Đồng tiền đong nước mắt

21/12/2010 12:30 GMT+7

Cả đời lam lũ với mong ước thoát khỏi cảnh nghèo nhưng đến cuối đời, có chút dư dả thì lại đổi thay cách sống và nhận lấy kết cục buồn.

Hơn nửa thế kỷ, ông bà Hai sống với nhau trong căn nhà ngói cũ kỹ có cây trái bao quanh ở Biên Hòa, Đồng Nai. Hằng ngày, bà gói bánh tét đem ra chợ bán, ông phụ bà rọc lá, chụm lửa. Chính vì thế, người ta gọi bà là bà Hai bánh tét.

Gánh bánh tét bình yên
 
Sáu người con được ông bà nuôi ăn học từ gánh bánh tét này. Cô cậu nào cũng đã từng ăn bánh tét trừ bữa mà lớn được đến ngày nay. “Tui nhớ những ngày chúng nó còn nhỏ, nhà nghèo nên đứa nào cũng biết thân biết phận, đi học về là lao vào giúp đỡ ba mẹ. Ngày đó, mỗi ngày Tết đến, gia đình lúc nào cũng quây quần, chia nhau những cặp bánh tét bán không hết. Sung sướng không bằng nhà người ta, nhưng khổ cực cũng chẳng ý nghĩa gì, chỉ thấy con cái sum vầy là hạnh phúc rồi” - bà Hai bánh tét bùi ngùi nhớ lại.
 
Rồi các con cũng lần lượt lập gia đình. Gánh bánh tét của ông bà cũng teo đi vì ngày càng có nhiều món ăn mới cho người ta lựa chọn. Những đứa con cũng vì gia đình mình, chẳng còn về quây quần bên cha mẹ nữa.
 
Tha hóa vì tiền
 
Năm 2003, nhà đất của ông bà Hai bánh tét nằm trong diện quy hoạch. Khi giải tỏa, ông bà được đền bù vài trăm triệu đồng và một miếng đất tái định cư.

Bắt đầu từ chính ông Hai thay đổi. Nhiều năm sống trong cảnh chạy ăn từng bữa, cầm số tiền vừa lãnh được, ông Hai như nằm mơ vì từ nào đến giờ ông chưa hề thấy món tiền to như thế. Ông cất nhà cấp bốn đơn sơ, còn bao nhiêu tiền gửi ngân hàng lấy lãi. Ông không đồng ý sống chung với bà trong căn nhà mới xây, bà về ở đậu nhà của người em gái không chồng. Ông bo bo giữ tiền, không cho bà một xu trả nợ, tuyên bố đó là đất của cha mẹ ông nên ông hưởng trọn tiền đền bù.
 
Thế là dù chồng có bạc triệu, bà vẫn ngày ngày vay lãi để có tiền làm vốn mưu sinh. Ông sắm quần này áo nọ, tậu xe máy đời mới để chở bồ nhí đi đây đi đó, dù gần đến tuổi thất thập cổ lai hy. Ông chê bà là que củi khô cằn, cần tìm một phụ nữ trẻ trung đầy hấp dẫn để cùng ông hưởng lạc thú trong những năm tháng cuối đời. Hàng xóm láng giềng trong khu tái định cư chê ông già còn chơi trống bỏi, cho rằng các cô bồ nhí chỉ lợi dụng tiền bạc của ông. Họ nói đâu có sai.
 
Tuổi già khốn khó
 
Vợ chồng người con trai cả đòi về ở với ông, nhiều lần ông khăng khăng lắc đầu. Nàng dâu lập mưu chiếm đoạt căn nhà đáng giá gần một tỉ đồng bằng cách mấy mẹ con mở khóa mang đồ đạc vào nhà. Cha con gây lộn om sòm. Rốt cuộc, ông Hai chịu thua vì sợ hàng xóm chê cười. Vợ chồng người con trai hứa dành cho ông một phòng riêng dù nhà cửa chẳng rộng rãi gì. Lúc đầu, người ta cũng thấy ông ngồi ăn cơm cùng con cháu ở phòng khách; sau đó, ông đi về thất thường, rồi hơn một tháng sau, ông không về ngôi nhà đó nữa.

Bà Hai kể: “Ông ấy hết tiền, bị con dâu chửi chó mắng mèo nên về sống với tôi. Hai vợ chồng già hủ hỉ rau cháo có nhau. Con dâu đã bắt buộc ông lấy  hết tiền ở ngân hàng để cất nhà (gần trăm triệu đồng). Dăm bữa nửa tháng, ông ghé nhà đó nhưng nàng dâu tìm cách đuổi khéo cha chồng, cháu nội lơ là với ông; chúng nó sợ ông trở về chật nhà chật cửa”.
 
Giờ đây, hằng ngày, ông đi bưng bê cà phê ở quán của người quen, bà rửa chén ở quán nhậu để kiếm tiền nuôi thân già. Bà Hai than: “Chân tay, mình mẩy tôi đau nhừ. Ngày xưa làm bánh tét vậy mà ổn định hơn làm mướn bây giờ. Tôi biết khổ nhưng không muốn về với con cái. Ăn được miếng cơm của con cháu nhưng bị dằn hắt đủ điều vì bây giờ chúng tôi không còn đồng bạc dính túi.
 
Ông ấy không nói được con vì đã từng sống không ra gì. Tôi về với chúng chắc không đến nỗi nhưng chúng nó sẽ tìm cách chửi bới cha nó. Tôi dù sao cũng thương ông ấy, già rồi, cũng có phần ngu dại, giờ trách mắng nhau cũng được gì đâu. Thôi thì sống với nhau cho hết đời, đói khổ cũng vậy mà thôi”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.