Gặp lại Paris giữa lòng New Orleans

05/07/2015 06:00 GMT+7

(TNTS) Đến New Orleans, để rải từng bước chân chầm chậm khắp French Quater, nghe trong từng căn nhà, vỉa hè, góc phố, lời tình tự trăm năm của chất Gô Loa lãng mạn, giữa nước Mỹ rộng lớn, mênh mông.

(TNTS) Đến New Orleans, để rải từng bước chân chầm chậm khắp French Quater, nghe trong từng căn nhà, vỉa hè, góc phố, lời tình tự trăm năm của chất Gô Loa lãng mạn, giữa nước Mỹ rộng lớn, mênh mông.

Gặp lại Paris giữa lòng New Orleans
1 New Orleans - thành phố hình trăng lưỡi liềm (Cresent City) - thuộc tiểu bang Louisiana, nằm ở miền nam nước Mỹ, nơi con sông Mississippi dừng lại rồi đổ ra vịnh Mexico. Khí hậu nơi này nóng ẩm, nhiều mưa, mùa đông không quá lạnh. Du khách dễ dàng đến New Orleans từ sân bay quốc tế Louis Amstrong New Orleans (MSY), cách trung tâm khoảng 11 dặm về hướng tây bằng các hãng United, Southwest, American và Delta từ các sân bay lớn hơn như Houston hoặc Atlanta gần đó.
Louisiana không những là vùng đất phức tạp về mặt địa hình gồm đầm lầy, ao hồ và rừng ngập mặn, mà còn rất lý thú về mặt lịch sử. Trong quá khứ, tên gọi Louisiana gồm 15 tiểu bang của Mỹ, cộng với hai tỉnh Alberta và Saskatchewan của Canada. Người Pháp cai trị từ năm 1699 tới 1762, sau đó giao lại cho đồng minh Tây Ban Nha. Năm 1800, vua Napoleon Bonaparte lấy lại và bán cho Mỹ dưới thời Tổng thống Thomas Jefferson vào năm 1803. Chỉ sau một đêm, diện tích nước Mỹ đã tăng gấp đôi với giá rẻ mạt. Nghe đâu, ngài công tước nhiếp chính đã dặn phải giữ gìn toàn bộ kiến trúc Pháp ở thủ phủ New Orleans bởi mong một ngày quay lại, thấy mảnh đất mình từng cai trị sẽ không nhiều thay đổi.
Gặp lại Paris giữa lòng New Orleans 2Họa sĩ đường phố
Và giữ đúng lời đã hứa, hơn 200 năm qua, French Quarter (khu phố cổ) với kiến trúc đậm kiểu Pháp lúc nào cũng hút hồn du khách. Khác xa với những tòa nhà cao tầng, xám xịt, toàn cửa kiếng không thân thiện của New York, Los Angeles, hay các công trình kỳ vĩ bằng đá hoa cương ở Washington D.C, French Quarter mê hoặc người ta bởi cả trăm ngôi nhà nhỏ bằng gạch hai tầng đủ màu, bên trên có ban công, lả lơi dã yên thảo, cúc vàng, vạn thọ khoe sắc. Xuyên suốt giữa lòng phố, là những con đường lát gạch đỏ, không phải “street” hay “avenue” kiểu Mỹ, mà là “rue de” kiểu Pháp. Những cửa hàng bán đồ lưu niệm, cà phê, áo quần, bánh mứt, chocolate, kẹo thơm ngon trong thẩu thủy tinh có mặt khắp nơi. Bạn dễ dàng tìm thấy chất lãng mạn đầy ắp chốn này từ những nghệ sĩ đường phố. Nếu New England như một vương quốc Anh thu nhỏ, Boston gần giống London, thì New Orleans là một Paris và Mississippi như dòng Seine chảy tràn qua phố.
Và đẹp nhất, nên thơ nhất, có lẽ là những quán cà phê tràn ra vỉa hè, để khách ngồi chậm rãi, phiêu linh ngắm phố. Riêng Café Du Monde ngay góc Rue de la Levee Decatur, gần quảng trường Jackson, là quán lâu đời nhất, có từ năm 1862, nhân viên chủ yếu người Việt, lúc nào cũng đông khách. Chái quán màu xanh thấp lè tè, bàn ghế lộn xộn, chật cứng, ồn ào, thực đơn lèo tèo vài món, vậy mà phải xếp hàng cả tiếng để tranh thủ mua phần beignet nổi tiếng. Đó là món bánh chiên có nguồn gốc từ Pháp, được làm bằng bột mì, bên trong mềm, ngòn ngọt, bên ngoài khá giòn, phủ thêm lớp bột mì có trộn đường cát.
