Hiểu đúng về thực phẩm chức năng

12/08/2011 12:50 GMT+7

(TNTS) Trước thực tế nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) quảng cáo như là thuốc chữa bệnh, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, bức xúc: "Tôi phải khẳng định ngay là TPCN không thể chữa bệnh nào hết!".

* Thưa ông, vậy phải hiểu đúng về TPCN như thế nào?

- TPCN được coi như là vắc-xin phòng các dịch bệnh mãn tính không lây nhiễm của xã hội hiện đại. Đó là xã hội mà con người lười vận động hơn, sử dụng các thực phẩm chế biến nhiều hơn. Các thực phẩm chế biến thường bị hao hụt các chất có ích: chất chống ôxy hóa, vitamin, các hoạt chất sinh học cơ thể cần nhưng không tự tổng hợp được mà phải lấy từ thực phẩm đưa vào. Nhưng thực phẩm chế biến lại hao hụt rất nhiều những thành phần hữu ích này. Điều tra của Viện Dinh dưỡng cho biết, nhu cầu người trưởng thành bình thường cần 1.000 mmg can-xi/ngày nhưng khẩu phần ăn của người Việt mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Bởi vậy, TPCN chính là sản phẩm giúp bù đắp các chất bị những thiếu hụt.

Cơ thể chúng ta cũng bị rối loạn bởi tác động từ môi trường, cái thấy rõ nhất là các tia có hại từ điện thoại di động, máy tính, từ đường dây cao thế. Các yếu tố bất lợi trong sinh hoạt, ăn uống, môi trường làm tăng bệnh mãn tính gây nên dịch bệnh mãn tính: tim mạch, tiểu đường, lú lẫn, tăng huyết áp.

 

TPCN là sản phẩm có chứa các vitamin, vi chất, khoáng chất. Chúng ta có thể dự phòng các dịch bệnh của xã hội hiện đại bằng cách bổ sung các chất thiếu hụt có trong TPCN. Nhưng tôi xin nói rõ, TPCN có vai trò dự phòng và hỗ trợ chứ không phải là chữa bệnh.

* Ông cho biết, TPCN tác động tới cơ thể theo cơ chế nào?

-  Theo tôi, TPCN có các tác dụng: chống ôxy hóa, kéo dài tuổi thọ, tăng đề kháng cho cơ thể, từ đó hỗ trợ điều trị bệnh tật; hỗ trợ làm đẹp mà cơ chế chính là bổ sung các chất vitamin, khoáng chất... bị thiếu hụt. Nhờ đó giúp tăng đề kháng, tác động đến các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, tăng sức khỏe con người, giảm các nguy cơ gây bệnh. Ví dụ: bổ sung can-xi chống loãng xương; sản phẩm giúp giảm mỡ máu làm giảm nguy cơ mắc tăng huyết áp, tim mạch... Với cơ chế này, việc dùng lâu dài giảm nguy cơ mắc một số bệnh chứ không phải có tác dụng chữa một bệnh nào cụ thể. TPCN hỗ trợ làm giúp tăng sức đề kháng. Còn điều trị là các phương thức giúp kéo dài cuộc sống.

* Riêng với bệnh ung thư đang được rất nhiều người bệnh kỳ vọng  thì nên sử dụng như thế nào?

- Cũng chỉ là hỗ trợ ở mức nhất định, tuyệt đối không thể là chữa ung thư. TPCN hỗ trợ theo cơ chế tăng đề kháng vì ung thư khiến thể trạng bệnh nhân suy yếu, nhất là khi hóa, xạ trị thì không chỉ tế bào ung thư mà tế bào non, tế bào lành cũng bị tiêu diệt. Sử dụng TPCN giúp thải loại bớt chất độc trong cơ thể, vì khi độc chất ứ đọng làm cơ thể suy yếu. Vì vậy, trong trường hợp này TPCN có thể làm giảm bớt các tác dụng phụ có hại của thuốc tây chứ không phải là khỏi bệnh ung thư.

 Với vai trò trong chăm sóc sức khỏe, TPCN đang phát triển rất mạnh. Nếu năm 2005, VN mới có 143 cơ sở sản xuất kinh doanh với 730 sản phẩm thì đến hết 2010 đã có 1.620 cơ sở với 3.712 sản phẩm TPCN. Trong năm 2005, 2/3 sản phẩm là nhập khẩu thì hiện  tại 2/3 lượng sản phẩm là sản xuất trong nước.

* Nhưng giữa một rừng TPCN người tiêu dùng làm sao có thể lựa chọn đúng?

- Chỉ nên sử dụng các sản phẩm đã được công bố chất lượng tại cục ATVSTP, các sản phẩm thuộc các cơ sở uy tín. Sử dụng các sản phẩm đã qua một quá trình nghiên cứu, bào chế thử nghiệm nghiêm túc. Nhưng tôi cũng muốn chỉ rõ rằng thị trường TPCN đang có rất nhiều cái khó cho người sử dụng vì sản phẩm không được kê đơn, người dùng không có người hiểu biết hướng dẫn. Trong khi đó có quá nhiều lộn xộn liên quan đến TPCN.

* Ông có thể chỉ rõ những tồn tại này?

- Trước hết đó là tình trạng quảng cáo thái quá về TPCN do nhà sản xuất kinh doanh vi phạm. Đặc biệt là tình trạng lưu hành sản phẩm chưa được phép nên đang tồn tại nhiều sản phẩm không an toàn. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm vẫn chưa sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt). Trong khi đó, tại các nước đó là bắt buộc. Việc kiểm soát về chất lượng như hiện nay là chưa ổn vì chưa kiểm soát được chất lượng sản phẩm.Ví dụ, công bố thực phẩm đó có các hàm lượng chất A, B, C nhưng thành phần, hàm lượng có đủ hay không thì vẫn chưa biết được; hay một chất trong sản phẩm có tác dụng cho người sử dụng cũng chưa kiểm soát được thực chất tồn tại ở mức độ nào, có như công bố hay không? Ví dụ như sâm thì hàm lượng "sâm" thực sự là bao nhiêu hay chỉ là mùi sâm trên một "xác" sâm đã không còn hoạt chất? Rồi các chất vitamin, các vi chất... công bố trong  các TPCN thực chất như thế nào? Chúng ta hầu như chưa kiểm soát được chất lượng TPCN, nếu kiểm tra chỉ loanh quanh mấy chỉ tiêu về: kim loại nặng, nấm mốc, vi sinh...

Thêm nữa là việc bán TPCN còn nhiều hình thức tùy tiện. Hiện nay đang nổi lên chiêu bán hàng: công ty có sản phẩm núp dưới chương trình khám bệnh từ thiện, đem mấy thiết bị về đo nhăng nhít cho bà con, sau đó phán đường huyết cao, loãng xương, thiếu can-xi, thiếu kẽm... rồi tư vấn bán các sản phẩm bổ sung can-xi phòng loãng xương, hướng dẫn mua sản phẩm kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường. Đến khi người uống thấy không ra gì điện thoại đến số máy tư vấn thì không liên lạc được. Đấy chính là một kiểu lừa đảo. Là Chủ tịch Hiệp hội TPCN, tôi cũng cứ nói thật về những khuyết điểm này, phải mạnh dạn nói để người dân biết. Mà cơ quan quản lý cũng cần kiểm soát các hình thức bán hàng núp danh nghĩa khám bệnh từ thiện.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.