Khi người ta bế cảm xúc

25/01/2013 10:56 GMT+7

Có nhiều người đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của việc sống thật với cảm xúc của mình, dẫn đến stress, cô đơn...

Trong khi mọi người phải vật lộn với dàn kèn trống đám ma của nhà cô Ba rền rĩ suốt ngày nơi đầu ngõ, cu Minh lạnh lùng bảo với mẹ: "Khóc một đêm nữa là ngày mai mất xác rồi".

"Sao cũng được"!

Ít cười, ít nói và ít phản ứng về mặt cảm xúc là hàng loạt biểu hiện sau đó xuất hiện ở Minh. Mẹ cậu tâm sự: "Chẳng thấy cháu vui khi có điểm tốt, chẳng thấy cháu buồn khi tụt hạng. Ngay cả khi về quê cùng cha mẹ thì cháu cũng trơ trơ. Cháu nói: Con thấy bình thường".

Thiếu sự quan tâm, thiếu sự thấu cảm và thiếu hẳn những phút giây nhân ái với những người xung quanh là thực tế đang tồn tại ở không ít trẻ em tại thành thị. Biểu hiện thì muôn vàn: từ việc không quan tâm đến những người sống quanh mình, không quan tâm đến cảm xúc hay những tình huống xảy ra cùng làng xóm, khư khư với những cảm giác và cảm xúc của chính mình, chẳng cần chia sẻ đã trở thành những phản ứng mang tính thường trực... Ngay trong cuộc sống, nhiều bạn trẻ và kể cả không ít người có tuổi cứ giữ một kiểu biểu lộ cảm xúc khó tả hoặc một kiểu cảm xúc "câng câng" theo hướng sao cũng được!

Khi người ta bế cảm xúc
Cười là một cách thể hiện cảm xúc rất tốt cho sức khỏe - Ảnh: T.T.D

Không những thế, theo kết quả được Hãng khảo sát quốc tế Gallup công bố cuối tháng 11-2012, chỉ có 40% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ trải qua nhiều cảm xúc trong một ngày. Ðể có kết quả trên, Gallup tiến hành khảo sát ở 150 quốc gia bằng cách hỏi người dân ở những nơi đó có trải qua năm cảm xúc tích cực và năm cảm xúc tiêu cực ngày hôm trước hay không.

 

"Thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên nhưng có kiểm soát là cách thức cho mình cuộc sống cân bằng hơn, thoải mái hơn"

Các cảm xúc tích cực bao gồm được nghỉ ngơi đầy đủ, được tôn trọng, được hưởng thụ, cười nhiều, biết hoặc làm một điều gì đó thú vị. Các cảm xúc tiêu cực gồm giận dữ, căng thẳng, buồn phiền, đau đớn về thể chất và lo lắng. Với tỉ lệ trên, Việt Nam xếp thứ 13 trong số những nước ít cảm xúc nhất, sau các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Madagascar, Belarus, Nepal...

Hai mặt

Chính việc không biết cách thể hiện cảm xúc hay sự quan tâm, yêu thương đúng mực khiến cha mẹ, nhất là người thân đến tuổi xế chiều cảm thấy trống trải, cô đơn... Từ đó, không ít mâu thuẫn giữa các thế hệ nảy sinh do sợi dây cảm xúc không được kết nối bằng những lời nói và hành động cụ thể. Nhưng hậu quả trầm trọng nhất với chính người buồn vui không bày tỏ là sự nghèo nàn về đời sống tinh thần, sự lạnh lùng trong cách thể hiện, sự nhạt nhòa trong tương tác và dần dẫn đến sự ích kỷ trong suy nghĩ cũng như thái độ vì chứng bế cảm xúc tự thân...

Thực tế có những người con dù rất yêu thương ba mẹ nhưng không biết cách nào bày tỏ. Ở họ, việc tâm tình và nói với ba mẹ những lời yêu thương như "Con yêu ba mẹ", "Con nhớ ba mẹ" dường như là một điều gì đó rất ngại ngùng. Ðiều này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên một nguyên nhân có thể nhìn nhận đơn giản nhất là bởi họ không có thói quen.

Vì sao không có thói quen? Bởi khi còn nhỏ, trong sự quan sát và cảm nhận, trẻ không nhận thấy được cách thức thể hiện yêu thương từ ba mẹ mình đối với ông bà, khuôn mẫu này ghi dấu trong tâm hồn trẻ và vô tình trở thành một "khuôn mẫu", "nếp văn hóa". Xã hội phương Tây, con cái lớn lên vẫn rất dào dạt trao cho ba mẹ những cái ôm, nụ hôn và lời yêu thương. Nhưng với người Việt Nam, những hành động ấy dường như rất ngại ngùng dù có lúc họ rất muốn mình sẽ hành động như thế.

Những nghiên cứu về tâm lý cũng cho thấy sự mệt mỏi về thể chất sẽ diễn ra đối với những người bế cảm xúc. Khi cảm xúc không được chủ thể nhận thức và thể hiện thì ẩn chứa bên trong ấy sự rối bời không hạn định, là sự lo lắng không rõ lý do và hơn hết là sự lạnh lẽo trong một thái độ thiếu thiện cảm.

Sống khỏe hơn, nếu...

Cảm xúc có liên hệ mật thiết với sự hưng phấn của các nơron thần kinh. Bên cạnh đó, cảm xúc có ảnh hưởng đến hệ cơ quan và toàn bộ cơ thể. Khi những cảm xúc tích cực xuất hiện sẽ có tác dụng thúc đẩy cuộc sống, hoạt động của cá nhân, ngược lại những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến các cơ quan và các tổ chức mô có thể làm giảm sức làm việc của con người. Chưa kể cảm xúc ảnh hưởng đến nhận thức và hoạt động trí tuệ. Khi buồn rầu, đau khổ, chúng ta tiếp nhận thông tin hay lĩnh hội tri thức kém hơn, suy nghĩ trở nên nông cạn, phản ứng trí tuệ trở nên chậm chạp...

Bạn có biết khi con người cười, đó chính là cách vận động cơ mặt hay tập thể dục cho khuôn mặt một cách thú vị. Nụ cười còn có giá trị "đánh lừa" não bộ làm con người tự tin lên hẳn, vượt qua những áp lực và nỗi sợ như: sợ đám đông, sợ nói chuyện trước công chúng hay sợ khi bị chất vấn. Nụ cười còn tạo ra những hưng phấn nền tảng giúp hai phía thật sự thiện cảm với nhau trong tương tác...

Những cảm xúc nếu được bộc lộ sẽ làm chúng ta thoát khỏi những cảm xúc dồn ép (mà đó là những vết sâu của trầm cảm hay stress). Khi giải thoát những cảm xúc của mình, chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn và thanh thản hơn vì đã "quăng đi những túi rác" trong lòng.

Sống khỏe là quá trình đảm bảo hài hòa giữa cuộc sống thể chất và tinh thần. Sẽ khập khiễng nếu chỉ hướng về dinh dưỡng hay vận động mà quên đi những cung bậc của cảm xúc đang réo gọi và chi phối chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn / Tuổi Trẻ

>> Làm báo theo kiểu cảm xúc
>> NSƯT Quỳnh Liên: Sáng tạo phải xuất phát từ cảm xúc chân thật
>> Bộc lộ cảm xúc giúp sống thọ hơn
>> Ngày thứ hai cảm xúc
>> Người Singapore ít biểu lộ cảm xúc nhất?
>> Cảm xúc sau mỗi mùa thi ĐH
>> Xúc động với Cảm xúc Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.