Đi tìm ý nghĩa bộ lịch của người Maya cổ đại

18/12/2012 21:38 GMT+7

(TNO) Theo bộ lịch Long Count (Đếm dài) của người Maya cổ đại, một kỷ nguyên 5.125 năm sẽ kết thúc vào hôm 21.12.2012, vốn là ngày hoan hỉ đón chào cái mới đối với người Maya đương đại ở Mexico và Trung Mỹ. Nhưng cũng nhiều người lại tin đó sẽ là ngày tận thế.

Dự đoán hàng triệu khách du lịch sẽ đến khu vực Trung Mỹ vào ngày 21.12 để chiêm ngưỡng pháo hoa, những buổi trình diễn ca nhạc và nhiều hoạt động khác được tổ chức tại những khu di tích khảo cổ tại đây, theo AFP.

“Lịch Đếm dài không chỉ để dùng để đếm ngày”, AFP dẫn lời ông Alvaro Pop, nhà nhân chủng học người Guatemala, thành viên của Diễn đàn về các vấn đề dân tộc học Liên Hiệp Quốc.

Lịch Đếm dài của người Maya còn đại diện một mô hình cho thấy “những hoạt động của các thiên thể (chẳng mặt trời và các ngôi sao) và cách chúng ảnh hưởng đến đời sống theo một chu kỳ”, ông Pop giải thích.

Reuters dẫn nguồn cuộc khảo sát toàn cầu của Công ty khảo sát Ipsos công bố ngày 1.5 cho biết, gần 15% người dân trên thế giới tin rằng tận thế sẽ xảy ra,  10% tin rằng 21.12.2012 là ngày tận thế theo lịch của người Maya cổ đại. Cứ 10 người trên thế giới thì có 1 người cảm thấy sợ hãi và lo âu về ngày tận thế. Ipsos tiến hành cuộc khảo sát với 16.262 người tại 20 quốc gia trên thế giới. (đọc thêm)
Nhờ vào đó mà con người ở nền văn minh cổ đại có thể phát hiện những ảnh hưởng của các thiên thể lên thủy triều, sinh sản và cây cối, ông Pop cho biết thêm.

Và lịch Đếm dài đã trở thành một di sản của nền văn minh người Maya cổ đại, nhưng nhiều người lại cho rằng ngày 21.12.2012 theo lịch người Maya là ngày tận thế.

Ngoài bộ lịch này, người Maya còn đóng góp rất nhiều cho nền văn minh cổ đại từ kiến trúc đến dệt may và thực phẩm.

Maya là những người đầu tiên trồng ngô, cách đây khoảng 3.000 năm. Đến nay, ngô vẫn là nguyên liệu chính trong các món ăn tại Mexico và Trung Mỹ.

Người Maya cũng nằm trong số những dân tộc biết sử dụng và trồng ca cao, đồng thời có ý tưởng tạo ra một chất dẻo ăn được từ cây Manilkara chicle, tạo tiền đề cho kẹo cao su thời nay.

“Người Maya hiện đại và tiền thân của họ, đáng chú ý nhất là ở Guatemala, nổi tiếng với những loại vải nhiều màu sắc, thể hiện cuộc sống muôn màu ở Trung Mỹ”, theo ông Pop.

Người Maya có 36 thứ ngôn ngữ khác nhau. Những ngôn ngữ này, có hệ thống từ vựng, chữ viết và ngữ pháp hoàn hảo, vẫn còn được sử dụng đến ngày nay trong các cộng đồng người dân tộc thiểu số, theo AFP.

Theo bà Ana Cecilia Arias - nhà nhân chủng học người Costa Rica, người Maya cổ đại biết thiết kế, xây dựng các kim tự tháp và có nhiều đóng góp to lớn trong việc thiết kế các nhà thờ ở Trung Mỹ.

Tourists climb the Maya pyramid of Nohoch Mul at the archaeological site of Coba
Du khách trèo lên kim tự tháp của người Maya, Nohoch Mul tại khu di tích khảo cổ Coba, Mexico - Ảnh: Reuters 

Ngày nay, nhiều di tích trung tâm tôn giáo và kim tự tháp của người Maya vẫn còn được bảo tồn tại Mexcio, Guatemala, Honduras và El Salvador.

Nhưng có lẽ di sản lớn nhất của người Maya chính là con người, hậu duệ của người Maya cổ đại hiện còn sinh sống tại Trung Mỹ, chủ yếu ở Guatemala và Mexico.

Chính phủ liên bang Mexico không chính thức công nhận 21.12.2012 là ngày tận thế, nhưng cơ quan quản lý ngành du lịch nước này đã cho ra trang web Mundo Maya 2012 với bộ đếm ngược thời gian đến tận thế.

Website này còn cung cấp đầy đủ thông tin về các sự kiện, đặt phòng khách sạn, vé máy bay cho du khách có nhu cầu đến đây để tận hưởng ngày tận thế 21.12.2012.

Dự kiến khoảng 200.000 người sẽ đến khu di tích khảo cổ Maya mang tên Chichen Itza trong đêm 20.12.2012 để đón ngày tận thế.

Người dân tộc Maya ở Guatemala ngày 24.10.2012 đã cáo buộc chính quyền và các công ty du lịch lợi dụng tin đồn ngày tận thế trong lịch của người Maya để kiếm tiền, theo tin tức từ AFP.

Theo Reuters, người dân Maya ở Mexico cũng không mấy vui với việc nhiều người lợi dụng lịch của họ để đồn đại về tận thế.

“Nếu người ta tin có tận thế thì để cứ để cho họ đến. Không ai ở đây tin vào tận thế cả”, bà Jose May, một quan chức người gốc Maya, thuộc ngành du lịch ở thị trấn Merida, bang Yucatan (Mexico) nói.

Một người phụ nữ đứng trước một kim tự tháp của người Maya cổ đại ở Mexico - Ảnh: Reuters
Một người phụ nữ đứng trước một kim tự tháp của người Maya cổ đại tại Khu bảo tồn di tích Maya, Chichen Itza ở Mexico - Ảnh: Reuters

Thị trấn Meridad đang tấp nập chuẩn bị cho lễ hội của người Maya vào ngày 21.12 này. Ở gần thị trấn Merida là thị trấn người Maya có tên Xul (có nghĩa kết thúc), một nhóm người Ý đã đến đây xây dựng những hầm trú ẩn tận thế từ hồi năm 2008.

Đến nay, những căn hầm này trở thành Khu resort tận thế Eco Spa Las Aguilas.

“Chẳng có tận thế gì cả. Mọi thứ cũng chỉ là tin đồn. Còn chúng tôi thì muốn có nhiều khách du lịch đến nghỉ tại resort. Thế mà mấy anh phóng viên đến đây chụp ảnh và viết nhiều bài báo nhạy cảm về khu resort”, ông Andrea Podesta, phó giám đốc resort nói trên cho biết.

Phúc Duy
 

>> Kẻ đâm học sinh “bị ảnh hưởng bởi tin đồn tận thế”
>> Nhà văn Lê Minh Khuê và "ngày tận thế
>> Nga khẳng định "thế giới không kết thúc vào ngày 21.12
>> Tại sao thế giới không kết thúc vào ngày 21.12.2012? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.