Giúp con thoải mái mùa thi

30/04/2011 10:03 GMT+7

Những kỳ thi đang gần kề, đặc biệt với các học sinh lớp 12 là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học - cao đẳng vô cùng căng thẳng. Không chỉ các sĩ tử học ngày luyện đêm, mà các bậc cha mẹ cũng lo lắng bội phần. Nên chuẩn bị cùng con như thế nào để con có một mùa thi hiệu quả?

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ảnh) - giảng viên khoa tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm TP.HCM - đã chia sẻ:

 
Ảnh: Hòa An

- Phụ huynh nào cũng kỳ vọng con mình học tốt, thi tốt. Sự kỳ vọng đó như ngọn lửa bấy lâu âm ỉ chỉ đợi mùa thi đến là bùng lên. Các bậc cha mẹ hãy lưu ý đừng để độ nóng kỳ vọng ấy bộc lộ đến mức có thể thiêu rụi cả tâm trí con cái, và vì thế cần tránh một số hành vi sau:

1. “Hăm he” gây áp lực cho con, vì nghĩ rằng làm thế là tạo cho con động lực học hành. Nhưng kết quả nhiều học sinh đã căng thẳng vì luôn ám ảnh những lời đe nẹt của cha mẹ, kiểu như: “Lo cho ăn học 12 năm trời, kỳ này mà thi rớt thì đừng có trách!”. Gánh nặng kỳ vọng của cha mẹ có thể làm bạn trẻ mất khả năng tập trung, dễ bị lo âu trầm cảm.

2. Có thái độ thờ ơ cho trẻ “tự bơi”, với suy nghĩ sẽ giúp con tự lập, không bị áp lực. Điều này làm nhiều học sinh cảm thấy bơ vơ và cảm giác cha mẹ không quan tâm mình. Hãy nhớ lúc con cái căng thẳng là lúc con cần sự chia sẻ, động viên để vơi đi áp lực.

* Có nên treo thưởng cho con trước mỗi kỳ thi?

- Tất nhiên, cha mẹ có thể treo thưởng cho con để khuyến khích tinh thần con cái. Nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho con trong giai đoạn này là giúp con nhận ra rằng cha mẹ rất yêu thương, luôn bên cạnh mình. Hãy biến mùa thi thành cơ hội để thắp lên ngọn lửa gia đình.

3. Quan tâm quá sát sao bằng cách chăm chút con từng li từng tí, hỏi han từng chuyện một, đồng hành “mọi lúc mọi nơi”. Điều đó nhiều khi sẽ khiến các sĩ tử cảm thấy... phiền phức và vô tình bị ám thị rằng kỳ thi này rất ghê gớm.

Đặc biệt, với các cha mẹ có con đang học lớp 12 cần hiểu rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là kiểm tra kiến thức, nên đề thi vừa phải, học sinh trung bình cũng có thể “dễ thở” khi làm bài, vì vậy không cần áp lực quá. Riêng kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng thì đặc thù mang tính chọn lọc nên có tính cạnh tranh khốc liệt.

Hãy biết sức học con mình đến đâu để kỳ vọng đúng mức. Nếu con không đạt nguyện vọng 1 còn có nguyện vọng 2, 3. Ngay cả trường hợp điểm quá thấp không đạt cả ba nguyện vọng, hãy hiểu con đường vào đại học - cao đẳng không phù hợp với con mình, từ đó hoặc động viên con cố gắng trong năm sau hoặc giúp con chọn đường khác. Có nhiều con đường đi đến thành công, đại học - cao đẳng chỉ là một trong số đó.

 
Sau những giờ học căng thẳng, không gì bằng những bữa ăn hấp dẫn (ảnh mang tính minh họa) - Ảnh: Quân Nam

* Từ chỗ tạo động lực, cha mẹ nên làm gì để con thoải mái, tự tin trước kỳ thi?

- Các bậc cha mẹ có thể làm những điều sau đây: Đả thông tư tưởng cho con với những câu nói như: “Cha mẹ yêu con chứ không phải yêu điểm của con, vì vậy việc quan trọng nhất là con hãy cố gắng hết mình”.

Động viên con bằng những việc đơn giản như: dậy sớm cùng con, nấu bữa ăn sáng cho con; sửa lại đèn học của con cho đủ sáng; giữ yên lặng cho con học bài; để trên bàn học của con bình hoa thơm/đĩa trái cây nhỏ; thỉnh thoảng thăm hỏi: “Mệt không con? Nhớ uống ly sinh tố mẹ đã làm nhé!”... Những hành động này sẽ làm con xúc động và đó là cách “bơm vitamin” rất tốt cho tinh thần của con.

Cha mẹ cũng nên nấu những món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe của con, cho con chọn thực đơn yêu thích. Giúp con chia nhỏ áp lực bằng cách chủ động tạo các cơ hội nghỉ ngơi để con “sạc pin” sau từng chặng ôn luyện, như rủ cả nhà cùng đi bơi hay thỉnh thoảng ăn tối bên ngoài. Sự vận động sẽ giúp cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, tỉnh táo. Đừng để con rơi vào tình trạng học hành căng thẳng kéo dài.

* Cha mẹ nên làm gì nếu con có những biểu hiện tâm lý bất thường trước mùa thi?

- Cha mẹ hãy khéo léo giám sát từ xa để kịp thời phát hiện những biểu hiện tâm lý khác lạ. Con bạn đang cảm thấy quá tải và cần được hỗ trợ nhiều hơn nếu có một hoặc nhiều dấu hiệu như: tự nhốt mình quá lâu trong phòng, khóc rấm rứt một mình, trằn trọc khó ngủ, tính tình trở nên cáu kỉnh hay ủ rũ bất thường. Cha mẹ nên kịp thời hỏi han để con chia sẻ những bức bối trong lòng. Nếu thấy triệu chứng nặng nên đưa con đi kiểm tra tâm thần ngay.

Cha mẹ cũng nên lưu ý những vấn đề như: sử dụng trí não quá sức trong thời tiết nóng có thể làm con bị suy kiệt thể chất; đừng để con phá vỡ lối sinh hoạt thường ngày như thức quá khuya dậy quá trễ, ăn uống thất thường, quá lo lắng... Tuyệt đối không để con có tư tưởng “hi sinh tất cả cho kỳ thi!”. Tự vắt kiệt sức mình trước ngày thi cũng có nghĩa là “tự nguyện rớt”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.