Muốn vào nhà phải bắc thang leo

28/05/2015 08:52 GMT+7

Sau khi giải phóng mặt bằng để sửa chữa, nâng cấp đường Điện Biên Phủ (TP.Tây Ninh) hàng chục hộ dân sống dọc hai bên đường đang khốn khổ vì muốn vào nhà phải bắc thang leo.

Sau khi giải phóng mặt bằng để sửa chữa, nâng cấp đường Điện Biên Phủ (TP.Tây Ninh) hàng chục hộ dân sống dọc hai bên đường đang khốn khổ vì muốn vào nhà phải bắc thang leo.

Tiệm tạp hóa của hộ anh Lê Duy Cương phải bắc ghế để leo
Tiệm tạp hóa của hộ anh Lê Duy Cương phải bắc ghế để leo
Nền nhà thẳng đứng như tường
Hằng ngày, gia đình bà Liêu Ngọc Ẩn (84 tuổi, ngụ P.Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh) dở khóc, dở cười vì phải vất vả bắc ghế leo lên nhà. Lý do, sau khi giải phóng mặt bằng để thi công đường Điện Biên Phủ, nhà bà bị cắt mất mái hiên và một phần dốc của mặt nền trước dẫn đến tình trạng nền nhà hiện tại cao hơn 1,2 m. Bà Ẩn cho biết: “Nền nhà trước đây bằng với mặt đường cũ nhưng lúc đó cứ mưa lớn là nước trút thẳng vô nhà. Nhiều lần nền nhà cứ phải đua theo đường, nước ngập khổ lắm rồi nên làm một lần cho khỏi nhọc công”.
Bà An buồn bã nói thêm: “Họ không cho tôi làm thêm bậc tam cấp xuống nhà vì sợ lấn vỉa hè. Khổ nỗi nhà thì giờ không thể dời vào trong được nữa vì cây đà bê tông chính nằm sát mép đường, nếu dời thì sập nhà. Do vậy mà tôi đành phải đặt thợ hàn cho dàn thang sắt di động để có chỗ ra vào, chứ lớn tuổi rồi, leo trèo cao nguy hiểm quá”.
Cùng chung tình cảnh như nhà bà An, tiệm tạp hóa Trung Kiên của hộ anh Lê Duy Cương (33 tuổi) cốt nền cao đến 1,2 m. Anh Cương than thở: “Toàn bộ xe cộ trong nhà phải gửi nhà hàng xóm, muốn đi đâu gấp vào ban đêm thì phải đập cửa làm phiền người ta cho mình lấy xe rất bất tiện. Còn muốn lên xuống nhà phải nhờ tới chiếc ghế đá”.
Dân không nắm thông tin cốt nền
Theo ông Đặng Hoàng Chương, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông Tây Ninh (Sở GTVT tỉnh Tây Ninh), hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ đã đạt 80% tiến độ công trình, dự kiến hoàn thành cuối tháng 10.2015. Theo Sở GTVT, dự án có mặt đường rộng 40m, tổng chiều dài hơn 4,2 km kết nối 2 khu du lịch lớn nhất tỉnh là Tòa thánh Cao Đài sang núi Bà Đen. Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 183 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Ông Chương cũng thừa nhận ít người dân biết đến thông tin về cốt nền để nâng cấp nền nhà cho phù hợp nên đã xảy ra tình cảnh trớ trêu trên.
Điều đáng nói, trước khi con đường được chính thức khởi công, nhiều người dân đã nhanh chóng nâng nền thật cao để đón đường mới và chống ngập. Tuy nhiên các hộ dân ở đây cho hay thông tin về cốt nền không được chủ đầu tư và đơn vị thi công công khai. Đến khi con đường được khởi công, giải phóng mặt bằng 2 bên hơn 10m thì nhiều nhà dân bị di dời, cắt mặt tiền dẫn đến tình trạng mặt nền cao chót vót so với mặt đường.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó giám đốc Sở GTVT Tây Ninh chỉ khuyến cáo: “Quy chuẩn về cốt nền là căn cứ để cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng nhà cho người dân. Do đó, việc hàng loạt hộ dân trên đường Điện Biên Phủ phải bắc thang vào nhà là thực trạng bất cập liên quan đến cốt nền mà người cấp phép xây dựng phải chú ý đầu tiên để tư vấn thiết kế cho dân chứ không để họ tự thực hiện”. Tuy nhiên, về giải pháp xử lý vấn đề này thì hiện Sở GTVT vẫn chưa có phương án cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.