Hai người đàn ông giành con

07/07/2015 09:00 GMT+7

Sau khi mẹ của một bé gái qua đời vì bệnh, một người đàn ông xuất hiện cho rằng mình mới chính là cha của đứa bé chứ không phải người cha đứng tên trên khai sinh.

Sau khi mẹ của một bé gái qua đời vì bệnh, một người đàn ông xuất hiện cho rằng mình mới chính là cha của đứa bé chứ không phải người cha đứng tên trên khai sinh.
Minh họa: DADMinh họa: DAD
Vụ việc sau đó được đưa ra tòa nhưng sau hơn hai năm thụ lý, với 1 lần tạm đình chỉ vụ án, TAND Q.4, TP.HCM, lại vừa tiếp tục tạm đình chỉ vụ án do chưa lấy được mẫu vật để giám định ADN.
Nói sự thật trước khi chết ?
Tháng 10.2013, ông N.P.V (49 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) gửi đơn lên TAND Q.4 yêu cầu xác định cháu Q. (4 tuổi) là con ruột của ông. Sau đó, tòa xác định ông Đ.V.L (40 tuổi, ngụ Q.4), hiện là cha trên giấy khai sinh của cháu Q. là bị đơn.
Theo ông V., vợ ông L. là bà N. làm việc chung với ông từ năm 2002, hai người thường xuyên chia sẻ với nhau từ công việc đến cuộc sống rồi trở nên thân thiết, có tình cảm với nhau. Năm 2010, khi cháu Q. chào đời, bản thân ông V. cũng không biết bé Q. là con mình. Chỉ khi bà N. bị bệnh ung thư giai đoạn cuối nên bà gọi ông đến nhà, đưa tờ giấy khai sinh của bé Q. và nói cho ông biết bé Q. là con ông và ông hãy nhận bé Q. sau khi bà chết.
Ông V. cho biết thêm đúng 1 năm sau khi bà N. mất, ông có gọi ông L. ra một quán cà phê để nói chuyện nhưng khi vừa đề cập đến chuyện bé Q. thì ông L. ra về, rồi sau đó ông V. gọi điện thoại nhiều lần nhưng ông L. không nghe máy.
Nếu xét nghiệm ADN có lỗi với vợ
Trong khi đó, ông L. cho rằng bản thân ông là cha hợp pháp của bé Q. “Từ trước đến nay tôi sống một mực tin tưởng vào vợ, không thấy vợ có chút biểu hiện nghi ngờ nào hay làm điều gì không tốt. Còn V. là người làm cho vợ chồng tôi, hết giờ làm thì về cho nên khi nghe câu chuyện V. kể, về mặt đạo lý tôi rất băn khoăn, về mặt tình cảm thì tôi rất khó chịu”, ông L. kể và nói thêm: “Bây giờ nếu tôi đưa cháu Q. đi giám định ADN, điều đó làm tôi cảm thấy có lỗi với vợ mình, vì như thế là không tin cô ấy. Tôi không muốn có một điều tiếng gì không tốt cho vợ khi cô ấy đã mất”.
Sau khi thụ lý vụ kiện, tháng 10.2014 TAND Q.4 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) buộc ông L. đưa cháu Q. đến Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tại TP.HCM để lấy mẫu vật giám định ADN. Tuy nhiên, sau 1 năm ra quyết định, ông L. không chấp nhận đưa bé Q. đi lấy mẫu xét nghiệm. Chi cục Thi hành án dân sự Q.4 ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng vẫn không thi hành được. Sau đó, TAND Q.4 ra quyết định hủy bỏ BPKCTT vì phía ông V. đề nghị hủy bỏ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Vương Tuấn Kiệt (Đoàn luật sư TP.HCM), bảo vệ cho ông V., cho biết do chờ 1 năm sau khi ra quyết định cưỡng chế, ông L. không hợp tác nhưng phía cơ quan thi hành án cũng không có hướng giải quyết. Vì thế, ông đề nghị phía cơ quan được trưng cầu giám định là Phân viện Khoa học hình sự xuống nhà hoặc trường bé Q. để lấy mẫu vật giám định nhưng rồi được biết cơ quan này không có chức năng trên, nên ông đề nghị hủy bỏ BPKCTT để thay đổi cơ quan trưng cầu mới.
Sau đó, ngày 2.6.2015, TAND Q.4 ra quyết định áp dụng BPKCTT mới, buộc ông L. phải đưa bé Q. đến Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế TP.HCM để cung cấp mẫu vật tiến hành giám định ADN. Luật sư Kiệt cho biết: “Nếu lần này ông L. vẫn không hợp tác, chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan giám định xuống tận nhà để thực hiện việc lấy mẫu vật giám định dưới sự chứng kiến của các cơ quan tố tụng”.
Ông Trương Văn Hiền, Chánh án TAND Q.4, cho biết: “Chúng tôi sẽ trao đổi với các lãnh đạo thành phố để có cách giải quyết, không để vụ án kéo dài”. Bà Hoàng Hạnh Thảo (chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự Q.4), cho hay nơi đây vừa nhận được quyết định BPKCTT mới của tòa án, đang làm theo đúng trình tự thủ tục.
Đặt trường hợp nếu ra quyết định cưỡng chế mà ông L. vẫn không hợp tác thì giải quyết như thế nào? Ông Tạ Đức Ngăn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Q.2, cho biết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, ấn định phạt tiền trong thời hạn 5 ngày. Hết thời hạn mà người phải thi hành không thực hiện nghĩa vụ thì chấp hành viên đề nghị cơ quan thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Ông Trương Văn Hiền, Chánh án TAND Q.4, cho biết kèm theo đơn khởi kiện của ông V. là giấy kết quả giám định ADN do ông V. tự đi giám định. Tuy nhiên, kết quả này cũng ghi rõ chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị tố tụng. Vì vậy, sau khi thụ lý đơn phù hợp với tố tụng, tòa yêu cầu ông V. cung cấp chứng cứ, trong đó mẫu vật giám định ADN để xác định huyết thống. Do liên hệ với ông L. không thành công, ông V. đã đề nghị tòa thu thập chứng cứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.