"Hoa biên phòng" của lính

03/02/2008 14:34 GMT+7

(TNO) Với báo bạn Hà Giang và bộ đội biên phòng tỉnh, Đặng Thị Phương Hoa luôn được biết đến là “nhà báo của những người lính”. Bước chân chị đã đặt lên hầu khắp các đồn, tổ, trạm biên phòng trấn thủ dọc biên giới Hà Giang.

Những mùa xuân không thể ở nhà

Mùa xuân năm 1992, nữ PV Phương Hoa 28 tuổi. Với chiếc xe đạp, một túi quần áo cùng sổ tay, bút máy (hồi đó chưa có máy chụp hình), Hoa một mình đạp xe 20 km lên với đồn biên phòng Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên để thực hiện một lời hứa trước đó vài ngày: “Tết này em sẽ lên với các anh, xem bộ đội biên phòng ăn Tết như thế nào?”.

Đồn hồi đó còn ở nhà tạm, điện nước không có, nước sinh hoạt phải gánh từ dưới suối lên. Thấy cô nhà báo trẻ đạp xe lên thăm, bộ đội và bà con dân tộc mừng lắm. Bộ đội mang bánh chưng, thịt gà ra dọn tiệc đón xuân; bà con dân tộc thì góp vô nhiều chai rượu. Quân, dân, nhà báo ngồi cùng ngồi một mâm, tình cảm dạt dào.

Chiều mồng 3 Tết ấy, về đến cơ quan rồi nhưng vẫn thương bộ đội khổ cực, thiếu thốn tình cảm, Hoa lại đạp xe lên thăm. Đó là mùa xuân đầu tiên chị đón Tết với bộ đội biên phòng Hà Giang. Trước đó, tỉnh Hà Tuyên chưa tách (thành Hà Giang và Tuyên Quang - PV), chị cũng đã nhiều lần bỏ nhà lên ăn Tết với bộ đội biên phòng.

Mùa xuân năm 1996, cô phóng viên chưa chồng lại lên ăn Tết với bộ đội biên phòng Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì. “Giờ nghĩ lại mới thấy tủi” - Hoa kể: Nhớ năm đó không có ngày 30, từ 28 Tết cơ quan đã bắt đầu sắm đồ về quê đón Tết ở dưới xuôi. Mình thì không về nhà, xin vô Hoàng Su Phì. Mọi người phát hoảng lên, gàn: “Mày điên à, đi làm gì, có vấn đề gì về quan hệ tình cảm trên đó hả”. Tổng biên tập không nói gì. Chỉ huy biên phòng tỉnh thì động viên: “Đi xem bộ đội ăn Tết thế nào, có cảm xúc gì thì sáng tác luôn”. Hoa thấy xao xuyến: “Trước đó, bộ đội đã biết mình rồi, nên họ đã mời mình vào chơi với họ, không vào thì áy náy”. Thế là quyết đi. Sáng bắt xe đò, đi 40 km thì hết tuyến. Phải bắt tiếp xe tải, xin đi nhờ 60 km đường đèo núi, rét mướt nữa mới vô huyện. Đêm đó, Hoa ngủ ở huyện một mình, lúc này mới tủi thân muốn khóc...

“Hoa biên phòng” của lính   

Đồn Bản Máy cử anh binh nhì trẻ tuổi đi bộ... 48 km ra huyện để đón Hoa vô ăn Tết. Đường lên đồn xe ô tô không đi nổi bởi những cái dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo với những cái tên nghe hết hồn: dốc Mẹ Ơi, dốc Suối Đỏ, dốc Hết Xăng, dốc Đại Úy... Quà Hoa mang vô có can giấm chua, túi sách báo cũ, ít bánh mứt kẹo. Thương nhà báo cực khổ, anh binh nhì lãnh trách nhiệm vác can giấm. Đi đường khúc khuỷu, can giấm đổ ra ướt hết áo bông trấn thủ. Trời rét, gió; nhưng leo núi cực quá, lên đến đồn cái áo cũng khô, bốc mùi giấm quyện mùi mồ hôi chua loét. Nghe tin Hoa lên, 11 chiến sĩ đồn Bản Máy cảm động rơi nước mắt, đi bộ ra cách đồn 3 km đón vô. Lần lội bộ đó, giờ nhớ lại chị vẫn thấy kinh: “Đi bộ xa quá, muốn què cả chân.”

