Dạo chơi làng nổi Tân Lập

26/09/2015 14:09 GMT+7

Để có một chuyến đi vừa gói gọn trong những ngày cuối tuần lại vừa thỏa mãn sự tò mò của những kẻ thích ngao du, Tân Lập là một gợi ý lý tưởng. 'Nếu không có thời gian đi xa, hãy về dạo chơi làng nổi Tân Lập!' - câu mời gọi thân thương của người bạn ở Long An khiến chúng tôi 'giật mình' bởi Long An quá gần và quá quen...

Để có một chuyến đi vừa gói gọn trong những ngày cuối tuần lại vừa thỏa mãn sự tò mò của những kẻ thích ngao du, Tân Lập là một gợi ý lý tưởng. 'Nếu không có thời gian đi xa, hãy về dạo chơi làng nổi Tân Lập!' - câu mời gọi thân thương của người bạn ở Long An khiến chúng tôi 'giật mình' bởi Long An quá gần và quá quen...

Nhắc đến Long An, mọi người cứ theo “định kiến” rằng xứ này là nơi sản sinh hạt gạo nàng thơm chợ Đào và rượu đế Gò Đen vô danh tiếng, chứ chẳng có gì quyến rũ du khách dừng chân để thăm thú, ngao du. Vậy mà, vào những ngày qua, khi cùng nhóm bạn làm chuyến viếng thăm làng nổi Tân Lập - một địa danh là lạ đã làm tim tôi đầy xốn xang.
Chúng tôi chọn lộ trình đến làng nổi Tân Lập theo con đường Phan Văn Hớn nối dài để đến Đức Hòa - Đức Huệ. Khi đến Đức Huệ, cả nhóm tranh thủ ghé thăm làng nhà cổ Phước Lộc Thọ khá nổi tiếng. Tại khu làng này, có khoảng 15 căn nhà cổ được các chủ nhân sưu tầm và phục dựng theo các mô hình Bắc Trung Nam khá đầy đủ. Tất cả đều bằng gỗ, cẩn chạm hoa văn cùng khảm xà cừ hoặc sơn son thếp vàng, đặc biệt các ngôi nhà đều được ghép lại bằng mộng, không sử dụng đinh. Các nghệ nhân từ Huế đã vào làm việc ròng rã hàng năm trời. Ngôi nhà nhỏ nhất có 36 cột và ngôi nhà lớn nhất gồm 104 cột. Ngoài ra, với tủ, bàn ghế, giường ngủ và các vật dụng khác được bài trí đầy đủ trong nhà nên khi bước vào, chúng tôi có cảm tưởng mình được quay trở lại quá khứ.
Dạo chơi làng nổi Tân Lập 2Cảnh trên kênh rạch tại làng nổi Tân Lập
Rời khu nhà cổ, sau hơn 1 tiếng đi xe, khu làng nổi Tân Lập hiện ra qua chiếc cổng có dáng hình na ná như những mái nhà. Chỉ cần chạy xe vào cổng chừng ít phút, khung cảnh mát rượi hiền hòa đã cuốn hút tâm trí của nhóm rất nhanh. Ở nơi đây, bạn có thể thỏa mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc của những cánh đồng lúa xanh um, rẫy thơm chi chít trái hoặc khu vườn đang lặc lè những trái mãng cầu còn xanh non nhu nhú gai trong nắng vàng óng ả. Đi vào sâu hơn là khu vực nuôi ong lấy mật với vô số những chiếc thùng đang vù vù, vi vu tiếng ong . Chợt thêm yêu mảnh đất hiền hòa, mật ngọt này, nơi đã đơm hoa kết trái để giúp con người cùng động vật có cơ hội cân bằng cuộc sống!
Thăm làng nổi, cả nhóm quá bất ngờ vì không hề biết một địa danh nằm sát nách Sài Gòn lại sở hữu một không gian sông nước nên thơ xinh đẹp như thế. Trên chiếc tắc ráng rẽ nước ngắm quang cảnh khu làng nổi giữa đất trời xanh ngắt mát rượi, cô bạn kề tai tôi nói nhỏ: Cảnh vật này còn “ngon” hơn địa danh Chu Gia Giác - nơi được xưng tụng là Venice phương Đông mày ơi... Phì cười, tôi khoát tay, vớt một đám bèo đang bồng bềnh đùa vui trên mặt nước và nghe chia sẻ thêm từ cậu hướng dẫn viên của khu làng nổi.
Dạo chơi làng nổi Tân Lập 3Dạo bộ tại KDL Tân Lập
Trước đây, địa danh Tân Lập vốn là một khu rừng ngập nước ngọt khá lớn của tỉnh Long An, giáp với vùng đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười và liên kết nhau để tạo thành một vạt rừng mênh mông với diện tích lên đến vài chục ngàn ha. Vì nằm sát biên giới đất nước Campuchia (khoảng 15 km về phía nam) nên trước đây, địa danh này thuộc sự kiểm soát khá chặt chẽ của lực lượng biên phòng giữa 2 nước. Theo thời gian, địa danh này đã được chỉnh trang thành khu du lịch sinh thái với cái tên rất đặc trưng - làng nổi Tân Lập.
Với diện tích ước chừng 135 ha và chi phí hàng trăm tỉ đầu tư, khu du lịch này có bản sắc riêng biệt, không trùng lặp hay lẫn lộn với các khu du lịch khác của đồng bằng sông Cửu Long. Đến Tân Lập, khách có thể vui thú với các trò thư giãn giải trí như: câu cá, chèo thuyền ngắm sen, súng nở rộ, hái thơm và rau rừng để ăn kèm cá nướng, xem chim, vào nông trường xem canh tác rẫy thơm...
Chúng tôi còn được hướng dẫn dạo chơi khám phá rừng tràm Tân Lập ngày đêm ngập trong làn nước trong vẫn ánh sắc đỏ của phèn. Bập bềnh thuyền trôi trong khuôn viên rừng mênh mông để nghe chim ríu rít rủ nhau tìm thức ăn.
Trên những con đường thủy lai láng nước, uốn lượn cong cong như dải lụa mềm, thuyền lừ đừ len lỏi giữa những hàng tràm có tuổi đời từ 1,2 thế kỷ đổ lên, phảng phất mùi hương từ những cánh hoa tràm trắng li ti rung rinh trong nắng. Đứng trên thuyền, tôi phóng hết tầm mắt để ngắm những đầm sen, đầm súng rập rờn sắc hoa thắm, bên tai muôn tiếng chim đang cùng nhau hòa tấu bản giao hưởng thiên nhiên rộn rã vui tươi. Một câu hát khe khẽ chợt bật ra: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó, thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.