Khi vợ bãi công

17/08/2015 09:00 GMT+7

(TNTS) - Bố anh lại kiếm chuyện kìa, anh về mà lo. Em không phải ô sin nhà này!

(TNTS) - Bố anh lại kiếm chuyện kìa, anh về mà lo. Em không phải ô sin nhà này!

Khi vợ bãi côngMinh họa: Văn Nguyễn
Trước câu thông báo đầy khó chịu của vợ, anh Hòa lẳng lặng thu xếp công việc, chạy vội về nhà. Anh không dám mở lời nhờ vợ chăm sóc bố giùm như trước nữa. Ừ thì tất cả cũng do tính mình trước đây vốn vô tâm, ít khi để ý đến tiểu tiết mà ra đây mà. Ví dụ như ăn cơm xong, anh hầu như chẳng nhớ mình đã được vợ nấu cho xơi món gì, ngon dở ra sao. Quần áo đồ dùng vợ mua gì anh xài nấy, chẳng mấy khi ý kiến ý ve bao giờ. Cả nhà đi chơi, vợ tự lên kế hoạch, chuẩn bị đồ đạc, tiền nong, tất cả. Mà vợ anh tháo vát nhanh nhẹn quá, làm gì cũng gọn bâng nên chồng cũng ỷ lại: có vợ “bao sân” hết rồi!
Riết rồi vợ anh mệt mỏi xen lẫn chán ngán thất vọng thì phải. Thay vì chia sẻ suy nghĩ, chủ động phân công lại mọi thứ trong nhà, cô ấy chìm vào bất mãn. Có chồng để làm gì, để được gì cơ chứ! Không ít lần, khi vợ chồng nói qua nói lại, vợ anh thốt lên câu đó trong chua xót. Rồi sau đó vợ anh thay đổi thái độ một cách đầy cực đoan, từ lo lắng trong ngoài, xoạch một cái, trở thành buông tay, mặc kệ mọi thứ. Con cái đợi anh Hòa dỗ ngủ, ôn bài. Cơm nước vợ anh cũng chỉ quấy quá lấy có. Nhà còn có bố anh Hòa ở chung, ông cụ già nên kén ăn, hay phàn nàn thứ này thứ nọ. Hồi xưa vợ cũng chu đáo chịu “hầu” bố chồng, nay mỗi lần ông không hợp tác, là vợ anh ngay lập tức gọi điện cho chồng, lời lẽ nặng nề gay gắt...
Từng có lúc anh Hòa nghĩ rằng, cuộc sống tất bật quá, mà mình còn nhiều thứ phải lo toan kiếm tiền, đâu thể loay hoay với những vụn vặt trong nhà được. Đàn bà, chăm chút cho chồng con là lẽ đương nhiên. Nên anh vô tình khoán trắng mọi thứ cho vợ. Khi nhận ra mình dở, sai lầm thì đã có phần muộn màng...
Tuần trước anh bị trễ chuyến công tác quan trọng. Ngồi thẫn thờ sau cuộc điện thoại quát ầm lên của sếp, lại nhìn vợ và hai con đang thản nhiên ăn sáng, anh giận run người nhưng không thể nói gì hơn. Bởi biết “gây sự” thì cũng chỉ ồn ào nhà cửa, anh càng chẳng thể nào nói lại cái lý lẽ của vợ được. Vợ anh sẽ lặp lại phản ứng quen thuộc, là tại sao đàn bà lại phải lo cho đàn ông, mà không ngược lại? Vợ cũng đi làm, đóng góp một phần tương đương vào chi dùng trong nhà, hà cớ gì phải tất bật về đón con, đâm đầu vào bếp, lo toan thêm vô số việc nhà khác nữa? Tại sao khi vợ đi công tác thì có thể tự soạn đồ cho mình còn anh thì không? Tại sao thế này, tại sao thế nọ? Bình đẳng ở đâu?
“Mặc kệ nó” là phương châm của vợ anh dạo sau này. Cô ấy tuyên bố, đã mệt mỏi vì ôm đồm, cầu toàn lắm rồi. Không thể suốt đời chạy theo để lo cho chồng và con, những kẻ ỷ lại, vô ý thức được. Càng chẳng muốn mình cứ sống mãi trong cảnh “chồng chúa vợ tôi” như bao lâu nay nữa...
Thật ra, anh Hòa cũng biết mình có lỗi khi để tình hình ra nông nỗi. Bản thân anh vốn đã ít kỹ năng sống lại còn không chịu học hỏi, đỡ đần vợ con ngay từ đầu. Anh cũng không dám giữ quan điểm “phong kiến” là, lấy vợ để được vợ lo cho nữa. Giờ thì những nỗ lực nín nhịn đầy thiện chí của anh chỉ nhằm hy vọng, cô ấy có thể dành cho gia đình, chồng con một chút quan tâm của ngày trước, là anh mừng lắm rồi. Chứ cứ thế này hoài, giống như vợ anh trở thành người phụ nữ rạch ròi, sòng phẳng đến lạnh lùng, mấp mé chuyện đạp đổ mái ấm gia đình, chứ đâu phải là cách hay để xây dựng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.