Gập ghềnh vó ngựa

27/11/2010 13:55 GMT+7

(TNTS) Đua ngựa từ lâu được các nước trên thế giới mệnh danh là môn "thể thao hoàng gia" chỉ dành cho giới quý tộc. Trò giải trí thượng lưu này có doanh thu hàng năm nhiều tỉ đô la. Thời gian gần đây ở VN phong trào đua ngựa dân gian được phục hồi như hội đua ngựa ở Gò Thì Thùng (Phú Yên), Bắc Hà (Lào Cai). Riêng trường đua ngựa Phú Thọ (TP.HCM) hoạt động từ năm 1932, một thời được coi là một trong vài trường đua hàng đầu châu Á.

Nhếch nhác trường đua

Sau một thời gian gián đoạn, năm 1989 trường đua Phú Thọ được phép hoạt động trở lại nhưng còn dè dặt, cầm chừng. Đến năm 2004 công ty Thiên Mã ký hợp đồng hợp tác với Câu lạc bộ thể thao Phú Thọ cùng quản lý khai thác, tổ chức đua ngựa. Nhiều người trong giới chủ ngựa và những người có máu mê đua ngựa rất kỳ vọng vào một sự thay đổi toàn diện, hòng đưa môn đua ngựa của nước ta sánh ngang với các nước trong khu vực. Nhưng cách làm không chuyên nghiệp song hành với bao tiêu cực đã làm hoạt động trường đua ngày càng "xuống cấp" trong mắt nhiều người.

Để "thực mục sở thị", 12 giờ trưa ngày thứ bảy, chúng tôi theo chân một nhân vật cộm cán, một thời từng được mệnh danh là "đại ca" cá cược. Mặc dù đã "gác kiếm" và sang định cư Canada từ lâu, nhưng sự có mặt của Mai Chí Bằng đã được giới tuyệt phích (chơi độ) nồng nhiệt chào đón. Tiết trời còn đang trong mùa mưa nhưng buổi trưa hôm ấy nắng vẫn hầm hập. Thật bất ngờ khi thấy số người dự khán khá đông, tôi hỏi anh Khôi Nguyên, cũng là một chuyên gia đua ngựa, về số lượng người mua vé chính thức. Móc điện thoại gọi một người quen trong ban tổ chức, anh cho biết có khoảng 2.100-2.200 vé được bán ra với chừng ấy người.


Một khung cảnh bát nháo

Mỗi kỳ thường có từ chín hoặc mười đợt đua. Đợt 1 bắt đầu khởi đua với ngựa hạng C3, cự ly 900m với 12 ngựa đua. Hàng trăm người đứng lố nhố ở sân bãi chạy ùa ra lằn ranh xem ngựa xuất phát. Số người ngồi trên trên khán đài cũ kỹ cũng nhốn nháo đứng lên như cố phóng tầm mắt quan sát xem ngựa mình bắt độ có về đích không. Không khí ồn ào như vỡ chợ. Nhìn thoáng qua bản tin và đọc phần phân tích - dự đoán, chúng tôi đợi xem ngựa Hồng Quốc Anh hay Huỳnh Nữ Hiệp về nhất. Mai Chí Bằng có cách tính toán riêng của mình và anh nói cũng chỉ chơi cho vui thôi. Kết quả hoàn toàn khác với mọi dự đoán, và có người nói ngựa hay đã bị "níu" ngay từ đầu để những con xếp hạng sau vượt lên trước. Với vẻ mặt rầu rầu, Mai Chí Bằng nói sau này ra nước ngoài anh đi và  tìm hiểu nhiều về đua ngựa ở các nước, "mới thấy cách chơi của mình không giống ai, và trường đua ngựa thật chẳng khác gì cái chợ chồm hổm!”.   

Câu chuyện người chủ ngựa

Chiều chập choạng tối khi mọi người ra về hết, khu trường đua trở nên vắng lặng, bất chợt tôi thấy một người đàn ông dáng nhỏ, gầy gò trong chiếc áo xanh bạc màu đang lui cui nhặt rác. "Rác" ông tìm nhặt nào là vỏ chuối, vỏ bắp, vỏ dứa… tất tần tật được ông cho vào bao. Đó là những món ăn "khoái khẩu" dành cho đàn ngựa ông nuôi ở khu Bà Quẹo. Nuôi ngựa theo kiểu "con nhà nghèo" như vậy nhưng đàn ngựa của ông lên đến 20 con. Nếu nhẩm tính nuôi một con ngựa đua chi phí thấp nhất một tháng là 4 triệu đồng, mỗi tháng ước tính ông phải chi ra 80 triệu đồng để duy trì đàn ngựa.

