Hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc

10/09/2009 17:55 GMT+7

* Do bất đồng, vợ chồng tôi đã thỏa thuận phân chia tài sản chung (được lập thành văn bản, có công chứng). Hiện nay sức khỏe tôi yếu kém, nên muốn di chúc phần tài sản riêng của tôi cho đứa con trai (1 cháu duy nhất, cha mẹ của tôi cũng đã chết).

Tuy nhiên, tôi nghe một số người nói rằng nếu lập di chúc để lại tài sản cho con thì con tôi cũng không được hưởng trọn, mà người cha cũng sẽ được hưởng, vì chồng là thừa kế “bắt buộc” (!?). Tôi không biết điều đó có đúng không? (H.Y, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

- Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản hoặc là người không có quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật:

1- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.

Theo đó, trường hợp trên chồng chị sẽ là người hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (còn gọi là hưởng thừa kế bắt buộc), nếu tại thời điểm chị qua đời, anh chị vẫn còn quan hệ hôn nhân hợp pháp, cho dù hai người đã thỏa thuận phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Ví dụ tài sản riêng của chị là căn nhà trị giá 60 lượng vàng, chị di chúc toàn bộ căn nhà này cho người con, tuy nhiên căn cứ quy định trên, khi chị qua đời thì con chị chỉ được hưởng 40 lượng, chồng chị được hưởng 20 lượng. Bởi vì nếu chia theo pháp luật (thừa kế hàng thứ nhất chỉ có 2 người) thì mỗi người được 30 lượng, mức hưởng thừa kế không phụ thuộc di chúc của chồng là 2/3 của 1 suất, tức 20 lượng, vậy người con chỉ còn 40 lượng.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.