Như nhiều metropolitan đất rộng, người thưa khác ở miền nam, New Orleans không có tàu điện ngầm (một phần do đất yếu, nhiều đầm lầy), phương tiện công cộng chỉ có bus và tàu điện sơn màu đỏ chói, leng keng chạy trên đường ray giữa phố như Hà Nội những năm 1920, trong truyện ngắn của Thạch Lam, Khái Hưng. Hai đô la cho chuyến đi dọc theo đường Canal, lòng vòng phố thị, để cảm nhận chất Pháp đã ăn sâu vào từng thớ đất chốn này.
Gặp lại Paris giữa lòng New Orleans 3Nghệ sĩ đường phố
2 Nhờ sự giao thoa của nhiều nền văn hóa Á, Phi, Âu, Mỹ và bản địa, đã tạo nên một New Orleans vô cùng màu sắc, với những lễ hội sôi động, ẩm thực và nền âm nhạc độc đáo. Mardi Gras (Thứ ba béo) là một trong những lễ hội hóa trang, diễu hành, nhảy múa lớn nhất vùng này. Lễ hội kéo dài hai tuần, bắt đầu sau lễ Hiển linh (khoảng tháng 2) với những hoạt động như hóa trang, ca hát, nhảy múa trong những bộ cánh màu sặc sỡ, và chấm dứt trước ngày lễ Tro của Công giáo để chuẩn bị cho lễ Phục sinh.
Đến New Orleans mà không đi đọc đường Bourbon thì quả là thiếu sót bởi những tinh hoa, cảnh vật, món ăn, âm nhạc Louisiana đều đổ hết về đây. Đoạn đường dài chưa tới một dặm, cuối tuần đông nghịt người cười nói ồn ào. Các bar chơi nhạc sống hai bên vỉa hè, đánh trống và guitar ầm ĩ. Chỉ tốn 5 đô la (có quán miễn phí) để vào mua chai bia, thưởng thức nhạc. Cạnh đó có những quán tối hù có mấy cô da trắng, da màu ngực trần, eo thon, mông nở, đứng uốn éo gọi mời bên mấy anh bảo vệ bặm trợn. Cuối đường là khu vực cắm cờ sáu màu của người đồng tính với những anh chàng Mỹ cao kều, mặc áo quần bó sát đủ màu, mặt tươi như hoa, sải đôi chân dài bước vội. Trên bàn, các dancer ngực vuông, eo thon, bụng sáu múi, mặc quần sịp bé xíu, khỏe khoắn trong tiếng nhạc, đi từ đầu bàn tới cuối bàn, vô cùng khiêu khích. Cứ ngỡ đây là con đường thác loạn và ăn chơi nhất thế giới. Nhưng không, đó là New Orleans, là Louisiana, là nước Mỹ, là nơi tuổi trẻ đốt lửa trái tim mình. Chắc gì có cơ hội quay lại nơi ấy, thời điểm ấy, một lần nào nữa.
New Orleans là cái nôi của blues và jazz. Jazz của người da trắng có cách hát, nhấn nhá chữ khác với người da đen hay gằn giọng, nghiến răng, vừa hát, vừa nói, trêu đùa và scat (là kỹ thuật hát jazz không lời). Trong lối hát này, các ca sĩ ngẫu hứng hát các âm tiết vô nghĩa thay cho ca từ và tạo thành nhạc điệu thay cho nhạc cụ da diết.
Bar Chris Owens cũng là một nơi nên đến. Quán của “cô” ca sĩ ngoài sáu mươi, tóc xoăn bờm sư tử, cái mốt của VN những năm 1990, được mệnh danh là “Queen of Bourbon Street - Nữ hoàng phố Bourbon”. Ghé vào, bạn sẽ say sưa nghe bà hát, cười đùa về nắng, gió, đầm lầy, biển, sóng New Orleans. Cũng có thể khóc tu hu như một đứa trẻ mới lớn bị mẹ đánh đòn tét đít, tùy bạn.
