Nâng cao chất lượng giống nòi

27/12/2010 01:41 GMT+7

Sống lâu nhưng không khỏe mạnh; tỷ lệ người dân bị khuyết tật gia tăng, đó là những vấn đề cần được đặc biệt lưu tâm khắc phục để có thể cải thiện chất lượng dân số nước ta.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng và Đại học Y Hà Nội, chiều cao của người trưởng thành hiện đã tăng thêm 2 cm so với cùng tuổi 10 năm trước. Biểu hiện rõ nhất: thanh niên VN to cao hơn, người trẻ cơ thể phát triển sớm hơn, vượt trội hơn so với thế hệ trước. Thế nhưng…

Sống lâu nhưng chưa khỏe

Theo TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm: “Dù chiều cao đã được cải thiện nhưng sức bền thì chưa có bằng chứng cải thiện rõ rệt. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong các bộ môn chuyên nghiệp như thể dục thể thao. Đó chính là tồn tại hiện nay trong giới trẻ”. Đáng lưu ý, chỉ số khối cơ thể người VN chưa thật cân đối. Khối nạc còn thấp.

Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người

Tổng cục DS-KHHGĐ đang triển khai đề án nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người: Cống, Mảng, La Hủ, Shi La tại tỉnh Lai châu và thử nghiệm mô hình nâng cao chất lượng dân số của các dân tộc ít người tại Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định và Gia Lai. Chúng ta đang duy trì thực hiện mô hình giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 5 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Yên Bái và Đắk Lắk.

Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), mặc dù chỉ số phát triển con người của VN tăng lên nhưng chưa làm thay đổi vị trí trong danh sách các nước được xếp hạng về chỉ số này. VN vẫn nằm trong nhóm các nước có chỉ số phát triển con người ở mức trung bình. Số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 66 (trong khi tuổi thọ bình quân của người VN hiện đạt 72,8 tuổi) và chỉ xếp thứ 116/182 nước trên thế giới vào năm 2009 về chỉ số phát triển con người.

Đáng lưu ý, tỷ lệ người bị khuyết tật đã tăng cao hơn so với những dự báo trước đây. “Chúng ta lâu nay vẫn dự tính khoảng 6,3% dân số bị tàn tật, khuyết tật nhưng theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở  năm 2009, tỷ lệ người khỏe mạnh là  92,8%, có nghĩa tỷ lệ người khuyết tật là 7,2%. Như vậy, với số dân gần đạt 87 triệu thì chúng ta có khoảng 6 triệu người khuyết tật. Trong đó, có tỷ lệ không nhỏ là dị tật, khuyết tật bẩm sinh”, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng TC DS-KHHGĐ, cho biết.

 

Thói quen hoạt động thể lực từ nhỏ giúp tăng sức bền - Ảnh: Ngọc Thắng

Chiến lược cải thiện

Sàng lọc sơ sinh (SLSS) và sàng lọc trước sinh (SLTS) với việc phát hiện dị tật bẩm sinh ngay từ giai đoạn bào thai và ngay sau khi sinh đang từng bước được mở rộng. VN đang áp dụng SLSS với bệnh suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu hụt men G6PD. Trong đó, suy giáp trạng bẩm sinh gây suy đần, tuổi thọ ngắn nhưng nếu được phát hiện sớm, can thiệp sớm thì trẻ phát triển bình thường. Với bệnh thiếu hụt men G6PD - bệnh di truyền, gây diễn thể vàng da sớm sau sinh, bệnh nặng sẽ kéo dài, biến chứng bệnh lý não; hay biến chứng thần kinh chậm phát triển. SLTS và SLSS đã được triển khai tại 30 tỉnh/thành, trong đó đã có 38.437 trường hợp được SLTS và 143.482 trẻ được SLSS.

Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết sẽ có thêm một số bệnh bẩm sinh được điều trị rất sớm, đặc biệt sẽ triển khai các hoạt động can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia (bệnh lý thiếu máu di truyền thường gặp nhất tại VN) tại cộng đồng. Chúng ta cũng đang triển khai tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, hướng dẫn các cặp vợ chồng tránh sinh con dị tật. Mô hình này đã được triển khai tại 497 xã thuộc 42 tỉnh và còn tiếp tục mở rộng.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.