Chế tạo tàu chống cướp biển

07/02/2012 09:03 GMT+7

Mục đích của hệ thống (đang được phát triển ở Pháp) là khiến cho cướp biển gặp khó trong việc tiếp cận và xông lên tàu.

Mục đích của hệ thống (đang được phát triển ở Pháp) là khiến cho cướp biển gặp khó trong việc tiếp cận và xông lên tàu.

Biện pháp chống cướp biển chính đang được triển khai trên các con tàu vẫn là vòi rồng, bên cạnh lực lượng bảo vệ vũ trang. Dù vậy, các con tàu trong tương lai có thể được trang bị thêm nhiều tính năng hiện đại để đối phó cướp biển, như ánh sáng, vòi rồng và tiếng nổ nhờ vào một dự án đang được tiến hành ở Pháp.

 
Sử dụng vòi rồng đang là biện pháp chống cướp biển chính hiện nay - Ảnh: Mirror

Dự án này vừa được giới thiệu tại một diễn đàn về an ninh hàng hải, gọi là marisk, diễn ra ở thành phố Nantes (Pháp). Một loạt bẫy và cơ chế phòng vệ tối tân nhưng không gây chết người dự kiến sẽ được lắp đặt trên tàu huấn luyện quân sự Partisan trong một dự án trị giá 12 triệu euro do Cơ quan Quản lý năng lượng và môi trường Pháp (ADEME) tiến hành.

Trước hết, hệ thống radar và camera hồng ngoại trên tàu Partisan  dùng để phát hiện sự xuất hiện của hải tặc, từ đó cho phép thủy thủ đoàn báo động nhà chức trách với hy vọng được tàu chiến gần đó giải cứu.  Nếu cướp biển tiến lại gần hơn, chúng sẽ phải hứng chịu những tiếng nổ gây chói tai, nhức óc hoặc những luồng sáng gây lóa mắt.

Trong trường hợp cướp biển vẫn không chịu bỏ cuộc, những vòi rồng mạnh mẽ được điều khiển từ xa tiếp tục phun nước về phía họ trong lúc thủy thủ đoàn vào ẩn nấp bên trong một khoang bí mật. Tại đó, họ có thể dùng camera để giám sát bọn cướp biển và tiếp tục lái tàu. Ngay cả khi lên được tàu, bọn cướp biển sẽ phải đối mặt với các bình xịt hơi cay. Khi đó, các hành lang con tàu sẽ chìm trong bóng tối và tràn ngập hơi cay, khiến bọn cướp biển mất phương hướng.

Hệ thống phòng vệ nói trên sẽ được lắp đặt và thử nghiệm trên tàu Partisan trong năm nay với mục tiêu đưa chúng ra thị trường từ năm 2014.  Eric Prang, đại diện Công ty Sagem có tham gia dự án, cho hãng tin AFP biết: “Mục đích của hệ thống là khiến cho cướp biển gặp khó trong việc tiếp cận và xông lên tàu”.

Nhờ an ninh được tăng cường,  số vụ tấn công cướp biển giảm nhẹ trong năm 2011, lần sụt giảm đầu tiên trong 5 năm qua. Tuy vậy, theo Cục Hàng hải Quốc tế, nỗi lo về tình hình cướp biển ở ngoài khơi Somalia đang tăng. Theo thống kê, đã có 439 vụ cướp biển được ghi nhận trên thế giới trong năm ngoái với 802 thành viên thủy thủ đoàn bị bắt làm con tin và 8 người bị sát hại.  Trong số này, cướp biển đã bắt giữ 45 tàu, xông lên 176 tàu và bắn 113 tàu.  Với những số liệu nhức nhối nói trên, dự án của Pháp nhiều khả năng sẽ được các công ty tàu biển quan tâm sát sao.

Khó chống hải tặc chuyên nghiệp

Dù vậy, một quan chức phụ trách an ninh tại một công ty tàu biển lớn tham gia marisk cho rằng những biện pháp trên sẽ chỉ hữu dụng đối với những tên cướp biển nghiệp dư. Quan chức giấu tên này nhận định: “Những băng cướp biển thật sự liều lĩnh và chuyên nghiệp, như những băng ở ngoài khơi Somalia hiện nay, sẽ không dễ dàng bị hơi cay hoặc vòi rồng đánh gục.

Tôi đã từng dùng thử vòi rồng. Biện pháp này chỉ khiến bọn cướp biển bị mất phương hướng đôi chút nhưng rồi bọn chúng cũng lên được con tàu. Trong thực tế, ngoài lực lượng bảo vệ được vũ trang, giải pháp khả thi còn lại là tốc độ. Không thể leo lên một chiếc tàu đang chạy ở tốc độ từ 33-37 km/giờ. Đó là lý do tại sao những tàu container lớn, vốn có thể đi ở tốc độ này, không bị cướp ở Ấn Độ Dương”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.