Đau đầu đặt tên con

26/02/2011 15:16 GMT+7

Đã qua thời giản đơn gọi thằng cu, cái hĩm, đặt tên xấu cho dễ nuôi hay để trả thù đời. Nay việc đặt tên con còn nhận được sự trợ giúp từ Internet, bởi phụ huynh nào cũng gửi gắm hi vọng, ước mong của mình trong chính cái tên con. Cái tên ấy sẽ là nỗi ám ảnh của con hay niềm tự hào của bậc làm cha, làm mẹ?

 

Khi các con là niềm hi vọng của bố mẹ (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: Gia Tiến

 

Nỗi buồn của tên

Số lượng nữ giới ở VN được đặt tên Gái không phải là ít, nhưng có lẽ câu chuyện của chị N.T.Gái (Q.Gò Vấp, TP.HCM) là bi kịch nhất. Chị Gái được sinh ra khi cha mẹ không nhìn mặt nhau, người mẹ bỏ con lại cho nhà nội nuôi. Sự căm hận của người lớn khiến họ không ngần ngừ “dành tặng” chị cái tên này. Khi chớm thành thiếu nữ, chị đắng lòng với những câu chì chiết bấy lâu vẫn nghe đây đó “rồi nó cũng làm gái giống mẹ nó thôi!”.

Lên mạng tra tên

Hiện hầu hết phụ huynh đều tìm đến tham khảo các trang web như: vuontre, meyeucon, choicungbe, chaobe... Đối với các cặp có chồng hoặc vợ là người nước ngoài thì babynames, babynamesworld... là những địa chỉ quen thuộc.

Ngoài ra có cầu ắt có cung, nhiều nơi đã có dịch vụ “đặt tên giùm cho bé yêu” có thu phí. Có trang người tham gia phải đóng một khoản phí 30 USD kèm theo một số thông tin cá nhân để được gợi ý một cái tên phù hợp.

Cái tên đã làm chị trằn trọc nhiều về một tuổi thơ không hạnh phúc. “Giờ tuy đã sống cùng gia đình riêng nhưng cái tên này vẫn như một vết cắt đau nhói mỗi khi tôi nhớ tới nguồn gốc của nó”, chị tâm sự. “Sao chị không đi đổi tên?” - tôi thắc mắc. Chị chỉ cười buồn và cho rằng dẫu xấu hay đẹp thì nó đã theo mình suốt bao năm qua nên khó mà dứt được.

Có lẽ cái day dứt này cũng là điều mà rất nhiều người con có tên “độc” khác vướng vào, không tháo gỡ được như trường hợp người đàn ông sau. Anh tên Trần Nguyễn Châu Anh. Một cái tên ghép đầy kỷ niệm của bố anh và mối tình đầu. Cái tên ấy không gặp rắc rối từ sự ghen tuông của người mẹ vì mẹ anh hiểu và trân trọng, nhưng lại gặp phải rắc rối vì giống tên con gái quá. Giống đến mức giấy khen/bằng khen thì trước tên của anh là từ chị hoặc cô. Hay có lần ban tổ chức một cuộc thi cờ vua đã phải bối rối vô cùng khi trước đó lỡ xếp anh vào bảng thi đấu của nữ. Bạn bè chọc ghẹo. Những trường hợp hiểu lầm làm anh trở nên kém tự tin suốt một thời gian dài, nhất là thời đi học. Giờ nhìn lại anh cho đó là kỷ niệm dễ thương, nhưng anh vẫn bảo sau này đặt tên con dứt khoát trai cho ra trai, gái cho ra gái.

Ba tháng mất ngủ!

Anh Quốc Trọng (Q.2, TP.HCM) cho biết cả hai vợ chồng từng mất ăn mất ngủ, căng thẳng một thời gian dài trước ngày em bé chào đời chỉ bởi những mâu thuẫn của việc đặt tên cho con.

“Tôi và vợ có nhiệm vụ phải liệt kê một danh sách những cái tên yêu thích với diễn giải cụ thể, sau đó gửi danh sách đến ông bà hai bên để kiểm tra xem có phạm húy không. Mọi chuyện nghe rất đơn giản nhưng thực chất kéo dài gần ba tháng với nhiều tranh cãi đến mệt mỏi” - anh nhớ lại.

Do vợ chồng anh quyết định chỉ có một con nên cả hai đều mong tất cả những điều mình muốn gửi gắm sẽ được truyền tải trọn vẹn. Rắc rối là phía anh Trọng muốn bé có đầy đủ họ và tên lót của mình như thông lệ của dòng tộc, gia đình vợ cũng có đòi hỏi tương tự. Nên để chọn họ và tên lót ngắn gọn cho em bé thì vợ chồng anh lại phải đau đầu lần nữa lập ra một danh sách mới.

Trường hợp của anh Trọng không hiếm. Rất nhiều cặp vợ chồng thừa nhận việc đặt tên cho em bé khiến họ rất lo lắng, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm. Đặt tên con nếu không được giải quyết khéo léo đôi khi dẫn tới nội bộ bất hòa trong các gia đình.