Đêm giao thừa, đồn Bản Máy liên hoan vui lắm. Trước đồn, một đống lửa to được đốt lên. Bộ đội mang bánh chưng, bánh dày ra dọn cỗ với chân giò, gà trống thiến của bà con dân tộc đến biếu. Quân, dân, nhà báo lại quây quần đón xuân, nghe thư chúc Tết của chủ tịch nước. Rồi các đồn trong tỉnh đánh điện qua lại chúc Tết nhau. Bên kia đầu dây, đồn Thàng Tín gần đó hỏi thăm, biết được nhà báo Hoa lên Bản Máy đón Tết, thế là mời bằng được Hoa phải sang với bộ đội bên này.

Sáng mồng 1, đồn đưa Hoa đi chúc Tết đồng bào các bản Mã Tèn, Bản Pắng. Tình cảm quân dân dạt dào. Hoa cảm nhận được, nhờ bộ đội thương đồng bào, chỉ dạy đồng bào nhiều, cuộc sống đồng bào đã ấm no. Họ trồng được cây cải tốt um, cao ngập đầu người, củ cải thì to, củ nào củ nấy như cái phích... Có chuyện làm chị cảm động mãi: Tối trước liên hoan, đồn pha nước chấm do Hoa mang dưới xuôi lên, đồng bào ăn ngon, khen lắm, sáng mồng 1 cứ mang bát ra xin bộ đội “cái nước chấm gì ngon ngon” để mang về bản.

Một lần gian khổ khó quên khác là lần Phương Hoa lên với đồn biên phòng Lũng Làng, đây là đồn đóng xa nhất trên địa bàn tỉnh. Để lên đến Lũng Làng, cô PV trẻ phải trèo đèo, lội suối mất cả ngày. Nhưng gian khổ nhất là phải bước qua 9 cây cầu gồm những thân tre, gỗ bắc lên các mỏm đá, bên dưới là suối đá, vực sâu, người nào bị chóng mặt là không thể bước qua được. Không có đường lên đồn nên cuộc sống bộ đội nơi đây vô cùng thiếu thốn.

Lên nằm gai nếm mật với họ một thời gian, về tòa soạn Hoa viết bài báo “Nơi đây họ còn nhiều thiếu thốn”. Bài báo thấm đẫm gian khổ, mồ hôi, nước mắt của lính làm lay động biết bao tấm lòng bạn đọc. Bộ tư lệnh tỉnh lập tức cử đoàn công tác lên thăm, tặng đồn một cây đàn và một cái đài. Thời gian sau, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đường lên Lũng Làng đã được sửa sang, tu bổ thêm để các anh bộ đội bớt cực. 

Với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cùng các anh bộ đội biên phòng

Nhà báo của những người lính

Có một dạo, ở Hà Giang nổi lên phong trào Viết thư cho bộ đội biên phòng. Phong trào đã được tuyên truyền rộng khắp, ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp xã hội trong tỉnh, nhờ đó đời sống tinh thần, vật chất của bộ đội biên phòng được quan tâm, nâng cao. Bà con dân tộc miền núi cũng đã hiểu và thương, nghe theo bộ đội biên phòng nhiều hơn.

Góp phần làm “nẩy” lên phong trào này, không ai khác là Phương Hoa, với những bài báo thấm đẫm hơi thở, cuộc sống của lính mà chị viết. Cạnh đó, chị còn tham gia một loạt các phong trào như Hội phụ nữ lên với bộ đội biên phòng, Yêu và lấy bộ đội biên phòng... Không chỉ viết về lính, Hoa còn viết về vợ con, hậu phương của lính, những người ở quê nhà và là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của họ.

Nhà báo Trần Bé, Trưởng Ban bạn đọc báo Hà Giang nhận xét: “Nhiều người viết về lính nhưng những bài báo Hoa viết về lính biên phòng luôn sâu sắc, ấn tượng, phản ánh sâu sát hơi thở người lính ở biên cương. Đặc biệt, những bài báo về lính, Hoa viết rất tình cảm. Ở đây, hễ nói về biên phòng là phải nhắc đến Hoa”.

