Dì ghẻ, nạ dòng thời thế giới phẳng

07/01/2015 16:11 GMT+7

Xét ra, 'dì ghẻ' hay 'nạ dòng' tự thân không phải là người có lỗi. Cái lỗi chính là định kiến xã hội hàng trăm năm chưa bao giờ được đem ra mổ xẻ nghiêm túc. Rồi việc thiếu vắng những cách hành xử nhân văn và lòng bao dung cũng đã tạo nên những khắc nghiệt của xã hội đối với 'dì ghẻ', 'nạ dòng'.

Xét ra, “dì ghẻ” hay “nạ dòng” tự thân không phải là người có lỗi. Cái lỗi chính là định kiến xã hội hàng trăm năm chưa bao giờ được đem ra mổ xẻ nghiêm túc. Rồi việc thiếu vắng những cách hành xử nhân văn và lòng bao dung cũng đã tạo nên những khắc nghiệt của xã hội đối với “dì ghẻ”, “nạ dòng”.

1. Em lấy chồng. Lễ cưới tổ chức gọn nhẹ. Lý do đơn giản là vì chồng em đã có một đời vợ trong khi em chưa có đời chồng nào. Hai em đến với nhau cũng nhiều khó khăn.
Bố mẹ thì không có ý kiến gì, chỉ mong vợ chồng em hạnh phúc. Con riêng của chồng em quất quýt lấy em, gọi em là mẹ trìu mến! Họ hàng hai bên đến chúc phúc trong lễ cưới. Bên vợ cũ của chồng em cũng ra chúc mừng. Dù có những khoảng lặng, những tất bật… nhưng hai em luôn cố gắng tỏ ra là người vui vẻ.
Cũng dễ hiểu. Trước đó, hàng xóm láng giềng hai bên lời ra tiếng vào, bàn tán xôn xao. Đã có lúc hai em cảm thấy mệt mỏi, chán chường, định thôi. Người thì bảo em “vơ bèo vạt tép”, bảo em “cố đấm ăn xôi”. Có người lo nghĩ cho “người lớn”, bảo thế thì sau này bố mẹ… ba bên nhìn ngó nhau thế nào. Có người lại lo nghĩ cảnh “dì ghẻ con chồng”.
Hai em không tổ chức đám cưới ở quê, mà chọn một nơi “trung lập”. Nhiều người dựa vào lễ giáo, truyền thống, gia phong để xì xầm về việc “cưới chui”. Âu cũng là điều hợp lẽ khi các em đã cố gắng chống chọi với tiếng đời.
Lễ cưới cũng qua được một tháng. Gọi điện hỏi thăm, các em bảo mình đang hạnh phúc, đang xây nhà để tết này có chốn riêng tư. Ừ thì đời sống vợ chồng chắc cũng còn nhiều gian truân phía trước, nhưng cứ tin nỗ lực sẽ đưa hai đứa đến bến bờ hạnh phúc.
2. Tôi có cô bạn, có thể gọi là đồng nghiệp cũ, vì chúng tôi có thời gian làm việc cùng nhau, tuy ngắn. Năm 2012 tôi cưới vợ, cũng là lúc cô hoàn tất các thủ tục để vu quy về bên nhà chồng tận trời Âu.
Điều đáng nói, đây là lần thứ hai cô nhận lời cầu hôn và người cầu hôn là một chàng trai Thụy Sĩ chưa một lần lập gia đình. Cả hai cảm mến nhau qua công việc, rồi quyết định gắn bó cuộc đời với nhau. Cô có hai người con. Cô chẳng muốn tổ chức đám cưới linh đình, vì nghĩ rằng mình đã một lần lên xe hoa.
Nhưng chàng trai Thụy Sĩ không nghĩ như vậy. Anh bảo rằng cô bạn tôi đã được ăn cưới mình một lần rồi, còn chàng chưa được ăn cưới mình lần nào. Như thế là bất công! Thế là đám cưới được tổ chức linh đình, gần gũi, quan khách hàng trăm người tới dự. Sau đám cưới, chàng trai Thụy Sĩ bảo chưa bao giờ được dự một đám cưới nào vui như đám cưới của mình.
Cuộc sống của vợ chồng cô sau đó được một đài truyền hình của Việt Nam làm phim, phát sóng rất nhiều lần như một minh chứng về hạnh phúc. Vài đoàn làm phim của các nước khác cũng muốn đưa câu chuyện của vợ chồng cô lên sóng, nhưng lúc đó chàng trai Thụy Sĩ đã về nước để lo thủ tục đưa cô và hai con sang đoàn tụ. Chàng trai Thụy Sĩ quan tâm, lo lắng cho các con cô như thể đó là con ruột của mình, chẳng có chút gì gọi là “khác máu tanh lòng”! Giờ đây, tôi và nhiều bạn bè của cô cứ chiêm nghiệm và ngắm nhìn hạnh phúc của cô thông qua những hình ảnh cô đăng tải trên Facebook, và tạ ơn vì món quà lớn lao, đích thực mà cuộc đời đã ban tặng cho cô.
3. Hai câu chuyện gần giống nhau. Hai góc nhìn của Việt Nam và Thụy Sĩ. Hai cách hành xử hoàn toàn khác nhau. Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng những nét lễ giáo, gia phong, truyền thống của chúng ta quá khắt khe đến mức có thể làm lu mờ những giá trị nhân văn phổ quát khác? Những câu ca dao như: “Nạ dòng lấy được trai tơ/ Đêm nằm hí hửng như mơ được vàng/ Trai tơ lấy phải nạ dòng/ Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”, thực sự là những định kiến, những con dao sắc lạnh cứa đứt những ước mơ hạnh phúc mà bất cứ ai, dù là “nạ dòng” hay “dì ghẻ” cũng có quyền mưu cầu.
Lại có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Dẫu biết rằng thực tế xã hội Việt Nam được phản ánh trong câu ca dao nói trên hẳn nhiên là một… thực tế. Nhưng cũng vì định kiến xã hội, vì “tác dụng” của câu ca dao ấy mà mẹ kế và con chồng nhiều khi đâm ra ghét nhau. Lẽ ra, việc con người biết yêu thương nhau phải trở thành lẽ sống phổ quát, thì việc “khu biệt” những đối tượng để yêu thương nhau lại trở thành thường trực trong đời sống xã hội.
Xét cho đến cùng, “dì ghẻ” hay “nạ dòng” tự thân không phải là người có lỗi. Cái lỗi chính là định kiến xã hội hàng trăm năm chưa bao giờ được đem ra mổ xẻ, bàn luận và tìm một giải pháp nghiêm túc. Rồi việc thiếu vắng những cách hành xử nhân văn và lòng bao dung cũng đã tạo nên những khắc nghiệt của xã hội đối với “dì ghẻ”, “nạ dòng” nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.
Cùng kiến tạo một xã hội nhân văn, có lẽ nên bắt đầu từ việc thay đổi hoặc bỏ đi những định kiến khắc nghiệt hàng trăm năm đối với phận người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.