"Hóa thạch sống" thời khủng long

18/08/2011 11:50 GMT+7

(TNO) Một con cá chình vừa được phát hiện trong một hang động nằm sâu dưới biển Thái Bình Dương với những đặc điểm của thời khủng long.

Con cá chình nói trên, được mô tả trong số mới nhất của chuyên san Proceedings of the Royal Society B, được các nhà khoa học đề cập đến như một “hóa thạch sống”. Đây là những loài động vật lâu đời với cực ít thay đổi về hình dạng trong nhiều thiên niên kỷ.

Trong trường hợp này, con cá chình bí ẩn có tên gọi Protoanguilla palau đại diện cho một họ, giống và loài mới có niên đại cách đây khoảng 200 triệu năm.

“Con cá trông thật kỳ dị, với đầu to và thân tương đối ngắn cùng nhiều đặc điểm bên trong độc đáo khác, đến mức không chuyên gia ngư học nào, kể cả chúng tôi, có thể xác định chính xác đó là một con cá chình thực sự khi nhìn thấy nó lần đầu tiên”, ông Masaki Miya, Phó giáo sư tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thuộc Đại học Chiba (Nhật Bản) và là đồng tác giả nghiên cứu, nói với trang tin Discovery.


Cá chình Protoanguilla palau - Ảnh: Discovery

Cộng sự của ông, thợ lặn Jiro Sakaue thuộc Phòng thí nghiệm sinh vật biển phía nam ở Cộng hòa Palau, tìm thấy con cá trên ở độ sâu 35m dưới bề mặt Thái Bình Dương, trong một hang động tại bãi đá ngầm của đảo Ngemelis của nước Cộng hòa Palau.

Dù chỉ dài 4,3cm, thân màu nâu đỏ của con cá chình trông thật nổi bật, đặc biệt là những cái vây óng ánh có đường viền sáng trắng của nó.

Cả quá trình phân tích hình thái học và phân tử đều xếp Protoanguilla palau vào dòng chị em độc lập với các con cá chình khác. Có hơn 800 loài cá chình thực sự được xếp thành 19 họ. Con cá chình cổ nhất thế giới có niên đại cách đây 100 triệu năm, và loài cá chình mới vừa được phát hiện có những đặc điểm còn cổ xưa hơn thế nữa.

“Những đặc điểm đó được cho là cổ xưa ngang với hóa thạch đại diện cho Kỷ nguyên Khủng long”, ông Miya cho biết.

Chuyên gia David Johnson thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Smithsonian ở Washington (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích những đặc điểm cổ xưa này bao gồm ít xương sống hơn, xương sọ được gắn kết ở mức độ nhất định, sự hiện diện của một hàm dưới được tìm thấy ở cá chình thuộc kỷ Bạch phấn và những lược mang có răng dùng để kìm giữ thức ăn.

Đồng tác giả nghiên cứu Hitoshi Ida cho hay, hang động nơi Protoanguilla palau được tìm thấy thuộc loại “cực trẻ”, hình thành cách đây khoảng 10.000 - 110.000 năm.

“Tôi nghĩ cái chúng tôi nhìn thấy là một tàn tích của môi trường sống của loài cá này”, ông Ida nói.

Loài cá chình nói trên có thể hiện diện ở những môi trường sống hải dương xa xôi khác, nhưng cho đến nay, hang động ở Palau là “ngôi nhà” được biết đến duy nhất của chúng.

Quyên Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.