Hãy tin con!

10/03/2011 11:35 GMT+7

Xem trộm nhật ký, đọc lén tin nhắn trong điện thoại, điều tra nội dung chat, email… là cách mà nhiều bậc phụ huynh lựa chọn để hiểu về con. Nhưng cảm giác bị xâm phạm sự riêng tư khiến con cái phản ứng quyết liệt, đóng chặt cánh cửa tâm hồn.

“Không hiểu vì sao, từ khi bước vào cấp 2, con bé nhà tôi trở nên khác lạ, ngày càng ít nói chuyện với cha mẹ, hay che giấu thông tin về mình, ương bướng... Cảm giác con ngày càng rời xa mình khiến tôi lo sợ nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu để hiểu con bé’’. Đó là lời tâm sự của chị Nhung với những người mẹ đang ngồi chờ con học thêm ở một trường bồi dưỡng văn hóa.

Tin bạn hơn cha mẹ
 
Tiếp lời chị Nhung, chị Trang than thở: “Tụi nhỏ điện thoại, nhắn tin, chat với bạn bè hàng giờ vẫn không hết chuyện nhưng nói chuyện với cha mẹ câu trước câu sau là thôi. Làm như bạn bè nói gì cũng hay, còn cha mẹ thì lạc hậu, cổ lỗ sĩ, không đủ độ tin cậy hay sao đó. Hỏi nó sao ít kể chuyện bạn bè cùng lớp như hồi cấp 1, thằng bé nói: “Con lớn rồi, không lẽ chuyện gì cũng kể với mẹ hết sao?”.


Minh họa: Nguyễn Tài 


 
Mà nó chỉ mới học lớp 8 chứ bao nhiêu. Thiệt tình, để biết được những gì đang diễn ra trong đời sống của nó, mình cứ phải căng óc đoán già đoán non, nhiều khi phải dỏng tai nghe lén nó nói những gì với bạn bè. Cuộc sống bây giờ nhiều loại cám dỗ, bất cứ lúc nào cũng có 1.001 thứ lôi kéo tụi nhỏ đi…’’.
 
Chị Hà, một người mẹ khác, kể một lần trong lúc dọn dẹp phòng cho con, chị vô tình làm rơi cuốn nhật ký bé Na để trong hộc bàn. Định cất vào chỗ cũ nhưng vì muốn hiểu thêm những tâm sự của con trong thời gian gần đây, chị mở ra đọc. Bắt gặp mẹ xem trộm nhật ký, con bé giật lấy và hét lớn: “Tại sao mẹ lại xem nhật ký của con?’’ rồi đóng sập cửa, vùng vằng bỏ ra khỏi phòng.
 
Suốt 2 ngày, dù vẫn ngồi xe cho mẹ chở đi học, bé Na cũng không mở miệng nói một lời với chị. Đi học về, ăn cơm xong, nó vào phòng riêng đóng chặt cửa. Lo lắng và cả hối hận, ngày thứ ba, sau khi đón con bé ở trường ra, chị chở con vào quán kem. Mở đầu câu chuyện là lời xin lỗi con: “Mẹ xin lỗi vì đã đọc nhật ký của con mà chưa được sự đồng ý. Đó là điều không nên làm. Dù con là con của mẹ, con cũng cần có những vấn đề riêng tư mà mẹ cần tôn trọng’’.
 
Thấy mẹ hối lỗi, con bé cởi bỏ gương mặt cau có, im lặng một lát rồi nói: “Con thật sự sốc và thất vọng vì mẹ xem trộm nhật ký của con. Mẹ từng dạy con không được tự ý lục lọi đồ đạc của người khác, sao mẹ lại làm vậy?’’. Từ mở đầu có phần không mấy dễ dàng đó, chị bắt đầu tâm sự với con về nỗi lo lắng của người mẹ khi suốt thời gian qua con bỗng nhiên thay đổi tâm tính, về tình yêu chị dành cho con mãi mãi không thay đổi, về cả nỗi buồn và hụt hẫng trước thái độ có phần vô lễ của con. 
 

