Dê núi Ninh Bình

23/02/2015 05:40 GMT+7

(TN Xuân) Được nuôi thả trên núi đá vôi, ăn lá cây hoang dã chứa nhiều vị thuốc... nên dê Ninh Bình có hương vị riêng, trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước.

(TN Xuân) Được nuôi thả trên núi đá vôi, ăn lá cây hoang dã chứa nhiều vị thuốc... nên dê Ninh Bình có hương vị riêng, trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước.

Đàn dê được lùa lên núi cao kiếm ănĐàn dê được lùa lên núi cao kiếm ăn - Ảnh: Đỗ Trường

 
Tập trung nhiều dê nuôi nhất phải kể đến Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn... bởi diện tích núi đá vôi lớn nhất tỉnh Ninh Bình. Ông Đinh Duy Quân (50 tuổi, thôn Sẽ Chè, xã Gia Thanh, H.Gia Viễn, Ninh Bình) là người đã có gần 20 năm nuôi dê ở núi Chèo Cằm. Theo ông Quân, dê là loài ăn tạp nên rất dễ nuôi, nhưng để có được thịt ngon, chất lượng, mùi vị mang đặc trưng riêng của Ninh Bình thì phải chăn thả trên những dãy núi đá vôi từ 2 - 3 tháng mới cho “hạ sơn” một lần. “Ở trên núi, dê thường thích ăn lá cây có mủ, hơi ráp và đắng như bình chích, cà gai leo, là những loài cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc mà dân gian thường nấu nước uống, tắm và để chữa bệnh tiêu chảy; hay ăn lá cây mõm chuột (còn gọi là trọng đũa) có tác dụng cầm máu rất tốt. Chưa hết, lá xoan dù có vị rất đắng nhưng dê lại rất thích ăn, theo dân gian truyền lại thì đây là loại lá có tác dụng giảm béo rất tốt. Do dê được thả rông ở trên núi nên tỷ lệ mất mát có khi lên đến 50% số lượng đàn dê”, ông Quân cho hay.

Ông Đinh Duy Xuyên (60 tuổi, ngụ xã Gia Thành, H.Gia Viễn) cũng là người nuôi dê lâu năm ở địa phương. Hẹn mãi mới gặp được ông vì ông bảo phải ở lại trên núi tìm 5 con dê tách đàn đi lạc ở đâu không rõ. Theo ông Xuyên, dê nuôi tại các vùng núi đá ở Ninh Bình thường đẻ con trong các hốc đá. Khoảng hơn 1 tuần thì dê mẹ có thể dắt con theo và “hướng dẫn” tìm lá cây có vị thuốc để ăn. “Dê con được sinh sản ở trên núi có tỷ lệ mất mát rất lớn do bị trăn, rắn ăn thịt hoặc rơi xuống hố mất tích. Để tránh sự mất mát, thường sau khi dê con được sinh ra, người nuôi phải đi lên núi cao, đưa dê con và cả dê mẹ về nhà để chăm sóc”, ông Xuyên chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình, hiện đàn dê đang được chăn nuôi trên địa bàn có trên 20.000 con. Giống dê được nuôi nhiều và lâu đời nhất ở đây được gọi là dê dé, có hình dáng nhỏ nhắn (khoảng 20 - 30 kg/con), chắc thịt hơn các giống dê khác. Mỗi năm, đàn dê ở Ninh Bình cung cấp hơn 200 tấn thịt dê ra thị trường.

Ninh Bình có trên 30.000 ha rừng, núi đá vôi, tuy nhiên ông Hà cho biết không phải vùng nào cũng nuôi được dê. “Hiện chúng tôi đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý về dê núi Ninh Bình, đồng thời triển khai đề án phát triển vùng chuyên canh chăn nuôi dê ở Hoa Lư, Nho Quan...”, ông Hà nói.

Làng ẩm thực dê núi

Thịt dê Ninh Bình nổi tiếng nên cuối năm 2013 địa phương đã chính thức lập nên một làng ẩm thực dê núi Ninh Bình, thuộc xã Gia Vinh (H.Gia Viễn) để đưa ẩm thực dê núi thành một thương hiệu. Làng ẩm thực dê núi với sự tham gia của đông đảo những chủ kinh doanh mặt hàng thịt dê, với cam kết niêm yết giá bán rõ ràng, đặt chất lượng lên hàng đầu. Những nhà hàng, quán tham gia vào làng ẩm thực dê núi Ninh Bình đều phải được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề; tại các nhà hàng đều có số điện thoại đường dây nóng để khi thực khách gặp những điều không hài lòng có thể lập tức phản ánh.
Diệu Hiền
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.