Dị án ly hôn: Thầy dùi trật lất

25/11/2013 09:00 GMT+7

Thời Tam Quốc, Khổng Minh làm quân sư cho Lưu Bị, hay cầm trên tay chiếc quạt để bàn việc chiến sự. Đời sau nhân đấy mà sáng tạo ra cụm từ quân sư quạt mo (?). Nhiều vụ ly hôn, cũng do có “quân sư quạt máy” làm thầy dùi nhưng dùi trật lất.

Dị án ly hôn: Thầy dùi trật lất

Minh họa: DAD

Anh là một người lái xe đường dài. Chị là một phụ nữ xinh đẹp, hiền hòa chuyên lo việc bếp núc ở nhà. Cái nghề lái xe coi vậy mà bay bướm đến nỗi anh… có bồ từ rất lâu mà chị không hay. Chị chỉ lờ mờ nhận ra điều ấy mỗi khi anh về nhà, lăn ra ngủ như chết, quên cả chuyện phải làm “nghĩa vụ dân sự” với vợ như bao nhiêu lứa đôi trẻ trung khác ở trên đời. Nghi ngờ, một lần chị bám theo anh và nhìn thấy anh vào nhà nghỉ với một phụ nữ khác.

Chị xót xa, đem chuyện ấy nói với một người bạn gái. Người bạn nghe vậy thì tức mình, bèn xúi chị: “Mi làm đơn gửi ra tòa xin ly hôn với hắn, kiện hắn sợ trắng máu cho tau”. Chị ngần ngại: “Nộp đơn xin ly hôn thì dễ rồi nhưng lỡ hắn tưởng… thiệt, đồng ý ly hôn thì chết cha tau”. Người bạn cự: “Cái chi mà chết? Răng mi thiếu tự tin rứa? Mi đẹp hơn con nớ nhiều; hắn chỉ mê mi chớ không mê cái đồ yêu nớ. Tòa sẽ mời mi và hắn ra hòa giải bốn năm lần; một hai lần đầu mi cứ không chịu hòa giải cho hắn kinh. Cứ rứa, tới lần thứ ba đợi cho hắn năn nỉ rớt răng ra, mi mới chịu hòa giải sống chung lại. Mi làm rứa thì hắn mới biết… lễ phép với mi, từ nay không dám léng phéng với con khác. Hiểu chưa, đồ ngu?”.

Nghe quân sư quạt máy dạy việc, chị an tâm làm cái đơn gửi lên tòa án, xin ly hôn với chồng. Lý do xin ly hôn ghi rất rõ: Chồng ngoại tình. Tòa cảm thấy có thể hàn gắn lứa đôi trẻ trung này được, bèn mời đôi bên đến hòa giải.

Phiên hòa giải đầu tiên diễn ra cực kỳ gay cấn với những lập luận của chị. Tòa hỏi lại: “Ý chị thế nào, có chịu hòa giải không?”. Nhớ lời quân sư dạy phải làm cho hắn kinh, năn nỉ cho rớt răng ra, chị nói: “Tui nhứt quyết xin tòa cho ly hôn”. Tòa bèn hỏi anh chồng: “Ý anh thế nào, có chịu hòa giải không?”. Chị hồi hộp đợi nghe anh chồng có mấy lời năn nỉ như quân sư quạt máy đã dùi. Trong khi ấy, anh chồng nghe nói đến hai chữ “ly hôn” thì mừng như điên vì từ nay anh có quyền thoải mái đến với cô bồ. Nghe tòa hỏi, anh nói trớt lớt: “Tôi cũng đồng ý xin tòa cho ly hôn!”.

Than ôi, bà bạn đã dùi trật chìa! Pháp luật hôn nhân và gia đình có quy định tòa phải hòa giải cho đôi bên nhưng không quy định phải hòa giải bốn năm lần như quân sư nhầm lẫn. Tòa thấy đôi bên không còn thương yêu chi nữa, bèn cho phép họ ly hôn… thiệt!

Chị vợ không ngờ con bạn dùi ác như vậy bởi lòng chị biết mình còn thương yêu anh. Chị ra trước cổng Viện Kiểm sát nhân dân ngồi khóc nức nở một chặp. Các kiểm sát viên ái ngại, cảm thấy thương chị nhưng họ cũng chẳng biết giúp gì cho chị được. Nhiệm vụ của họ là kiểm sát xem vụ cho phép ly hôn có đúng pháp luật tố tụng dân sự hay không. Tòa làm đúng thì họ không can thiệp vào đâu được.

Khi vợ là vệ sĩ

Cả hai vợ chồng đều có chữ “sĩ” trong công việc làm: Chồng là sĩ quan; vợ là vệ sĩ trong một khu công nghiệp. Họ sống chung với nhau, có một con. Cuối năm 2011, anh chồng gửi đơn lên tòa án huyện, xin ly hôn với vợ.

Trong đơn trình bày và trước phiên tòa sơ thẩm, anh chồng nguyên đơn nói: “Thưa quý tòa, vợ tôi làm vệ sĩ nên thường xuyên đi tiếp khách, uống bia say xỉn, có khi khuya lơ khuya lắc mới về. Đã vậy, mỗi lần về, cô ấy còn la lối, cãi vã nặng lời và vô lễ với cha mẹ chồng. Cô ấy không hề quan tâm đến con cái, cứ coi như là con của ai chớ không phải là con do cô ấy sinh ra. Tóm lại, cô ấy quậy phá gia đình rất dữ dằn. Tôi xin ly hôn là như vậy”.

Chị vợ bị đơn xác nhận do hoàn cảnh và yêu cầu của công việc, chị có tiếp khách, uống bia và về trễ. Tuy nhiên, chị nhấn mạnh: “Tôi có tiếp khách nhưng rất đứng đắn với những người đàn ông khác mà ảnh cứ ghen. Tôi có uống bia nhưng... không say xỉn, mà ảnh cứ chửi bới. Thảng hoặc, có khi tôi có say xỉn chút ít, về khuya định lăn ra ngủ thì ảnh lại đánh tôi. Tôi có la, nhưng không la cha mẹ chồng, chỉ cãi với họ và ảnh. Tôi không muốn ly hôn, xin tòa cho vợ chồng đoàn tụ để nuôi con”.

Anh chồng phản biện: “Thưa tòa, con ni hắn nói láo. Hắn làm vệ sĩ, có học... võ công; tôi làm sao dám đánh hắn được? Mà cái mùi bia với mùi thịt... chó nồng nặc xông lên hoài, nghe gướm lắm”. Cứ vậy, đôi bên nói qua nói lại, cãi tới cãi lui khiến tòa nghe điếc cả “con ráy” (màng nhĩ).

Tòa án huyện xét xử sơ thẩm, cho họ ly hôn; con giao về mẹ nuôi dưỡng. Chị vợ không đồng ý, kháng cáo xin xét xử phúc thẩm. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm. Anh chồng thở một cái khì: “Vậy là thoát được con vợ vệ sĩ”.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.