Chửi rủa không phải là giải pháp

Trong một buổi sinh hoạt chuyên đề của câu lạc bộ cha mẹ học sinh, nhà giáo Đàm Lê Đức (cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng) chia sẻ rằng đối với lứa tuổi thiếu niên, ứng xử tâm lý có vai trò quan trọng hàng đầu. Nếu cha mẹ đối xử khéo léo, trẻ cảm nhận được sự vỗ về, yêu thương, được tôn trọng sẽ là nguồn động lực vô tận giúp trẻ bộc lộ khuynh hướng giỏi giang. Bằng ngược lại, đối xử thiếu công bằng, dùng những lời lẽ thô tục chỉ trích, quở trách, nhất là trước mặt người khác và bạn bè của trẻ, sẽ mang lại hậu quả khôn lường. Trẻ sẽ tỏ ra sợ sệt, tự ti với bản thân hoặc “trơ trơ” với những lời chửi mắng hoặc tệ hơn sẽ có những phản kháng quyết liệt (chẳng hạn bỏ nhà đi, tự tử…). 

Cuối cùng chị hứa: “Mẹ sẽ cố gắng hiểu con và chắc chắn không xem trộm nhật ký của con nữa’’. Con bé vui vẻ gật đầu: “Con cũng sẽ trò chuyện với mẹ nhiều hơn. Nhưng mà lâu lâu mẹ con mình vào quán kem tâm sự như vậy, mẹ nhá”.
 
Tôn trọng và xem con như một người bạn
 
Thực tế, có không ít các bậc phụ huynh can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con bằng nhiều cách như: đọc nhật ký, tin nhắn trên điện thoại, lục lọi ngăn tủ, thậm chí truy cập mạng của con dưới một tên khác để xem con đang làm gì… Điều này khiến trẻ cảm thấy bị theo dõi, giám sát, không được tôn trọng nên càng thu mình lại, giấu giếm, ít chịu tâm sự. Cũng có phụ huynh đề nghị được làm bạn với con, mong được chia sẻ những tâm tư, tình cảm để được hiểu con hơn.
 
Tuy nhiên, làm sao con có thể tin cậy cha mẹ khi mà vừa đem chuyện tình cảm đầu tiên trong đời tâm sự đã bị mắng như tát nước vào mặt rồi sau đó là dò hỏi, điều tra. Bị tổn thương, mất niềm tin ở cha mẹ, đương nhiên trẻ sẽ tìm đến bạn bè, những người có chung sở thích, suy nghĩ và quan trọng là luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ thực thụ.
 
Theo các nhà tâm lý học, tuổi thiếu niên có tính tự tôn rất cao, dễ có những phản ứng quyết liệt khi cảm nhận bị xâm phạm sự riêng tư. Cho rằng mình đã lớn nên các em muốn được tôn trọng như một người lớn thực thụ. Nếu cha mẹ có thái độ đúng, biết tôn trọng khi đặt câu hỏi và hỏi đúng lúc với sự kiên nhẫn, không nôn nóng, không rầy la, trẻ sẽ tin tưởng và tự tìm đến cha mẹ để tâm sự, chia sẻ mọi nỗi niềm của tuổi mới lớn. Với tình thương và trách nhiệm của mình, cha mẹ hãy khéo léo thay đổi phương pháp giáo dục, kiểm soát phù hợp với lứa tuổi của con.
 
Ví dụ, dành thời gian hòa nhập vào sinh hoạt của con, thông qua đó, quan tâm hướng dẫn con tìm bạn và kết bạn, cách ăn mặc phù hợp với lứa tuổi và môi trường, biết nói không khi cần thiết… Cảm nhận được tin tưởng và an toàn, trẻ sẽ không ngần ngại để bộc lộ với cha mẹ - những người mà trẻ biết rất rõ rằng họ sẽ hy sinh tuyệt đối để bảo vệ cho chúng.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.