Anh Đặng Quang Vượng, Phó Tổng biên tập cũng đồng tình ý kiến này và là người đồng ý, động viên chị tiếp tôi, để chị dành đôi phút nói về mình. Với Ban biên tập, nhiều lần họ cũng phải “lo ngay ngáy” vì tinh thần hăng hái, yêu bộ đội của Hoa. Có lần, chị nằng nặc đòi đi theo bộ đội... gỡ mìn dọc biên giới. Thương thân gái dặm trường, đi gỡ mìn nguy hiểm, vất vả, nhiều người cản nhưng Hoa quyết đi bằng được. Chỉ đến khi Hoa trở về tòa soạn lành lặn, lóc cóc bên máy tính viết bài “gỡ mìn”, mọi người mới thở phào. Với lính, Hoa tót cái là đi, sểnh ra là đi, lên với lính bằng cả tấm lòng, nhiều lần đi không kịp mang theo công lệnh. 

Phương Hoa còn là cộng tác viên thân thiết của tòa soạn báo Thanh Niên tại Hà Nội. Hai lần lên Hà Giang công tác, chị là người nhiệt tình gửi gắm chúng tôi cho bộ đội biên phòng. Chị cũng là người “tiếp khách”, hỗ trợ nhiều cho các báo bạn dưới xuôi lên Hà Giang tác nghiệp. Hoa kể: “Mình ấn tượng với lính từ bố, hồi ông còn là cán bộ tuyên giáo, hay lên với bộ đội biên phòng. Rồi qua những bài hát về bộ đội của các nhạc sỹ Huy Thục, Cát Vận, Thuận Yến, mình yêu bộ đội từ đó”. “Duyên với lính” của Hoa còn bắt đầu từ bài báo đầu tiên, viết ở Hà Tuyên: “Hồi đó còn làm công nhân trực máy tăng âm, truyền thanh cho đài. Rồi ti toe viết báo, bài đầu tiên viết là Hội nghị đoàn kết quân dân, viết dài 4 trang, bị cắt, đăng nửa trang”. Bộ đội và nhà báo biết về Hoa thường nói đùa: “Ai muốn cua con Hoa, cứ mặc áo lính là nó chịu”.

Đời chẳng ai biết chữ ngờ. Phương Hoa lại lên xe hoa với một anh làm địa chất! Hôm đám cưới, bộ đội biên phòng tỉnh đến gần đủ. Chị Hoa vui lắm: “Nhiều đứa ở xa, không dám đánh tiếng, sợ chúng nó đi lại cực khổ”. Thế mà, nhiều đồn biên phòng vẫn biết, chỉ huy với lính còn phải cắt cử nhau, tranh đi ăn cưới “chị Hoa”. Xa nhất, tổ công tác tận Chà Mần, giáp với Cao Bằng, Trung Quốc còn lặn lội đi bộ ra huyện, đi xe máy ra bến xe, bắt xe khách lên tỉnh, phải uống bằng được chén rượu chia vui với Hoa rồi mới chịu về...

Tối đó, chúng tôi nói chuyện rất lâu. Chị Hoa giờ ở lại Hà Giang làm báo. Chồng thì công tác trong miền Nam. Một năm mới có dịp gặp nhau vài lần. Chuyện trò với chị, lúc nào cũng chỉ nghe đến lính, đồn biên phòng, đồng bào biên giới... Sáng mai tôi phải vô Hoàng Su Phì. Nhờ chị Hoa gửi gắm, tôi sẽ lên thăm đồn biên phòng Bản Máy, “thôi, em ngủ sớm nhé, mai đi cho kịp, chị điện cho đồn Bản Máy rồi, các anh sẽ đưa xuống bản...”.

Một mùa xuân nữa lại về. Tôi nhớ mãi chị qua lời hỏi thăm của Phó chỉ huy đồn Bản Máy buổi sáng hôm ấy: “Tết này, không biết Hoa có lên với đồn không?”.

Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.