Những ai thích sự yên tĩnh thì chọn các quán cà phê ngoài trời, có sân khấu với dàn trống, trumpet và đàn harpe. Khách ngồi lặng lẽ bên dưới. Người nghệ sĩ lớn tuổi, tóc bạc, vest đen, râu dài vừa thổi trumpet, vừa hát jazz bên trên giữa tiếng harpe du dương, trống gõ nhè nhẹ. Tất cả xô bồ, náo nhiệt ngoài kia không thể chen vào được chốn thanh bình này.
Gặp lại Paris giữa lòng New Orleans 4Quán cà phê Jazz
3 Trái ngược với French Quarter sang giàu, nhộn nhịp, bên kia bờ đê ngăn dòng Mississippi, là khu ghetto (ổ chuột) nghèo nàn. Dấu vết cơn bão Katrina kinh hoàng năm 2005 vẫn lởn vởn quanh đây. Superdome, nơi hàng chục ngàn người da đen kéo về trú ngụ giữa lúc bão tố tung hoành vẫn còn sừng sững. Những khu nhà và đổ nát dọc bờ đê đã bị bỏ hoang sau cơn bão vì hư hại nặng. Hàng chục ngàn người đã rời thành phố này đi nơi khác kiếm sống. Những người da đen ở lại bám víu với đời sống tạm bợ, mãi khổ nghèo.
New Orleans nổi tiếng với những nghĩa địa và nhà ma ám, nhất là St.Louis Cemetery, một trong những nghĩa trang lâu đời nhất thế giới. Do mực nước ngầm ở đây rất lớn nên các ngôi mộ được xây nhô lên khỏi mặt đất, giống như một thị trấn hoang vắng, chết chóc, đầy rẫy những con dơi hút máu người. Một lần trong đời, bạn nên thử cảm giác đi một mình giữa đêm mưa lất phất hay mua tour chạy coi nghĩa trang và các lâu đài ma giữa đêm khuya thanh vắng. Cảm giác vừa thú vị chen lẫn chút sợ hãi, ma quái khó giải thích vô cùng.
Nhắc đến Louisiana, người ta nghĩ ngay đến crawfish thần thánh. Crawfish gần giống tôm hùm nhỏ, có càng dài, ít thịt, nhưng ngọt và dai, dễ gây nghiện. Mỗi pound sau chế biến có giá từ 3 - 4 đô la. Mùa crawfish kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6, mang lại giá trị kinh tế gần 120 triệu USD cho Louisiana. Người ta hấp hay xào crawfish với nhiều loại gia vị và nước xốt khác nhau. Ngon nhất là kiểu Cajun, rồi bơ tỏi, chanh tiêu... Độ cay tùy theo khẩu vị. Ăn crawfish đúng điệu phải kèm với khoai tây, bắp Mỹ và xúc xích. Bạn dễ dàng tìm thấy các nhà hàng crawfish sang trọng lẫn bình dân rải đều khắp New Orleans. Nếu xài smartphone, bạn nên tải Yelp về để tìm quán ngon quanh mình. Thử tưởng tượng, một buổi chiều mưa lành lạnh, ngồi lột vỏ, mút càng, nhai chút thịt ngòn ngọt, cay cay của crawfish, thật không gì sánh nổi.
Còn không, bạn nên tìm đến Mother’s Restaurant để ăn collard green (cải xanh, xắt nhỏ, nấu gần chín trong nước thịt có giấm) chua chua, beo béo và một phần đùi heo xông khói được coi là ngon nhất thế giới. Mà phải kiên nhẫn nghen, vì quán lúc nào cũng đông nghẹt khách.
Gặp lại Paris giữa lòng New Orleans 5
Bạn nên dành ít nhất ba ngày đi, ăn, ngắm phố và thưởng lãm hết những cảnh đẹp New Orleans. Để nhìn quẩn nhìn quanh, tìm hình ảnh của cặp đôi Daisy và Benjamin trong bộ phim Dị nhân Benjamin nổi tiếng qua diễn xuất của tài tử Brat Pitt và Cate Blanchett. Để lẩm nhẩm câu hát quen thuộc “There is a house in New Orleans. They call the Rising Sun...” - ca khúc Căn nhà trong ánh bình minh của ban nhạc The Animals. Để rải từng bước chân chầm chậm khắp French Quater, nghe trong từng căn nhà, vỉa hè, góc phố, lời tình tự trăm năm của chất Gô Loa lãng mạn, giữa nước Mỹ rộng lớn, mênh mông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.