Đổ xô khai thác tài nguyên trên vũ trụ

27/01/2013 09:52 GMT+7

Hàng loạt công ty Mỹ vừa công bố kế hoạch đưa tàu vũ trụ tới các tiểu hành tinh bay gần Trái đất để khai thác nguồn khoáng sản quý hiếm trong vũ trụ.

Theo báo Guardian, ngày 22-1 Công ty Mỹ Deep Space Industries (DSI) tuyên bố sẽ khai thác nguyên liệu thô trên các tiểu hành tinh, chế biến ngay trên không gian để cung cấp nhiên liệu cho các vệ tinh hoặc đem về Trái đất để kinh doanh. DSI cho biết ngoài việc bán số mẫu nguyên liệu này, công ty cũng sẽ dùng chúng để chiết xuất kim loại, chất liệu giá trị cao để phát triển công nghệ năng lượng như pin mặt trời và sản xuất vệ tinh truyền thông.

 Đồ họa mô phỏng hoạt động thu thập khoáng sản trên tiểu hành tinh của tàu Dragonfly - Ảnh: Los Angeles Times
Đồ họa mô phỏng hoạt động thu thập khoáng sản trên tiểu hành tinh của tàu Dragonfly - Ảnh: Los Angeles Times

Chủ tịch DSI Rick Tumlinson khẳng định tài nguyên từ các tiểu hành tinh gần Trái đất đủ cho việc “mở rộng nền văn minh của Trái đất ra vũ trụ vô tận”. “Kế hoạch của DSI là một cuộc cách mạng của ngành hàng không vũ trụ” - ông Tumlinson nhấn mạnh.

Ngành công nghiệp nghìn tỉ

Năm ngoái, Hãng Planetary Resources do các nhân vật tiếng tăm như hai ông chủ Google Larry Page và Eric Schmidt, đạo diễn James Cameron... cũng bắt đầu đánh giá tiềm năng thương mại của các tiểu hành tinh. Tập đoàn công nghệ Mỹ Astrobotic Technology cũng đang xem xét dự án khai thác tài nguyên trên Mặt trăng. Kế hoạch của DSI là phóng tàu vũ trụ nhỏ Firefly (Đom đóm) bằng tên lửa phóng vệ tinh lên một tiểu hành tinh vào năm 2015, thực hiện cuộc thăm dò trong sáu tháng.

 

Nguồn tài nguyên dồi dào

Giám đốc điều hành DSI David Gump cho biết cứ mỗi năm giới khoa học lại phát hiện thêm 1.000 tiểu hành tinh bay gần Trái đất. Hầu hết tiểu hành tinh có chứa nước, các loại khí gas có thể chuyển đổi thành năng lượng như mêtan. Nhiều tiểu hành tinh chứa các kim loại quý như nickel, vàng, bạch kim, sắt...

Đến năm 2016, DSI sẽ đưa tàu Dragonfly (Chuồn chuồn) lên vũ trụ, chở về 23-45kg nguyên liệu từ các vệ tinh có tiềm năng cao được lựa chọn. Sứ mệnh này có thể mất 2-3 năm. DSI đặt tham vọng xây dựng một nhà máy trên không gian để tiếp nhận nguyên liệu, xử lý thành các hợp chất hoặc chất liệu có thể sử dụng được, và sử dụng máy in ba chiều để sản xuất phụ kiện. Chi phí cho dự án đầu tiên khoảng 20 triệu USD. DSI sẽ huy động kinh phí từ Chính phủ Mỹ, các viện nghiên cứu, các nhà quảng cáo, tài trợ...

Theo tạp chí Time, nhiều nhà đầu tư Phố Wall và châu u đang muốn đặt cược vào dự án của DSI trong thời điểm tài nguyên trên Trái đất ngày một khan hiếm. Giới quan sát dự báo hoạt động khai thác vàng và bạch kim trên các tiểu hành tinh ngoài không gian sẽ trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỉ USD trong những thập kỷ tới.

DSI cũng đang chờ được cấp bằng sáng chế loại máy in ba chiều Microgravity Foundry (Máy đúc vi trọng lực), sử dụng tia laser để chế tạo chính xác các hình mẫu từ nickel trong môi trường không trọng lực. Công ty này đặt mục tiêu bắt đầu bán tài nguyên vũ trụ từ năm 2019 hoặc 2020.

Khả thi nhưng không dễ

Theo các chuyên gia NASA, việc phóng tàu vũ trụ lên 1.700 tiểu hành tinh bay gần Trái đất là dễ hơn rất nhiều so với bay lên Mặt trăng. Tuy nhiên, một số nhà khoa học vũ trụ cảnh báo hoạt động khai thác tài nguyên trên không gian dù khả thi nhưng sẽ khó trở thành một ngành thương mại ít nhất sau vài thập kỷ nữa. Nguyên nhân bởi chi phí phóng tàu vũ trụ hiện tại vẫn đang quá đắt và tài nguyên trên đất chưa cạn kiệt hoàn toàn.

Tạp chí Time cho biết theo báo cáo của Viện Nghiên cứu không gian Keck, hiện tại để khai thác 500 tấn thiên thạch cần đầu tư tới 2,5 tỉ USD. Theo tính toán của Hãng tài chính Barclays và báo Financial Times, để hoạt động khai thác trên vũ trụ có lãi thì một ounce vàng phải được giao dịch với giá tới 518 triệu USD thay vì 1.700 USD như hiện nay.

Chuyên gia Fred Taylor thuộc ĐH Oxford (Anh) cho rằng việc phóng các vệ tinh giá rẻ để thăm dò các tiểu hành tinh gần Trái đất có thể khả thi vào năm 2015 nhưng còn rất nhiều điều cần phải làm trước đó. Ngoài ra, vấn đề pháp lý trong khai thác tài nguyên cũng là điều cần bàn. Bởi Hiệp ước thượng tầng không gian, gồm 100 thành viên trên toàn cầu, nghiêm cấm các nước coi những vật thể ngoài không gian như Mặt trăng và các tiểu hành tinh là một lãnh thổ có chủ quyền.

Tranh cãi về việc có nên cho phép các công ty tư nhân lách hiệp ước này hay không đang bùng lên. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng kế hoạch của DSI có triển vọng lớn, đặc biệt là dự án xây dựng trạm không gian có thể tự cung cấp năng lượng.

Theo Trần Phương \ Tuổi Trẻ

>> Kéo tiểu hành tinh đến mặt trăng
>> Tiểu hành tinh khổng lồ sẽ “tha” Trái đất
>> Cận cảnh tiểu hành tinh Toutatis
>> Tiểu hành tinh mang tên trường học
>> Chụp cận cảnh tiểu hành tinh gần Trái đất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.