Giữ đạo vợ chồng

26/02/2011 14:50 GMT+7

Chúng tôi ghi lại hai câu chuyện dưới đây với mong muốn duy nhất: Đừng ai rơi vào bi kịch như họ! Một người từng trả giá về hành vi giết vợ và một người suýt chết dưới tay chồng. Người ăn năn, day dứt. Người đau khổ, uất hận. Hai câu chuyện của những người trong cuộc với hai hoàn cảnh khác nhau nhưng phản ánh một hiện tượng xã hội nhức nhối, xuất hiện không còn hiếm hoi, đơn lẻ trong thời đại mới.

 

 
Lỗi lầm không thể sửa
 
Ông hiện đang sống hạnh phúc với con sau 15 năm ngồi tù để trả giá cho hành vi giết vợ. Nói rằng hạnh phúc vì hôm nay ông đã được con và gia đình bên vợ tha thứ cho tội lỗi của mình. Nhưng thực ra, cho đến giờ phút này và có lẽ đến hết cuộc đời, lương tâm ông vẫn còn luôn dằn vặt vì đã giết vợ một cách dã man, rồi vì sợ tội lại đem thủ tiêu xác vợ.
 
Ông bảo trong một phút thiếu suy nghĩ, kiềm chế, ông đã gây nên oan nghiệt cho chính gia đình thân yêu của mình nhưng khi bình tâm lại, nghĩ đến con phải mồ côi mẹ nay lại sắp xa cha, ông quyết định ra tự thú, thành khẩn khai báo toàn bộ sự thật với cơ quan điều tra, chấp nhận bị pháp luật trừng trị. Đó cũng là cách sám hối duy nhất ông có thể làm đối với người vợ đã khuất và gia đình hai bên. Rất may, cuối cùng ông được pháp luật khoan hồng chỉ chịu án 25 năm tù giam và do cải tạo tốt nên chỉ mới 15 năm, ông được ân xá ra tù để trở về với cộng đồng.
 
Nếu kể thì đơn giản chỉ có vậy. Nhưng quả thật để có được quyết định đúng đắn đó có lẽ ông đã phải trải qua một quãng thời gian nặng nề, đấu tranh rất dữ dội với lương tâm, nỗi sợ hãi, sự yếu hèn của chính mình. Cũng không loại trừ có lúc muốn tự tử để trốn chạy dư luận và luật pháp. Nhưng bản năng sống trong mỗi con người mạnh mẽ lắm, rồi cả những mối ràng buộc tình cảm và trách nhiệm với gia đình... Vì thế, một khi đã bình tâm, ông chọn cách tốt nhất để còn nẻo quay về. Quyết định trình báo, thú nhận tội lỗi thật sự là một sự dũng cảm mà không phải bất kỳ ai cũng có thể làm được. Khi đã thổ lộ hết bí mật kinh hoàng ấy, tâm can ông cũng nhẹ đi một phần bởi người ta có thể che mắt người khác nhưng không bao giờ dối gạt được chính mình.
 
Ông kết luận rằng làm người ai cũng có lúc phạm phải lỗi lầm trong đời. Có những lỗi lầm có thể sửa được, có cái chỉ sửa được một phần và có tội lỗi không bao giờ sửa được. Quan trọng là người ta biết nhận ra tội lỗi của mình và quyết tâm chuộc lỗi. Trong trường hợp ấy, cách chuộc lỗi tốt nhất vẫn là khai báo thành khẩn, nhẹ lòng mình mà cũng giúp cơ quan điều tra không phải mất nhiều thời gian.
 
Thương chồng mà nên... “tội”
 
Bây giờ nghĩ lại ngày hôm ấy, chị vẫn thấy kinh hoàng. 30 Tết, chồng chị tổ chức nhậu tại nhà, chị không một lời phàn nàn, kêu ca. 23 giờ 30 phút, bạn bè rủ rê đi tìm độ mới, anh lại hăng hái lấy xe, quên đi trách nhiệm của một người chồng, người cha trước giờ khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ, năm mới. Sợ chồng bị tai nạn giao thông khi đã quá chén, chị khéo léo, nhẹ nhàng tìm cách “dụ” anh ở nhà đón giao thừa với vợ con. Bất chấp tình thương, sự lo lắng của vợ, anh chỉ cảm thấy thật quá sức chịu đựng vì bị ngăn cản bèn trút giận bằng cách đập nát tủ kiếng rồi chụp một khúc cây đánh chị không nương tay. Chị cắn răng chịu đựng vì sợ làm ầm ĩ, bà con lối xóm chê cười.
 
Nào ngờ, sự câm nín trong đớn đau, uất ức ấy lại làm anh càng thêm điên tiết. Chạy nhanh xuống bếp, anh cầm dao lên và dùng những lời lẽ thô tục hăm dọa, buộc chị hốt sạch những mảnh kiếng do anh đập vỡ, nếu không anh sẽ... cắt cổ chị. Thương con, chị nhẫn nhịn làm tất cả, vừa lom khom hốt những mảnh kiếng vỡ vừa căng thẳng, lo sợ trước những lời gầm gừ, hăm dọa của anh.
 
May mà cuối cùng đó cũng chỉ mới là lời hăm dọa. Nhưng khoảng thời gian chịu đựng đầy kinh hoàng ấy đã lấy đi tất cả sự nhẫn nhịn và tình yêu chị dành cho chồng. Ly hôn là giải pháp chị nêu ra trong ngày đầu năm mới. Nhưng liệu chị có đủ quyết tâm dứt áo ra đi khi sau lưng chị là tương lai, hạnh phúc của con? Còn nếu sống chung một nhà mà không còn tình cảm với nhau, chuyện gì sẽ còn xảy ra khi chỉ một chút phật ý, người chồng lại đòi lấy mạng mẹ của các con mình?
 
Đạo nào sâu bằng đạo vợ chồng
 
Xưa nay ông bà ta vẫn thường lấy câu: “Đạo nào sâu bằng đạo vợ chồng” để răn dạy con cháu, xem đó là con đường đưa người ta đến hạnh phúc - cái đích của hôn nhân. Biết giữ đạo vợ chồng, người ta sẽ không vì sự giàu sang mà thay lòng đổi dạ; không vì chồng (vợ) xấu, bệnh tật, nghèo hèn mà khinh bạc, rẽ chia; không vì bất kỳ một lý do hay hoàn cảnh nào mà làm phương hại đến người chồng (vợ) của mình... “Đứt tay một chút còn đau. Huống chi nhơn nghĩa lìa sao cho đành”.
 
Những vụ án vợ giết chồng, chồng giết vợ xảy ra trong thời gian gần đây suy cho cùng đều do kẻ thủ ác thiếu tình nghĩa; thiếu trân trọng, giữ gìn đạo vợ chồng; khinh thường hôn nhân, xem hôn nhân như chiếc áo, thích thì mặc, không thích thì cởi ra hoặc hay thì ở, dở thì đi... Chính cách suy nghĩ đó khiến người ta ứng xử ích kỷ, không suy nghĩ cặn kẽ, không kiềm chế phần bản năng, thậm chí nhẫn tâm, độc ác. Để rồi dù ăn năn và được thứ tha, tội lỗi ấy vẫn là nỗi ám ảnh, day dứt đeo bám suốt đời kẻ thủ ác và cả con cái của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.