Khai thác mà ít đầu tư

03/05/2012 10:38 GMT+7

Có một điều không thể chối cãi là với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, ĐBSCL đã góp công lớn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, thủy sản lớn nhất thế giới, với giá trị và khối lượng ngày càng tăng.

Theo lẽ thông thường, muốn khai thác hiệu quả thì cần phải đầu tư tương xứng, nhưng đối với ĐBSCL thì ngược lại. Giáo sư (GS) Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết tổng vốn đầu tư xã hội cho nông nghiệp nông thôn (NNNT) “giảm dần suốt 20 năm qua”. Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, đầu tư xã hội cho nông nghiệp chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đến giai đoạn 2001-2005 còn 8,3% và giai đoạn 2006-2010 chỉ còn 6,4%. Theo GS Ngân “như thế là không phù hợp”.

Không chỉ vốn của Nhà nước đầu tư ngày càng thấp, mà các nguồn vốn từ xã hội hóa khác cũng giảm mạnh. Có thể kể đến như lĩnh vực thu hút vốn FDI cho nông nghiệp cũng đi xuống trong những năm gần đây. Theo kết quả thống kê, năm 2001 vốn FDI cho nông nghiệp đạt 8% trong tổng cơ cấu của cả nước; đến năm 2011, con số này chỉ còn 1%. Có một thực tế khác đáng buồn hơn là số vốn đăng ký đã không cao (4,3 tỉ USD từ 1990 – 2010), mà vốn thực tế được triển khai thực hiện còn thấp hơn nhiều.

Một nguồn vốn khác có thể kể đến là vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế nông dân rất khó tiếp cận hoặc có thể vay đủ vốn để phục vụ cho sản xuất. Theo TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nguồn vốn tín dụng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của nông dân. Đó là lý do làm cho NNNT vùng ĐBSCL không thể phát triển nhanh và tăng giá trị gia tăng được.

GS Trần Hoàng Ngân cho rằng để nâng cao giá trị nông nghiệp thì cần phải làm rất nhiều việc. Tuy nhiên, nếu Chính phủ có gói hỗ trợ cho nền kinh tế thì hãy dành cho NNNT ngay bây giờ.  

Bảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.