Hú vía vì... trâu ngoại

15/09/2011 10:05 GMT+7

Ba năm trước, 24 hộ Khmer nghèo ở H. Vĩnh Thuận (Kiên Giang) mỗi hộ được nhà nước hỗ trợ 1 con trâu giống về nuôi để thoát nghèo. Tuy nhiên, sau khi nhận trâu về, nhiều người phải dở khóc dở cười vì… “bất đồng ngôn ngữ”!

Anh Trương Văn Cảnh (ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông, H.Vĩnh Thuận), kể lúc mới nhận trâu, thấy nó dễ dẫn (nhẹ mũi), cả nhà ai cũng vui mừng. Nhưng chỉ mấy ngày sau, khi anh dẫn con trâu ra đồng ăn cỏ thì nó không nghe lời, cứ bám riết đám cỏ non trên bờ vuông tôm nhà hàng xóm. Sợ bị bắt đền vì trâu đi lở bờ vuông tôm, nên anh Cảnh liền nạt lớn: “Đi, đi, đi…”!. Bị chủ nạt, nó ngước đầu lên nhìn chằm chằm một hồi rồi…bất ngờ bỏ chạy! Vừa sợ mất trâu, vừa sợ nó chạy vào vuông tôm người ta nên anh Cảnh phải gắng sức cầm dây thừng rượt theo cả 10 cây số mới bắt được nó.

Còn anh Danh Hải (ở cùng ấp) lúc nhận con trâu cái mập ú về đã long trọng làm lễ “rước trâu” với mâm cơm, chén rượu và xem trâu như là “cứu tinh” giúp gia đình thoát cảnh nghèo khó. Thế nhưng, mới sáng sớm hôm sau, khi vừa được anh dẫn ra khỏi nhà, con trâu đã ùm xuống vuông tôm hàng xóm rồi “trầm” luôn ở đó, không chịu lên.  Anh Hải vừa cầm dây mũi kéo vừa nạt: “Đi…đi…đi”!. Nghe anh nạt, con trâu ngơ ngác một thoáng rồi…cong đuôi phóng bạt mạng gần chục cây số, khiến anh Hải đuổi theo muốn đứt hơi. Hú vía! 

Trường hợp của anh Danh Mực (cùng xóm với anh Hải) còn “nhừ tử” hơn nhiều. Sau khi nhận trâu về nuôi được gần tháng, thấy những người hàng xóm dắt trâu đi kéo lúa, cày bừa nên anh cũng chạy lo “sắm đồ nghề” để dắt trâu đi làm thuê, kiếm thêm thu nhập. “Sau khi mang ách vào cổ, con trâu vẫn đi bình thường. Nhưng đến khi quẹo trái, qua phải, tôi hô “phá, dí… phá, dí… phá, dí” như cách mà người dân địa phương vẫn thường dùng, thì con trâu bỗng… kéo cả ách và bừa lao một mạch qua mấy cánh đồng,  đến khi mệt nhừ nó mới chịu dừng lại”: anh Mực nói.

Do gặp quá nhiều “sự cố” nên mấy hộ nhận trâu phải ngồi lại họp bàn nhằm tìm   nguyên nhân vì sao trâu có những phản ứng “manh động” như vậy. Người cho rằng do trâu lạ chủ; người khác thì bảo trâu nhát do lạ đồng; kẻ nói do trâu nhẹ mũi quá nên khi kéo dây thừng mạnh thì nó bị đau, bỏ chạy…Tuy nhiên, những ý kiến đưa ra đều chưa thuyết phục, bởi khi đi cày bừa nếu người dẫn mũi không la hét, quát nạt thì trâu đi “ngon lành”. Dẫn đi ăn cũng vậy, nếu chủ đừng la lớn thì sẽ không có “sự cố” nào xảy ra. Cuối cùng, mọi người mới “ngộ” ra rằng do những con trâu này được cán bộ huyện mua ở khu vực giáp với biên giới về phát cho bà con, nên rất có khả năng nó là…trâu ngoại, tức trâu nuôi từ Campuchia nhập về! Sau đó, họ thử dùng tiếng Khmer để điều khiển thì trâu liền răm rắp nghe theo. Và chuyện “bất đồng ngôn ngữ” đã được xử lý triệt để!

Bây giờ, khi về những “xóm trâu” ở các xã Tân Thuận, Vĩnh Thạnh và xã Phong Đông (H. Vĩnh Thuận), nếu gặp “trâu ngoại” áng giữa đường thì phải dùng từ “ngoại” để điều khiển nó, tránh dùng tiếng “nội” mà dẫn tới “sự cố”. Theo đó, muốn bảo trân “đi” thì phải hô: “tâu… tâu… tâu…”; muốn nó qua phải (dí) thì: “chôl… chôl… chôl…”; qua trái (phá) là “chal… chal… chal…”. Còn muốn không cho trâu “trầm” dưới vuông tôm thì phải kêu: “lêl.. lêl… lêl…” (lên).

Hồng Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.