến tấp nập. Tuy nhiên, sáng mùng 1 Tết những người lễ xin lộc làm ăn kiểu đó hầu như không có. Bãi xe trước cổng đình bên cạnh chùa chỉ hơn chục chiếc xe máy. Trên ban thờ, tiền đặt lễ không nhiều và đều mang mệnh giá nhỏ.

“Khách đi lễ chủ yếu chỉ là người trong làng, đi bộ ra chùa. Vài cụ đi xe đạp tới”, ông Thanh cho biết. Đã 14 đời sinh sống ở làng, ông Thanh giữ thói quen lễ chùa mùng 1 tết từ nhỏ. Thói quen này chỉ bị đứt đoạn trong chiến tranh và thời gian ông đi công tác nước ngoài. Ông cùng nhiều người già đi lễ trong làng Hoàng Mai phần lớn đều quen biết nhau.

“Phần lớn các làng cổ Hà Nội vẫn giữ được đình, chùa. Có thể thấy rõ nhất thói quen đi lễ ngày mùng 1 Tết như một tục lệ thanh tao, ít nhuốm màu mặc cả với thần linh. Có những người quanh năm chỉ lễ ở nhà, nhưng tới mùng 1 Tết là ra chùa làng”, giáo sư Ngô Đức Thịnh nói.

Việc lễ Phật tại các chùa làng, theo ông Thịnh tuy vẫn mang màu sắc Phật giáo nhưng mang đậm tính cộng đồng hơn. Khi đi lễ tại đây, người làng hướng tới sự gắn kết trong chính cộng đồng làng mình.


Em bé cưỡi ngựa đá ở đình làng. Những hình ảnh này sẽ đi vào ký ức của bé - Ảnh: Trinh Nguyễn

Vì thế, theo giáo sư Thịnh, so với những chùa lớn, tính chất các cuộc hành lễ ở chùa làng rất khác, nhất là về quy mô. Những cuộc hành lễ ở đây thường nhỏ hơn, do những người quen biết lâu năm thực hành. Điều này không giống với các chùa lớn, người ta không thể biết hết nhau và chỉ chú tâm vào việc thực hành tôn giáo của mình là chính. Việc tìm hiểu kinh kệ, giáo lý của người đi lễ chùa làng cũng không được đặt cao như ở chùa lớn. Tuy nhiên, cảm giác gần gũi, thân thuộc của chùa làng lại nổi trội hẳn so với chùa lớn.

Là một người làng Hoàng Mai, tiến sĩ Vũ Thế Long, Tổng Thư ký Hội ẩm thực cũng đồng tình với điều này. Nhà nghiên cứu người Hà Nội gốc này cho biết, sự yên tĩnh là điều trong năm Hà Nội thiếu thốn.

“Kín đáo, tế nhị là nét văn hóa Hà Nội mà tôi cảm nhận từ bố mẹ và những thế hệ trước trong gia đình”, ông Long nói. Sự tế nhị này theo ông thể hiện qua vật phẩm cúng lễ tinh tế mà không chạy theo số lượng. Nhiều năm xa làng, ông Long vẫn đáo qua lại đây, để thấy sự kín đáo, ấm cúng của quê cha đất tổ.


Chùa nổi tiếng thường đông nghịt người vào mùng 1 Tết - Ảnh: Ngọc Thắng

Tại các đền, chùa có tiếng tại Hà Nội như chùa Phúc Khánh, chùa Quán Sứ, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ… ngay từ sáng mùng 1 Tết, người đi lễ đã khá đông. Tuy nhiên, số người đi lễ này không đông bằng lúc giao thừa. Có những điểm lễ, nhiều người dân còn phải đứng ngoài bái vọng.

Số lượng chùa ở Hà Nội không nhỏ, song hiện nay nhiều chùa làng đã thay đổi quy mô do người dân khắp nơi về tế lễ quá đông.

“Giữ được chùa làng là một may mắn. Đi lễ chùa làng ngày tết là hạnh phúc được sống chậm, sống chung trong cộng đồng nhỏ nhiều người thân thuộc”, giáo sư Thịnh chia sẻ.

Trinh Nguyễn

>> Đi lễ chùa
>> Rủ nhau đi lễ chùa
>> Nô nức đi lễ chùa
>> Chen chân đi lễ chùa đầu năm
>> Nô nức đi lễ chùa đầu năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.