Làng cổ Đường Lâm

29/10/2009 16:16 GMT+7

(TNTS) Nằm cách trung tâm Hà Nội gần 50 km, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) từ lâu đã trở thành điểm đến của những ai muốn tìm hiểu về kiến trúc cổ của đồng bằng Bắc Bộ, về lịch sử của vùng đất 2 vua, quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.

Chúng tôi về thăm Đường Lâm vào mùa lúa chín. Giống như nhiều làng quê khác ở vùng Bắc Bộ, Đường Lâm cũng có cây đa cổ thụ cùng một điếm canh, nơi người nông dân nghỉ ngơi hoặc tránh nắng, mưa.

Đi qua bãi ngô cao ngút tầm mắt, rẽ vào một con đường nhỏ, hình ảnh Đường Lâm quen thuộc hiện ra ngay trước mắt. Dù đây là lần đầu đến thăm nơi đây nhưng nhìn góc nào chúng tôi cũng thấy quen, cũng thấy đã xuất hiện trên báo chí, tranh ảnh hay truyền hình đâu đó rồi. Chúng tôi dừng lại rất nhiều lần để chụp ảnh, mong tìm được một góc nào đó mới mẻ của riêng mình và cũng là để cố hít căng lồng ngực hương thơm ngọt ngào của lúa, của rơm rạ rồi cảm nhận xem có hương vị nào mới lạ, chưa được đưa vào vô số các bài viết về Đường Lâm mình từng đọc không.

Ghé quán nước ngay trước cổng làng, ai cũng say sưa với những câu chuyện của bà bán hàng cởi mở. Đầu tiên là những chuyện về làng, về những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 2005, về món nước chè xanh thơm phức cùng những thứ quà vặt đặc sản làng bày trên sạp hàng của bà như chè lam, khoai lang đồng Bường hay bưởi…

Gửi xe đi một vòng quanh làng thăm các ngôi nhà cổ, Đường Lâm gồm 9 thôn là Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu, có thể nhận thấy thôn Mông Phụ là nơi còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều nhất hệ thống các kiến trúc truyền thống như: cổng làng, nhà ở, đình, đền chùa, đường đi, giếng nước...

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đến thăm một số ngôi nhà cổ nổi tiếng nhất của làng như nhà anh Hùng, ông Lê, ông Huyến... Những ngôi nhà này đều có niên đại trên dưới 200 năm. Bố cục kiến trúc trong khuôn viên thường kết cấu theo kiểu chữ nhất, chữ nhị, chữ đinh và chữ môn. Quang cảnh ngôi nhà cùng sự tiếp đón nồng hậu của chủ nhân khiến du khách nào cũng cảm thấy dễ chịu và thích thú. Các di tích khác quanh làng như: đình làng Mông Phụ, một công trình tiêu biểu mang đậm nét văn hóa của nông thôn Bắc Bộ; nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh; đền thờ Phùng Hưng; lăng Ngô Quyền với kiến trúc đẹp, không gian thoáng mát; chùa Mía có rất nhiều tượng được làm bằng đồng, gỗ hoặc đất sét, không gian thanh tịnh và êm ả...

Mặc dù đang bận bịu với mùa gặt nhưng người dân trong làng ai cũng hồ hởi và tận tình chỉ dẫn khách tham quan. Đường làng lúc nào cũng tấp nập người và rộn rã tiếng cười, tạo nên khung cảnh ngày mùa thật tươi vui và no ấm. Tất nhiên, chúng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món cơm gạo mới. Bữa trưa được đặt tại nhà người địa phương với cơm gạo, gà mía, rau muống luộc chấm tương, nước chè tươi... món nào cũng giản dị nhưng đậm đà và thơm ngon như chính tấm lòng của người dân nơi đây

Đường Lâm mùa lúa chín vẫn đang còn chờ đợi du khách.

Bài & ảnh: Phong Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.