Những người khám phá đại dương

09/02/2009 11:51 GMT+7

Khám phá những rạn san hô đủ kích cỡ và hình dáng, những loài sinh vật biển hình thù kỳ quái, những chú cá màu sắc sặc sỡ tung tăng bơi lội... là công việc thường nhật của những chàng trai làm nghề nghiên cứu đại dương của Viện Hải dương học Nha Trang.

Tại Viện Hải dương học Nha Trang, những bạn trẻ như Nguyễn Văn Long, Hoàng Xuân Bền, Phan Kim Hoàng, Hứa Thái Tuyến... luôn “lúc ẩn lúc hiện” vì hiếm khi thấy có mặt ở cơ quan. “Khi ở Côn Đảo, lúc lại Phú Quốc, Nha Trang, cù lao Chàm..., đó là những địa điểm thường xuyên của chúng tôi” - anh Nguyễn Văn Long nói thêm. Mỗi người phụ trách một mảng công việc khác nhau như nghiên cứu địa chất, nguồn lợi thủy sản, môi trường biển... nhưng đều có chung nhiệm vụ: lặn biển.

Tốt nghiệp ngành sinh học của ĐH Đà Lạt, anh Long quyết định chọn công việc nghiên cứu cá sống trong rạn san hô và về công tác tại viện. “Lúc trước tôi cũng có xem sách báo nhưng không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt cũng như cảm nhận thật sự về vẻ đẹp của những đàn cá, rạn san hô đủ màu sắc và kiểu dáng. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ”.

Những chuyến đi biển diễn ra thường xuyên và tùy theo công việc kéo dài vài ngày, một tuần và có khi cả tháng. “Kỷ luật sắt như quân đội” - tiến sĩ Trịnh Thế Hiếu, người đã có 35 năm trong nghề, khẳng định đó là tiêu chí hàng đầu của những người trong nghề vì chỉ một thao tác sai cũng dễ dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng. Bắt đầu một chuyến công tác, những người trong nghề phải lên lịch và kiểm tra tất cả dụng cụ trước khi mang theo phục vụ công việc. Những điểm lặn nghiên cứu thường có độ sâu lớn, có khi đạt đến 35-40m so với mặt nước cùng với những loài vật nguy hiểm như rắn biển, cá chình, cầu gai... là những mối nguy hiểm luôn chực chờ.

Đi công tác thường xuyên nhưng hỏi về công việc, những người trong nghề đều cho biết đó là niềm đam mê thật sự. Và họ được gọi bằng cái tên “những người dẫn đường khám phá đại dương”.

Theo Phi Long / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.