Đất Thanh dân Nghệ!

15/09/2011 07:09 GMT+7

Có 160 hộ dân đang sống cảnh “trung lập” gần nửa thế kỷ vì là người Nghệ An nhưng lại định cư trên đất Thanh Hóa!

“Trung lập” là cách nói vui của ông Mai Công Xuân, Bí thư xã Trường Lâm, H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khi kể về vùng đất đặc biệt này. Hơn 50 năm trước, vùng đất Trường Lâm của Thanh Hóa do người Nghệ An ra khai hoang.

Sau năm 1964, đa số dân khai hoang về quê, chỉ còn lại một bộ phận bám trụ ở lại xóm 10, nay gọi là xóm Trung Triều, với số dân đã lên đến gần 1.000 người. Họ đăng ký hộ khẩu thường trú, đóng thuế các loại, trong đó có cả thuế đất cũng như chấp hành mọi thủ tục hành chính khác với xã Quỳnh Lộc, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An và không thực hiện một nghĩa vụ gì với địa phương mình sinh sống.

Anh Nguyễn Cao Bằng, 43 tuổi, cư dân xóm 10 giải bày: “Là người Nghệ An thật, nhưng sống trên đất Thanh Hóa, nên chúng tôi không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho mảnh đất mình sinh sống. Phía Nghệ An bảo không phải đất Nghệ An, nên không có quyền cấp sổ đỏ. Phía Thanh Hóa thì nói chúng tôi không phải người địa phương, không nộp thuế đất và các nghĩa vụ khác nên cũng không cấp sổ đỏ”.

Không chỉ gặp khó về thủ tục giấy tờ, người xóm 10 còn vấp phải những quy định rất riêng. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân Tùng Bách khi mở xưởng kinh doanh đã “vướng” vào Chỉ thị 21 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định mọi hoạt động xây dựng nhà ở, công trình gắn liền trên đất của dân ở Trường Xuân phải có giấy phép, vì khu vực này nằm trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

“Chủ doanh nghiệp này là người Nghệ An, lẽ ra không phải thi hành qui định trên, nhưng lại đóng trên đất Thanh Hóa nên vẫn phải theo Chỉ thị 21. Chúng tôi rất khó xử vì chưa có tiền lệ, trước mắt phải vận động để Tùng Bách phối hợp, chứ không thể cưỡng chế tháo dỡ!”, ông Lê Anh Cường - Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc xây dựng H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết.

Nằm trong địa phận xã mình, nhưng không được quản lý trực tiếp nên Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, ông Đỗ Thế Thống cũng không hay xóm 10 có diện tích thế nào và hiện có bao nhiêu người sinh sống. Tương tự, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An, ông Nguyễn Văn Bắc cũng chỉ “lờ mờ” rằng xã ông có khoảng 160 hộ đang sống trên đất Tĩnh Gia, Thanh Hóa, ngoài ra, UBND xã không rõ diện tích đất ở và đất nông nghiệp của họ đang sử dụng là bao nhiêu.

Ông Hồ Phi Toàn, 52 tuổi, xóm trưởng xóm 10 cho biết: “Nhiều năm qua, chúng tôi gặp khó khăn về sự chồng chéo thủ tục giữa 2 địa phương. Người dân đã kiến nghị nhiều lần hai vấn đề lớn: Một là xem xét cấp sổ đỏ, hai là quyết định cho chúng tôi thuộc Thanh Hóa hay Nghệ An. Được biết hai bên Thanh - Nghệ đã nhiều lần họp bàn nhưng chưa đạt kết quả”.

Trao đổi với Thanh Niên về việc hiếm có này, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết: “Việc này do lịch sử để lại, chúng tôi đang chờ cấp xã giải quyết và báo cáo lên. Việc phân định địa giới giữa 2 tỉnh và giải quyết quyền lợi cho nhân dân khu vực này, cần phải được xem xét rõ ràng. Trách nhiệm cấp huyện đến đâu, chúng tôi giải quyết đến đấy, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo từ cấp tỉnh”.

Chuyện “đất Thanh dân Nghệ” kể trên đã diễn ra nhiều năm và được chính quyền hai xã biết rõ, nhưng sự việc đã không được cấp có thẩm quyền nào quan tâm. Chỉ đến khi một số người dân cư xây dựng nhà cửa, mở rộng cở sở sản xuất và động chạm đến quy định của tỉnh Thanh Hóa thì vấn đề mới được đặt lên bàn của các cấp thẩm quyền. Tuy nhiên, tại thời điểm này, gần 1.000 người dân xóm 10 vẫn phải sống “trung lập” và chưa được hưởng đầy đủ những quyền lợi được pháp luật thừa nhận.

Vũ Anh - Ngô Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.