Muối thừa người bán thiếu người mua

13/10/2011 09:49 GMT+7

Mặc dù đang là vụ nghịch, hầu hết các tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… đã ngưng sản xuất muối, thế nhưng tình hình tiêu thụ muối hiện nay rất ảm đạm. Giá sụt đã đành nhưng ngặt nỗi kêu bán không có người mua.

Diêm dân... chịu chết

Tại huyện Ba Tri, nơi sản xuất muối chủ lực của tỉnh Bến Tre, tình hình tiêu thụ rất ảm đạm. Ông Phạm Văn Đức (ấp Thạnh Đức, xã Bảo Thạnh) chua chát: “Cả nhà sống nhờ vào 4 công muối, vậy mà giá chỉ 400-500 đồng/kg, cộng thêm tình trạng “thừa người bán - thiếu người mua”, tính ra vụ này thua trắng”. Ông Trịnh Hoàng Be, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh, xác nhận: “Diêm dân đang la làng vì giá muối quá thấp và khó tiêu thụ, khiến hơn 18.000 tấn muối vẫn tiếp tục án binh bất động. Hiện hơn 1.000 hộ sống nhờ nghề muối đang rất rối chưa biết tính sao?”.

Là người có kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ muối nhiều năm, nhưng ông Nguyễn Văn Thường (xã Long Điền Tây, H.Đông Hải, Bạc Liêu) cũng không hiểu vì sao hiện nay muối không bán được. Thông thường, muối rớt giá khi vào thời điểm thu hoạch rộ trong quý 1 và quý 2. Sang quý 3 đã hết vụ muối do mùa mưa xuống, trong khi sản lượng tồn trữ cũng ít lại, vì vậy lúc này muối được giá cao. Dự báo điều này, sau khi thu hoạch trên 3ha muối, ông Thường không bán hột nào mà đưa hết vào kho trữ lại chờ bán vụ nghịch. Cách đây hơn một tháng, thương lái hỏi mua muối trắng tới 1.000 đồng/kg, muối đen 600 đồng/kg, cao hơn đầu vụ khoảng 200 đồng/kg. Ông Thường cũng như nhiều hộ khác cứ ngỡ muối sẽ tiếp tục tăng trong vụ nghịch nên chưa vội bán. Nào ngờ mấy ngày gần đây giá muối đảo chiều sụt còn 500 đồng/kg (muối đen), 800 đồng/kg (muối trắng). Thấy giá sụt ai cũng ùn ùn kêu bán, nhưng thương lái bỗng nhiên mất dạng. “Trên 200 tấn muối tồn đọng chưa biết tính sao, trong khi hàng loạt khoản chi tiêu đang rất cần tiền”,  ông Thường than.

Tại các xã Long Điền Đông, Điền Hải (huyện Đông Hải)… tình hình cũng tương tự, diêm dân tiêu thụ muối trái vụ rất khó khăn. Ông Lê Văn Dô, Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông, cho biết: “Hồi tháng 8, thấy muối tăng giá, hút hàng ai cũng mừng, nào ngờ gần đây giá sụt và thương lái thu mua rất hạn chế. Hiện toàn xã còn tồn khoảng 15.000 tấn muối chưa bán được, nếu tình hình này kéo dài diêm dân sẽ mệt mỏi vì cạn vốn”.

Chọn muối hay tôm?

Muối rớt giá và khó tiêu thụ ngay thời điểm trái vụ đã đẩy nhiều diêm dân ở ĐBSCL vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ông Trần Văn Thắng (ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, H.Đông Hải) trăn trở: “Nghề làm muối vất vã vô cùng, vậy mà tình trạng mất giá, bán hổng ai mua cứ ám ảnh liên tục khiến diêm dân không biết đâu mà lường. Sau vụ muối thất bát này sẽ có không ít hộ bỏ đồng muối chuyển sang làm nghề khác”. Ông Thắng dù đã có thâm niên hàng chục năm làm muối thế nhưng vẫn phá bỏ hơn 3 ha đất muối đào ao nuôi tôm sú. Hộ ông Năm Ninh ở gần đó cũng vừa chia tay ruộng muối, chuyển 4 ha sang nuôi tôm. Nhiều hộ khác ở xứ muối Bạc Liêu cũng đang phân vân có tiếp tục làm muối nữa hay không (!?). Ông Mai Thanh Hùng, Phó phòng NN- PTNT huyện Đông Hải thừa nhận: “Do nghề muối bấp bênh quá nên đã có hàng chục ha muối biến thành đồng tôm. Hiện tại tôm đang được giá cao và hút hàng, trong khi muối thì ngược lại nên nhiều hộ đang phải chọn lựa. Vấn đề là vụ tôm vừa qua xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại nhiều nơi, vì thế người dân chưa dám mạnh dạn bỏ muối sang tôm”.

Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, nghề làm muối rất khó giàu, nhất là đặc thù đất muối của người dân các tỉnh không nhiều, bình quân chỉ 1- 2 ha/hộ, có hộ chỉ canh tác vài công muối. Do sản xuất dạng nhỏ lẻ, cộng với đầu ra không ổn định nên đời sống diêm dân chưa thể cải thiện. Một trong những vấn đề khiến người làm muối bất an là tình trạng thừa muối nội, nhưng Bộ Công thương vẫn cho phép nhập muối ngoại đã tác động đến thị trường tiêu thụ muối nội. Cụ thể, gần đây muối nội đang tăng giá thì Bộ Công thương đồng ý cho các doanh nghiệp nhập 50.000 tấn muối công nghiệp. Và muối nội đảo chiều - rớt giá, không bán được.

Trong lúc hàng chục ngàn tấn muối đang tắc đầu ra thì vụ muối mới 2011-2012 sắp khởi động vào tháng 11 tới. Nhiều hộ làm muối ở ĐBSCL mong chờ các ngành chức năng nhanh chóng hỗ trợ diêm dân tiêu thụ muối càng sớm càng tốt, bởi lượng muối tồn đọng kéo dài người dân sẽ kiệt sức và không có vốn để tái đầu tư vụ muối mới.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.