Kinh hoàng mua bán cyanua: Hậu họa khó lường

28/05/2015 08:55 GMT+7

Chất độc cyanua thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng và sức khỏe của người dân

Chất độc cyanua thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng và sức khỏe của người dân.

Các bể chứa để tách vàng chứa chất độc cyanua độc hại bị công an địa phương phá hủy Các bể chứa để tách vàng chứa chất độc cyanua độc hại bị công an địa phương phá hủy - Ảnh: C.T.V

Nếm tí cyanua là... chết

Theo nhiều tài liệu, cyanua (còn gọi là Axit xianhidric) ký hiệu HCN là một loại axit rất độc. Trong công nghiệp luyện kim, cyanua được đem ngâm với quặng chứa vàng, bạc để tạo ra dung dịch có chứa cyanua vàng, bạc. Sau đó, hỗn hợp này sẽ được phân kim lần nữa để thu vàng, bạc tinh khiết. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) cho biết, đối với ngành y cyanua được xem là một độc chất. Loại độc chất này thường có nhiều trong củ sắn mì nên nếu ăn nhiều loại sắn này cũng gây ngộ độc cyanua. Về cơ chế ngộ độc, ông Sơn cho hay, khi vào cơ thể, cyanua lập tức gắn với nguyên tố sắt có trong nguyên tố hemoglobin (trong hồng cầu của con người). “Trong cơ thể người, hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đến các tế bào. Nhưng khi bị ngộ độc thì cyanua sẽ gắn với sắt khiến sắt không gắn với oxy. Các tế bào không có oxy sẽ dẫn đến ngộ độc cấp và chết (gọi là hiện tượng mat hemoglobin)”, ông Sơn nói. “Đối với con người chỉ cần hàm lượng 50mg vào cơ thể sẽ bị ngộ độc và tử vong”, ông Sơn cảnh báo.

Trong công nghệ phân kim bằng cyanua, sau khi chất độc này bị thải ra môi trường sẽ khiến nguồn nước có màu xanh. Mặc dù không biết nồng độ là bao nhiều nhưng nhìn màu nước có màu xanh đậm, nhạt thì có thể biết nồng độ ở mức nào. Theo ông Sơn, đã có trường hợp nấu cơm bằng nguồn nước bị nhiễm cyanua. Nạn nhân chỉ nếm thử một tí đã bật ngửa ra chết. Những người bị nhiễm nhẹ hơn tuy không tử vong nhưng sẽ bị suy gan, suy thận rất nhanh. Ngoài ra, cyanua tác động nhanh nhất là qua đường tiêu hóa. Do vậy, người dân khi tắm rửa vô tình uống phải nguồn nước sông bị nhiễm chất độc sẽ rất nguy hiểm.

“Bức tử” sông Quế Phương

Thoạt nhìn dòng nước khá xanh trong trên sông Quế Phương, không ai nghĩ rằng con sông này bị ô nhiễm nặng nề do tình trạng khai thác vàng trái phép. Trong đó, cyanua là tác nhân chính gây nên tình trạng này. Nhiều người dân địa phương cho biết, có thời điểm chất độc cyanua tại các bồn ngâm, tách vàng bị thải trực tiếp ra sông làm cá chết trắng mặt nước. Thậm chí đã có gia súc lăn ra chết do uống phải nguồn nước từ con sông này. Lực lượng chức năng xã Tam Lãnh liên tục đẩy đuổi, truy quét nên hiện tình trạng “cát cứ” bờ sông để lập bể chiết tách vàng lắng xuống. Thế nhưng, dư luận địa phương rất lo ngại, đặt câu hỏi liệu dư lượng cyanua ngấm lâu ngày trong lòng đất đã thật sự bị phân hủy và sẽ không gây hại đến sức khỏe người dân (!?). Chúng tôi đã từng thâm nhập thực tế và chứng kiến cách chiết quặng thủ công của người dân dọc 2 bờ sông này tại khu vực giáp ranh giữa xã Tam Lãnh và xã Tiên Lập (H.Tiên Phước). Qua quan sát, dễ thấy cách phân kim vàng thường khá đơn giản. Quặng sau khi được khai thác, phơi khô sẽ được cho vào bể lắng (thường gọi là thòn) tuyển quặng gồm 2 bể chứa, trong đó bể lớn được gọi là bể “mẹ”, bể nhỏ kề bên được gọi là bể “con”. Hai chiếc bể này được thiết kế liền kề nhau, xung quanh đóng bằng ván, bên trong lót bạt chống thấm. Một người dân tại thôn Bồng Miêu (Tam Lãnh) cho hay, bể “mẹ” thường chứa từ 2-4m3 quặng vàng. Tiếp đó, dân làm vàng sẽ cho khoảng 3-4 kg chất độc cyanua vào bể “mẹ” để ngâm cùng với số quặng này. Trong vòng vài ngày, vàng nguyên chất sẽ chảy từ bể “mẹ” sang bể “con” với số vàng có thể thu được ít nhất không dưới 1 chỉ. Sau khi lấy vàng từ bể “con”, cyanua tại bể “mẹ” cứ thể chảy trực tiếp ra sông suối.

Do sông Quế Phương là khu vực giáp ranh giữa 2 xã lại có địa hình phức tạp nên lực lượng công an địa phương rất vất vả trong công tác xử lý. Đã nhiều lần, người dân 2 xã Tiên Lập và Tam Lãnh vào địa bàn của nhau để làm vàng, lập bể tách quặng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng công an xã Tam Lãnh cho hay, hiện dọc bờ sông Quế Phương không còn tình trạng lập bể tách quặng. “Trước đây, lợi dụng là vùng giáp ranh nên rất nhiều người dân xã Tiên Lập sang làm bể để phân kim. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi ra quân đẩy đuổi, phá những bể lắng thì tình trạng này không diễn ra nữa. Chúng tôi xác định phải bảo vệ môi trường nên đã xử lý nghiêm túc sự việc. Không kể người dân trong hay ngoài địa phương, cứ có bể phân kim thì sẽ phá hủy...”, ông Thanh nhấn mạnh.

Được biết, ngoài việc phá các bể chứa quặng, để khử chất độc cyanua, lực lượng chức năng thường dùng muối bỏ vào các bể rồi vùi lấp. Dù vậy, không riêng gì người dân địa phương mà nhiều người ở hạ du sông Quế Phương vẫn rất lo ngại về hàm lượng cyanua tồn dư. Bởi sông Quế Phương là thượng nguồn sông Tiên dẫn ra sông Thu Bồn. Chất độc cyanua từ thượng nguồn có thể sẽ gây hại cho hàng vạn cư dân dùng nguồn nước này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.