Đổ lỗi

09/09/2011 16:47 GMT+7

Đổ lỗi dường như đã trở thành thói quen của nhiều người. Hành động đó như là một phản xạ tự nhiên. Khi họ mang nó vào trong kinh doanh, sự đổ lỗi ấy dù nghe có vẻ hợp lý hay không cũng đều mang đến hậu quả hết sức nguy hiểm về lâu dài mà ít người nghĩ đến: mất khách hàng!

Tình trạng đổ lỗi gặp nhiều hiện nay là trong lĩnh vực mỹ phẩm, nhất là mỹ phẩm được bán qua điện thoại. Đã có rất nhiều trường hợp người dùng dùng không hiệu quả phản ảnh đến nhà cung cấp mỹ phẩm đều nhận được chung một câu trả lời thoái thác trách nhiệm: “Do cơ thể chị không hợp, không thích ứng với sản phẩm”. Không hề có chuyện bồi thường, hay chí ít là trả tiền lại cho khách. 

Trong các lĩnh vực khác cũng không thiếu. Chẳng hạn, trường hợp anh Nguyễn Tuấn Huy Bá (Q.12, TP.HCM) mua một chiếc laptop dùng chỉ 5 ngày thì bị hỏng, mang đến trung tâm bảo hành thì nhân viên mở máy, ngó qua ngó lại phán ngay: “Máy hỏng do anh dùng không đúng cách, chứ không phải do lỗi kỹ thuật hay linh kiện nên phải tính thêm phí”. Anh Bá nhất quyết không đồng ý thì nhân viên lại đưa ra lý do khác để đổ lỗi: “Máy đã được mang đi sửa ngoài nên trung tâm không nhận sửa”. Bức xúc, anh Bá “hầm hầm” ôm máy ra về và thề với lòng không bao giờ quay lại hay mua hàng của hãng này nữa.

Chị Huỳnh Thị Ngoãn (Long An) còn gặp chuyện “bực” hơn. Chị mua xe mô tô của một hãng xe nổi tiếng, nhưng chỉ trong vòng 1 năm sau khi mua, xe 3 lần bị hỏng linh kiện, chi phí sửa mỗi lần hơn 4 triệu đồng. Dù còn hạn bảo hành nhưng lần nào công ty cũng đổ lỗi là do… trong nhớt có chất lạ nên phá hỏng linh kiện, bắt chị Ngoãn trả tiền sửa. “Quá phi lý, tại sao khi tôi và em tôi thay nhớt xe cùng chỗ, cùng loại nhớt nhưng chỉ có xe tôi bị hỏng”, chị Ngoãn bức xúc. Ngoài ra, chị còn cho biết: “Mỗi lần mang đến họ đều không sửa liền, cứ vòng vo đổ lỗi để khách chịu trả chi phí sửa thì mới thôi. Tôi định đi kiện cơ quan chức năng nhưng rồi thôi vì nghĩ mình quá bận rộn, không có thời gian đi kiện”, chị Ngoãn tâm sự.

“Thay vì tiếp thu để cải tiến sản phẩm, đền bù xứng đáng cho khách hàng để giữ khách thì doanh nghiệp chỉ biết đổ lỗi. Họ chỉ thấy được cái lợi trước mắt là không phải tốn chi phí sửa chữa nhưng không nhìn thấy cái xa hơn, là sự ra đi của người tiêu dùng khi cảm thấy mình không được trân trọng, không được đảm bảo quyền lợi chính đáng”, chị Ngoãn lắc đầu ngao ngán. 

Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.