"Du mục" thời hiện đại

30/05/2006 23:00 GMT+7

Sống trong những khu nghỉ mát sang trọng và biệt lập, di chuyển bằng máy bay riêng, trực thăng hay du thuyền đắt tiền chính là một phần trong cuộc sống của các "du mục" thời hiện đại (nomad) - những người mà đối với họ, năm châu, bốn bể là nhà.

Trước đây, giàu có nghĩa là phải cắm rễ tại một nơi nào đó. Một gia đình giàu có sẽ xây một biệt thự thật to trong thành phố, tậu thêm một ngôi nhà tại vùng thôn quê để nghỉ ngơi cuối tuần, kế đến là chất đầy ngôi nhà bằng các bức họa nổi tiếng, đắt tiền, rồi mua sắm đồ trang sức và có hẳn một đội ngũ người giúp việc. Họ là thành viên của những câu lạc bộ "đinh" nhất tại thành phố họ sống, thường xuyên lui tới những nhà hàng sang trọng. Nay người giàu năm 2006 đã khác xa. Họ vẫn sống sung túc, nhưng lại có khuynh hướng di chuyển liên tục, từ châu lục này sang châu lục khác như đi chợ. Nếu đặc trưng của giới nhà giàu trước đây là sự ổn định thì của lớp người giàu mới là sự di động và cả thế giới là nhà.

Một phần của sự biến đổi trên là do người giàu thì càng giàu thêm và ngày càng có nhiều cách thức để đầu tư tiền của cũng như tiêu xài chúng. Theo báo cáo Những người giàu trên thế giới năm 2005 do Merill Lynch và Capgemini thực hiện, số triệu phú trên thế giới hiện ở mức 8,3 triệu người, tăng 7,3% so với năm trước đó, và nắm trong tay số tài sản trị giá 30,8 nghìn tỉ USD. Số lượng những triệu phú có trên 30 triệu USD đang tăng nhanh nhất và xu thế hiện nay cho thấy số triệu phú tại các nước đang phát triển tăng nhanh hơn so với các nơi khác trên thế giới. Thống kê của Tập đoàn tài chính UBS (Mỹ) ghi nhận, năm ngoái thêm 76 tỉ USD được các đại gia tạo ra, tăng 57% so với năm 2004.

Thế hệ "du mục" thời hiện đại phất lên nhờ chính sách toàn cầu hóa, các hợp đồng xuyên biên giới đã biến thế giới trở nên nhỏ hẹp trong khi gia sản của họ ngày càng phình to. Nomad luôn tìm kiếm các thị trường mới và lực lượng lao động rẻ đã lôi kéo họ đến những nơi xa xôi trên trái đất, và cứ thế mạng lưới của họ phát triển trong khi các mối liên hệ ràng buộc với nơi chôn nhau cắt rốn cứ mờ nhạt dần. Theo một số thống kê, 15% bất động sản tại Tây u là những ngôi nhà thứ 2 của các nomad và London là một trong những "sân chơi" phổ biến nhất đối với họ nhờ vào chính sách thuế hào phóng. Sự riêng tư chính là thứ "tài sản" đắt đỏ mà các đại gia thèm muốn nhất. Công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực an ninh cá nhân Kroll (Mỹ) cho biết công việc kinh doanh phục vụ các cá nhân giàu có với tài sản hơn 500 triệu USD đã tăng 67% trong 2 năm qua. Kroll cung cấp một dịch vụ trọn gói, gồm kiểm tra an ninh nhà cửa, cung cấp máy bay riêng, du thuyền và văn phòng của các khách hàng cao cấp. Nhà đồng sáng lập hãng Microsoft P.Allen và tỉ phú giàu nhất nước Nga R.Abramovich sẵn sàng chi hàng chục triệu USD để thuê các tàu ngầm cá nhân tuần tra thường trực phía dưới các du thuyền đắt tiền của mình để phòng bị tấn công.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với các nomad là chuyện học hành của con cái. Trước đây, họ chỉ có lựa chọn duy nhất là gửi con đến học tại các trường châu u hay Bắc Mỹ. Tuy nhiên, giờ đây họ có khuynh hướng hướng đến gia đình hơn và không muốn sống xa con cái. Trong khi một số ít vẫn thích mướn gia sư riêng, các trường quốc tế chất lượng hàng đầu đã trở thành sự lựa chọn phổ biến của những đại gia. Chương trình tú tài quốc tế (IB), hiện có mặt tại 122 nước và được gần 2.000 trường áp dụng, ngày càng được ưa chuộng. Có cả những trại hè dạy cho những cậu ấm cô chiêu cách quản lý gia sản trong tương lai. Và trong tương lai, những đứa trẻ này sẽ lại tiếp tục cuộc sống tự do nhờ vào nền tảng là đôi cánh mà cha mẹ chúng đã tạo ra trước đó. Chúng không dính chặt vào một nơi, mà thay vào đó cứ tiếp tục cuộc sống thượng lưu tại bất kỳ nơi nào mà chúng muốn.

Thụy Miên
(Newsweek)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.