Anh Quang Khôi (công tác tại Vietcombank) tuy không rơi vào trường hợp trên, nhưng cũng thừa nhận gia đình anh ít nhiều lúng túng khi tìm tên cho con mình: “Tuy gia đình hai bên không can thiệp nhiều nhưng chúng tôi cũng phải chọn một số tên gọi nhất định để hai họ tham khảo”. Anh cho biết giai đoạn này tuy nhẹ nhàng nhưng cũng kéo dài khoảng ba tháng sau khi biết giới tính của con.

Chị Ngọc Ngà (trưởng đại diện một công ty nước ngoài) khẳng định: “Các trường hợp trên xảy ra nhiều ở các thành phố lớn bởi lớp người trẻ có tri thức thường không tin lắm vào những điều răn của các cụ”. Bản thân chị cũng từng bị “sóng gió” với gia đình hai bên vì đã đặt tên con mà không qua “thẩm định”.

Anh Trọng ao ước: “Nếu có bé thứ hai, tôi nghĩ mình sẽ chủ động hơn so với trước đây. Điều mà bản thân tôi hay bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn là có quyền nhất định trong việc chọn tên cho con. Ước muốn giản đơn đó thực chất sẽ giải quyết được rất nhiều việc”.

Một số gợi ý đặt tên cho bé:

- Chọn tên cả hai vợ chồng đều thật sự thích.

- Kiểm tra xem tên bé có trùng với một ẩn ý xấu, đụng chạm tôn giáo hay yếu tố có thể ảnh hưởng tới tâm lý của bé sau này.

- Chọn tên dễ đọc, dễ đánh vần để trẻ không gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội.

- Cân nhắc việc chọn tên bé theo xu hướng thời đại hoặc mang ý nghĩa chính trị, không nên đặt theo tên những người nổi tiếng... bởi điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tương lai, tâm lý bé.

- Tôn trọng ý kiến của những thành viên khác nhưng đừng bị chi phối khi đặt tên cho bé. Tình yêu của mọi người dành cho bé không thể bị ảnh hưởng chỉ vì một cái tên.

(trích từ cuốn What to expect the first year - cung cấp lời khuyên, chỉ dẫn liên quan đến trẻ sơ sinh)

C.N. tóm dịch

Chọn lựa từ 40 cái tên

Một đứa bé ra đời sau khi được bố hay mẹ báo tin vui, người được báo tin thường sẽ chúc mừng và hỏi ngay bé nặng mấy ký, dài bao nhiêu, tên gì? (câu hỏi gái hay trai ngày càng trở nên ít thông dụng vì thường thì thông báo về giới tính của bé đã được biết từ lúc bụng mẹ còn lặc lè, bất chấp điều này trái luật). Cân nặng và chiều dài thì quá dễ trả lời. Nhưng còn tên?

Theo quan sát của tôi, phần lớn ông bố bà mẹ gặp khá nhiều khó khăn trong việc chọn tên cho con. Vì khó nên phần lớn cứ tặc lưỡi rằng thôi cứ để nó ra đã rồi hẵng tính. Một số cặp vợ chồng ngại khó bèn đẩy việc cho ông bà. Số cặp khác lại bị ông bà, hay ông bác bà cô nào đó, cưỡng đoạt mất cái quyền thiêng liêng này. Có nhà thì vợ hoặc chồng độc quyền đặt tên cho con bất chấp nỗi đau thầm lặng của đồng tác giả đứa bé. Một số khác thì đi nhờ “thầy” đặt tên cho con.

Ở nhà tôi, chúng tôi áp dụng nguyên tắc “đồng thuận mở rộng”, nghĩa là trường hợp không đồng thuận vợ có quyền phủ quyết. Riêng việc đặt tên con, dân chủ được phát huy cao độ, nghĩa là hai vợ chồng tranh luận đến lúc đồng thuận thì thôi.

Đầu tiên cần liệt kê các tiêu chí mà tên phải đạt được. Hai vợ chồng nhanh chóng thống nhất các tiêu chí sau: nghe hay hay, có ý nghĩa và ít “đụng hàng”. Tất nhiên những tiêu chí này có phần chủ quan, nhưng làm sao xác định được một tiêu chí không chủ quan?

Tiếp đến là phải cùng động não. Vợ lấy một tờ giấy khổ A4, chia làm hai cột, một bên tên con gái, một bên tên con trai. Hai vợ chồng bắt đầu ghi lại bất kỳ tên nào vụt đến trong đầu, càng nhiều càng tốt. Sau nhiều lần ngủ gục lên ngủ gục xuống, khoảng gần 40 cái tên cả trai lẫn gái được ghi vào tờ giấy.

Giai đoạn quan trọng nhất dĩ nhiên là tranh luận để đồng thuận. Cần phải đánh giá, phân tích từng tên một trong số những cái tên đã nghĩ ra ở bước hai, so sánh từng tên với nhau, đối chiếu tên với các tiêu chí đề ra ở bước một. Cả tôi và vợ đều có một vài cái tên ưa thích (kiểu như “đệ tử ruột” hay “gà nòi”) mà mỗi người đều gắng sức bảo vệ trước sự tấn công của đối phương.

Dù sao đi nữa, nhờ phát huy dân chủ và ứng dụng lề lối làm việc khoa học như trên, con gái tôi đã có tên từ lúc mới được ba tháng trong bụng mẹ, còn con trai năm tháng cũng đã có tên.

LM VŨ THAO

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.