Người chủ ngựa ấy là ông Lê Văn Nhiệm, xuất thân làm nài ngựa từ năm 1958 và ông theo đuổi cái "nghiệp" nuôi ngựa đua tới ngày hôm nay. Dù trải qua bao vất vả, bị vợ con cằn nhằn, ông vẫn không từ bỏ được đam mê của mình. Bằng giọng khàn khàn nhỏ nhẹ, ông nói chuyện thật hài hước: "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi ngựa. Số tôi vốn không khá nên phải nuôi ngựa là đúng rồi". Đàn ngựa cỏ và ngựa lai của ông đều có tầm vóc cao lớn, có con Super Star cao đến 1,58m. Ông nói mình đã tìm ra bí quyết nuôi ngựa hết sức độc đáo, có mấy người Nhật từng tìm đến để nghiên cứu, nhưng không khai thác được.


Du khách nước ngoài vào xem đua ngựa

Phải là người yêu nghề, quý ngựa như ông, cả một thời trai trẻ gắn bó với đàn ngựa đua mới tìm ra được bí quyết nâng cao tầm vóc ngựa cỏ. Đó là cái thời ở miệt quê, tình cờ ông mượn được ống nhòm hồng ngoại tuyến có thể nhìn đêm. Một tối ông lấy ống nhòm quan sát đàn ngựa ung dung gặm cỏ. Điều lạ là có những đám cỏ cao tốt nhưng đám ngựa  không ăn, trái lại có mấy đám cỏ cằn cỗi nhưng chúng lại giành nhau ăn có vẻ phấn khích lắm. Chăm chú quan sát ông phát hiện đám cỏ ấy hình như có một số loài côn trùng lạ. Sau một thời gian tìm hiểu, ông nhận biết được trong đám cỏ ấy có một vài chất khoáng vi lượng mà côn trùng và động vật theo bản năng biết tìm ra. Sau khi phối hợp được công thức, ông mua con giống chỉ cao 1,12m, sau một thời gian nuôi, đạt đến chiều cao 1,42m. "Chỉ khi nào ngành đua ngựa được tổ chức lại theo chiều hướng tốt hơn, tôi mới truyền bí quyết này ra ngoài", ông Nhiệm khẳng định. 

Tìm đâu một lối ra?

Ngựa cỏ theo cách nói của chúng ta để chỉ ngựa bản địa có tầm vóc thấp nhỏ. Tại các nước như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc cũng đều có đua ngựa cỏ bản địa. Giống ngựa thuần chủng trước đây có công ty nhập về VN 40 con, hiện đã chết 35 con, do điều kiện nuôi không phù hợp và chi phí quá cao. Một "đại gia" cỡ như anh Khôi Nguyên nuôi 3 con ngựa thuần chủng giống Ả Rập mỗi tháng phải chi ra 2.000 USD. Vị chuyên gia này phân tích: "Nếu có chiến lược lâu dài thì tốt nhất vẫn là lai tạo ngựa thuần chủng với ngựa cỏ. Chuẩn bị từ bây giờ thì chỉ cần sau 3 năm sẽ có đàn ngựa lai tầm vóc cao 1,4-1,5m, vượt qua mức ngựa cỏ hiện nay chỉ bình quân 1,25m". 

Là một Việt kiều về VN đầu tư, Khôi Nguyên có máu mê ngựa đua từ cha mình truyền lại. Với cái nhìn sâu sắc, anh cho rằng hầu hết giới chủ ngựa hiện nay đều xuất thân từ nài ngựa hoặc mã phu (người chăm sóc ngựa). Còn nhà  tổ chức hiện nay chỉ chăm chăm "ăn xổi", không có sự đầu tư, tất cả gần như loay hoay không tìm ra lối đi. "Từ một môn giải trí dành cho giới "quý tộc" giàu có, bây giờ trở thành môn đua ngựa - cá cược hết sức bát nháo như vậy thì giới có tiền ai chịu đến?".

Trên tạp chí Forbes từng có bài phân tích số lượng người giàu ở VN mới nổi lên đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Người giàu ở đâu cũng muốn chứng tỏ đẳng cấp. Vì vậy nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra sắm máy bay, tậu du thuyền, mua Rolls Royce… Sở hữu ngựa đua cũng là một cách chứng tỏ đẳng cấp từ trước đến nay trên thế giới. "Nếu ta kéo được giới nhà giàu vào cuộc thì dứt khoát môn đua ngựa sẽ trở thành một ngành "công nghiệp không khói", đóng góp không ít tiền cho ngân sách, cùng góp phần phát triển du lịch".

Một vị quan chức trong ngành thể thao (yêu cầu giấu tên) cho rằng những khiếm khuyết trong hệ thống tổ chức đua ngựa còn nhiều lắm. Từ việc sử dụng nài ngựa nhỏ tuổi, ép cân vi phạm luật lao động, đến việc cá cược lậu song song tồn tại gây thất thu thuế vẫn chưa giải quyết được. Tiếng nói của giới chủ ngựa chưa được coi trọng do chưa thành lập được hiệp hội chủ ngựa. Việc mua độ, bán độ vẫn thường xuyên xảy ra do những quy chế của ta xây dựng không theo thông lệ quốc tế, dễ dẫn đến gian lận. Và câu hỏi đâu là hướng ra cho môn đua ngựa vẫn còn bỏ ngỏ.

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.